Tham vọng xây 10 bệnh viện nhưng tiền mặt cạn kiệt và nợ lãnh đạo hàng trăm tỷ đồng, TNH cấp tập huy động vốn
Bệnh viện TNH sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 20/12 nhằm thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Trước đó, doanh nghiệp đã huy động 152 tỷ đồng từ đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, chủ yếu để trả nợ ban lãnh đạo và lương nhân viên.
Ngày 1/11, HĐQT CTCP Tập đoàn Bệnh viện TNH (HoSE: TNH) đã thông qua phương án tổ chức ĐHĐCĐ bất thường diễn ra vào ngày 20/12 tới đây. Nội dung họp sẽ bao gồm việc bầu ra một thành viên HĐQT, sửa đổi điều lệ tổ chức và hoạt động. Đặc biệt, TNH muốn chào bán cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ, tuy nhiên hiện chưa rõ kế hoạch cụ thể.
Đáng chú ý, doanh nghiệp chỉ vừa mới kết thúc đợt chào bán 15,2 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu vào cuối tháng 10. Số tiền 152 tỷ đồng thu được phần lớn sẽ được sử dụng để trả nợ. Cụ thể, 92 tỷ đồng sẽ được dùng để trả nợ vay các thành viên HĐQT, bao gồm: ông Hoàng Tuyên - Chủ tịch HĐQT (35,6 tỷ đồng); ông Lê Xuân Tân - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc (11,4 tỷ đồng); ông Nguyễn Văn Thủy - Ủy viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc (35 tỷ đồng); ông Nguyễn Xuân Đôn - Ủy viên HĐQT (10 tỷ đồng). Còn lại, 20 tỷ đồng sẽ được dùng để trả nợ vay các tổ chức tín dụng; 30 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động (thanh toán tiền mua hàng hóa, thuốc, hóa chất) và 10 tỷ đồng để trả nợ lương cán bộ nhân viên.
Ảnh minh họa |
TNH cấp tập huy động vốn trong bối cảnh doanh nghiệp này đang triển khai xây dựng Bệnh viện TNH Việt Yên (Bắc Giang), Bệnh viện TNH Lạng Sơn (Lạng Sơn), Giai đoạn 3 – Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên.
Về tiến độ, Bệnh viện TNH Việt Yên có tổng vốn đầu tư 753 tỷ đồng với 150 giường bệnh. Tính đến cuối tháng 9, dự án đã giải ngân được 731 tỷ đồng, đạt 97% tổng vốn đầu tư và sẽ chính thức đi vào hoạt động vào ngày 6/11. Bệnh viện TNH Lạng Sơn khởi công vào tháng 2 và đến tháng 10 đã giải ngân được 231 tỷ đồng, đạt 26% tổng vốn đầu tư, hiện đã đổ bê tông đến tầng thứ 6. Dự án sẽ đi vào hoạt động từ quý IV/2025. Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên giai đoạn 3 đầu tư 145 tỷ đồng, quy mô 50 giường, dự kiến hoàn thành vào quý II/2025.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ 2024, ban lãnh đạo Bệnh viện TNH chia sẻ tham vọng nâng công suất lên khoảng 2.000 đến 2.500 giường bệnh (hiện tại là 600 giường) trong hệ thống trước năm 2030, với định hướng mở rộng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM… TNH đặt mục tiêu phát triển 10 bệnh viện, đồng thời hướng tới tăng doanh thu thông qua việc cung cấp các dịch vụ cao cấp hơn tại bệnh viện như tiêm chủng và mở các phòng khám mới.
Theo SSI Research, Bệnh viện TNH cần khoảng 4.363 tỷ đồng cho việc đầu tư, mở rộng 6 bệnh viện, bao gồm: Bệnh viện TNH Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản TNH, Bệnh viện Mắt TNH, Bệnh viện Quốc tế TNH giai đoạn III, Bệnh viện TNH Lạng Sơn giai đoạn I và Bệnh viện TNH Việt Yên.
Kết quả kinh doanh TNH |
Tuy nhiên, tại thời điểm ngày 30/9, doanh nghiệp chỉ có 47 tỷ đồng tiền mặt, trên tổng tài sản 2.514 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn chủ sở hữu là 1.715 tỷ đồng, còn lại là nợ phải trả 799 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm 2024, TNH đạt doanh thu 332 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 63 tỷ đồng, lần lượt giảm 20% và 43% so với cùng kỳ. Đóng góp lớn nhất đến từ Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên.
>> Bệnh viện TNH chào bán thành công 15 triệu cổ phiếu giá rẻ, mục đích trả nợ cho ban lãnh đạo
Mới ra mắt thị trường Việt Nam mẫu xe điện bán chạy hàng đầu Trung Quốc, cổ phiếu TMT tăng kịch trần