Thần đồng được mời vào cung để dạy học cho con vua, 17 tuổi đỗ Bảng nhãn, được mệnh danh 'ông tổ của nền sử học Việt Nam'

08-04-2024 09:43|Quỳnh Như

Ông được biết đến là sử gia đầu tiên của nước Đại Việt, một danh nhân văn hóa của dân tộc, vị Tiến sĩ khai khoa đầu tiên của xứ Thanh.

Từ xưa đến nay, Thiệu Hóa xứ Thanh được biết đến là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa. Đó là mảnh đất có nhiều danh nhân, khoa bảng, anh hùng, hào kiệt, góp phần làm rạng danh sử sách, non sông. Nổi bật trong đó là nhà giáo mẫu mực, nhà sử học Lê Văn Hưu - người được mệnh danh là “ông tổ của nền sử học Việt Nam”.

“Thần đồng Hưu” nổi tiếng gần xa

Lê Văn Hưu sinh năm 1230 tại làng Phủ Lý (Đông Sơn, Thanh Hóa), nay thuộc xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Ông là cháu 7 đời của Lê Lương, một hào trưởng nổi tiếng dưới thời vua Đinh Tiên Hoàng. Theo Lê thị gia phả, ông "khôi ngô tuấn tú, tư chất thông minh".

Tương truyền, cậu bé Lê Văn Hưu sớm biết nói, mẹ cậu là người sinh ra trong gia đình Nho học, vốn biết ít nhiều chữ nghĩa nên thường dạy truyền miệng cho con chữ nghĩa để thấm dần, mong con về sau hay chữ. Khi đến năm 6 tuổi, Văn Hưu được ông ngoại dạy học từng đoạn văn sách, cậu thuộc nhanh và thường đem khoe với người lớn.

Tượng thờ Bảng nhãn Lê Văn Hưu. Ảnh: Báo Phát luật

Tượng thờ Bảng nhãn Lê Văn Hưu. Ảnh: Báo Phát luật

Năm 9 tuổi, Lê Văn Hưu được đưa đến học với ông đồ ở Cổ Bôn, bên bờ Bắc sông Hương Giang (sông nhà Lê). Cậu học trò sáng dạ, thầy đồ họ Nguyễn thường khen ngợi hết lời, nên tiếng tăm “thần đồng Hưu” nổi tiếng gần xa.

Năm 1247, Đại Việt mở khoa thi chọn Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa, gọi là Tam khôi. Khoa thi này diễn ra sự kiện lạ lùng mà suốt lịch sử khoa cử của đất nước chưa lặp lại. Danh hiệu Tam khôi thuộc về 3 học trò trẻ tuổi, đó là Lê Văn Hưu 17 tuổi đỗ Bảng nhãn, xếp thứ hai sau Trạng nguyên Nguyễn Hiền 12 tuổi và xếp trước Thám hoa Đặng Ma La 14 tuổi.

Sau khi thi đỗ, Lê Văn Hưu được vua giữ trong cung làm môn khách, dạy dỗ hoàng tử Trần Quang Khải, người sau này trở thành danh tướng có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông. Có lần, Trần Quang Khải hỏi thầy liệu có cách gì để một nước nhỏ bé như Đại Việt chống được sự thôn tính của kẻ ngoại bang hùng mạnh? Thầy Hưu trả lời, khi nào vua quan trong triều cùng lòng, nhân dân cả nước đoàn kết, một chí diệt giặc, thì kẻ địch nào cũng bị đánh bại. Câu nói đơn giản đó đã khắc sâu vào tâm khảm hoàng tử trẻ.

Tiếp đó, Lê Văn Hưu giữ chức Pháp quan (trông coi việc hình luật) rồi được thăng lên làm Thượng thư bộ Binh. Đến thời vua Trần Thánh Tông, ông được bổ nhiệm là Học sĩ Viện Hàn lâm kiêm làm việc ở Viện Quốc sử.

Người đặt nền móng sử học

Không chỉ là Bảng nhãn, nhà giáo, nhà chính trị, quân sự, nhà văn hoá lớn ở thế kỷ XIII-XIV, Lê Văn Hưu còn là nhà sử học lỗi lạc đầu tiên của đất nước.

Năm 24 tuổi, Lê Văn Hưu được làm quan Hàn lâm viện Thị độc. Năm Nhâm Thân, niên hiệu Thiệu Long 15 (1272) đời vua Trần Thánh Tông, ông được làm Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu, hoàn thành bộ Đại Việt sử ký chép từ Triệu Vũ đế (năm 208-137 trước Công nguyên) đến Lý Chiêu Hoàng (1224-1225), gồm 30 quyển, dâng lên vua và được khen ngợi có tài viết sử. Từ bộ quốc sử đầu tiên, quan sử các triều đại sau này đã biên soạn lại và bổ sung những giai đoạn lịch sử nối tiếp.

Theo sử gia Trần Trọng Kim trong tác phẩm Việt Nam sử lược, Đại Việt sử ký là bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam. Sau khi xâm lược Đại Ngu (quốc hiệu kế tiếp sau Đại Việt), nhà Minh đã đưa sách của nước Nam về Trung Quốc, trong đó có 30 quyển Đại Việt sử ký.

Đại Việt sử ký nay không còn, nhưng vẫn có thể thấy thấp thoáng bóng dáng bộ quốc sử đầu tiên này trong Đại Việt sử ký toàn thư do sử thần thời Lê là Ngô Sĩ Liên biên soạn.

Tấm bia dựng năm Tự Đức thứ 20 (1867), khắc ghi tiểu sử và bài minh ca tụng tài đức của Lê Văn Hưu

Tấm bia dựng năm Tự Đức thứ 20 (1867), khắc ghi tiểu sử và bài minh ca tụng tài đức của Lê Văn Hưu

Trong bài tựa Đại Việt sử ký Ngoại kỷ toàn thư (Đại Việt sử ký toàn thư được chia làm hai phần là Ngoại kỷ toàn thư và Bản kỷ toàn thư), Ngô Sĩ Liên viết: "Văn Hưu là người chép sử giỏi đời Trần, Phu Tiên (tác giả bộ Đại Việt sử ký tục biên) là bậc cổ lão của thánh triều ta, đều vâng chiếu biên soạn lịch sử nước nhà, tìm khắp các tài liệu còn sót lại, tập hợp thành sách để cho người xem đời sau không có gì phải tiếc nữa".

Lê Văn Hưu cáo quan trí sĩ tại quê nhà và mất ngày 23/3 năm Nhâm Tuất (1322), thọ 92 tuổi. Ngày nay, phần mộ Lê Văn Hưu được chôn cất ở xứ Mả Giòm có tấm bia dựng năm 1867, đề “Bảng nhãn Lê tiên sinh bi ký”. Năm 1990, đền thờ Lê Văn Hưu được được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia.

Lăng mộ Lê Văn Hưu

Lăng mộ Lê Văn Hưu

Bằng tài năng, đức độ hơn người, Lê Văn Hưu đã ghi tên mình vào “bảng vàng” danh nhân văn hóa Việt Nam. Đồng thời, trở thành niềm tự hào của mảnh đất Thanh Hóa giàu truyền thống lịch sử, văn hóa.

Năm 2022, tại Hội thảo khoa học Quốc gia “Lê Văn Hưu và Đại Việt sử ký” được tổ chức tại huyện Thiệu Hóa, các đại biểu đã kiến nghị Ban Tổ chức đề nghị Hội Khoa học lịch sử Việt Nam chủ trì, cùng với các cơ quan hữu trách sớm có kế hoạch chuẩn bị hồ sơ đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) vinh danh nhà sử học Lê Văn Hưu là Danh nhân văn hóa thế giới.

Tham khảo:

- 5 câu hỏi về tác giả bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam - Báo VnExpress (1/4/2017)

- Trắc nghiệm về danh tướng Trần Quang Khải - Báo VnExpress (14/3/2017)

- Tiến sĩ Lê Văn Hưu - “Ông tổ của nền sử học Việt Nam” - Báo Pháp luật (12/6/2022)

- Chuyện thú vị về các Bảng nhãn Việt Nam: Kỳ 4: Văn chương áo mũ, khai dựng quốc sử - Báo Giáo dục và Thời đại (30/11/2021)

>> Vị Trạng nguyên kiệt xuất, giỏi Toán nhất lịch sử Việt Nam: Sứ thần phương Bắc phải ngả mũ thán phục, tên được đặt cho nhiều địa danh

'Thần đồng' 11 tuổi đã đỗ Đại học, 15 tuổi được kỳ vọng nhận giải Nobel nhưng bị trục xuất về nước, sự nghiệp 'tan tành' vì 1 lý do: Muốn thành công, thứ này quan trọng hơn năng lực

‘Thần đồng’ Toán học từng là thủ khoa, đạt 703/750 điểm lại bị 11 trường Đại học Mỹ từ chối thẳng thừng: 13 năm sau có màn 'quay xe' đẳng cấp, biết ơn vì bị khước từ

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/than-dong-duoc-moi-vao-cung-de-day-hoc-cho-con-vua-17-tuoi-do-bang-nhan-duoc-menh-danh-ong-to-cua-nen-su-hoc-viet-nam-d119844.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thần đồng được mời vào cung để dạy học cho con vua, 17 tuổi đỗ Bảng nhãn, được mệnh danh 'ông tổ của nền sử học Việt Nam'
    POWERED BY ONECMS & INTECH