Xã hội

Thành cổ 400.000m2 ở Việt Nam được xây qua 3 đời vua, sử dụng kinh phí ‘khủng’, huy động 5.000 binh lính

Khả Vy 03/09/2024 09:12

Trải qua bao thiên biến của thời gian, những đổi thay của thời cuộc, thành cổ vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc giữa trái tim thành phố.

TP. Vinh được mệnh danh là trái tim của xứ Nghệ, là mảnh đất mang đậm dấu ấn lịch sử hàng trăm năm. Đây từng là nơi vua Quang Trung - Nguyễn Huệ chọn để xây dựng kinh đô vào năm 1788, khi đó được gọi là Phượng Hoàng Trung Đô. Dù cuộc sống ở Vinh ngày nay rất nhộn nhịp và sôi động, thành phố vẫn giữ được những nét đẹp cổ kính, mang đậm dấu ấn của thời kỳ đã qua. Một trong những dấu tích xưa cũ và có giá trị lịch sử - văn hóa to lớn chính là Thành cổ Vinh - công trình kiến trúc độc đáo gợi nhớ về quá khứ hào hùng của vùng đất này.

Thành cổ Vinh là công trình kiến trúc độc đáo gợi nhớ về quá khứ hào hùng của vùng đất này. Ảnh: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An

Thành cổ Vinh là công trình kiến trúc độc đáo gợi nhớ về quá khứ hào hùng của vùng đất này. Ảnh: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An

Thành Vinh xưa nằm ở xã Vĩnh Yên, thuộc phủ Yên Trường, tỉnh Nghệ An, nay thuộc địa phận phường Cửa Nam, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An, còn được gọi là Thành Nghệ An, trong dân gian còn có tên là "Thành con rùa" (thành quy hình). Tên gọi này xuất phát từ hình dáng đặc biệt của thành, với sáu cạnh giống như hình con rùa khi nhìn từ trên núi Quyết xuống.

Theo Ban quản lý di tích Nghệ An, thành được xây dựng vào triều Nguyễn, đời vua Gia Long. Năm 1802, nhà Nguyễn giành được chính quyền từ vương triều Tây Sơn. Mặc dù rất thù ghét Nguyễn Huệ - Quang Trung, nhưng Gia Long không thể làm ngơ trước cái nhìn có tầm kiệt xuất của nhà quân sự thiên tài Quang Trung- Nguyễn Huệ rằng: núi Quyết, sông Vĩnh có tầm thế của một đế đô thì sao lại không đáng để xây trấn sở của một tỉnh. Chính vì vậy, năm 1804 Gia Long khởi công xây dựng thành. Tuy nhiên, do muốn xóa đi dấu vết triều Tây Sơn nên Gia Long không cho xây thành ở núi Dũng Quyết mà xây ở địa phận 2 tức là Xã Vĩnh Yên thuộc phủ Yên Trường, chính là nơi mà dấu tích của thành vẫn còn mãi đến bây giờ.

Thành cổ Vinh năm 1927. Ảnh: Ban quản lý di tích Nghệ An

Thành cổ Vinh năm 1927. Ảnh: Ban quản lý di tích Nghệ An

Ban đầu, thành được xây bằng đất, vua Gia Long đã huy động 1.000 binh lính từ Thanh Hóa và 4.000 binh lính từ Nghệ An đắp đất xây thành. Đến thời vua Minh Mạng, năm 1831, thành được xây lại bằng đá ong, với quy mô lớn hơn và kiên cố hơn. Đến thời vua Tự Đức, khi nâng cấp thành đã sử dụng 8.599 phiến đá sò từ Diễn Châu, đá ong từ Nam Đàn, cùng với 4.848 cân vôi và 155 cân mật mía. Tổng chi phí để xây dựng thành lên tới 3.688 quan tiền, một con số khổng lồ vào thời điểm đó, thể hiện quy mô xây dựng và vị thế quan trọng của thành cổ.

Thành cổ Vinh nhìn từ trên cao. Ảnh: Sách Nguyễn

Thành cổ Vinh nhìn từ trên cao. Ảnh: Sách Nguyễn

Thành có cấu trúc hình lục giác với diện tích khoảng 420.000m2, có hai vòng: vòng thành trong và vòng thành ngoài, cùng hệ thống hào sâu bao quanh. Hào được đào sát bờ thành để lấy đất đắp lũy và cũng là một biện pháp bảo vệ. Hàng năm, hào còn được thả sen để thu hoạch hạt, dùng để cống nạp cho triều đình. Thành có ba cửa ra vào: cửa Tiền, cửa Tả và cửa Hữu.

Lính đứng trước Hành cung, chuẩn bị đón vua Bảo Đại năm 1932. Ảnh tư liệu

Lính đứng trước Hành cung, chuẩn bị đón vua Bảo Đại năm 1932. Ảnh tư liệu

Cửa Tiền là cổng chính của thành, hướng về phía Nam, mang ý nghĩa kết nối với Kinh đô Huế, nơi vua thường ngự giá. Đây là nơi nhà vua được đón tiếp một cách trang trọng, cũng là lối vào dành cho các quan chức triều đình và Tổng đốc. Cửa Tả mở về hướng Đông, với hai chữ Hán "Tả môn" được khắc ở giữa vòm cổng. Hiện nay, phần móng của cổng này đã bị lấp kín bởi đoạn đường rải nhựa vào năm 1990. Cửa Hữu mở về hướng Tây, phần móng vẫn còn lộ ra những phiến đá xanh được mài nhẵn với nhiều kích thước khác nhau. So với cổng Tiền và cổng Tả, cổng Hữu còn nguyên vẹn hơn cả.

Cửa Tiền. Ảnh: Ban quản lý di tích Nghệ An

Cửa Tiền. Ảnh: Ban quản lý di tích Nghệ An

Cửa Tả. Ảnh: Ban quản lý di tích Nghệ An

Cửa Tả. Ảnh: Ban quản lý di tích Nghệ An

Các cổng thành được thiết kế với mái vòm, tạo cảm giác như đứng giữa một ngôi nhà nhỏ kiên cố hay trong một lô cốt vững chắc. Thành Nghệ An có thể được xem như một pháo đài quân sự khi có khả năng phòng thủ cao.

Mái vòm cửa Hữu. Ảnh: Ban quản lý di tích Nghệ An

Mái vòm cửa Hữu. Ảnh: Ban quản lý di tích Nghệ An

Qua nhiều thăng trầm của chiến tranh và thời gian, thành Vinh đã không còn giữ được nguyên vẹn như xưa. Tuy nhiên, vào năm 2004, ba cổng vào thành đã được phục dựng, khôi phục phần nào vẻ uy nghiêm của một hệ thống phòng thủ quân sự từng bảo vệ thành Vinh trong quá khứ.

Đêm thành cổ. Ảnh: Hồ Đình Chiến

Đêm thành cổ. Ảnh: Hồ Đình Chiến

Hệ thống hào của Thành cổ Vinh được nâng cấp và cải tạo vào năm 2014 với tổng vốn đầu tư gần 140 tỷ đồng. Lòng hào được nạo vét, hai bên được xây dựng hệ thống kè, tạo nên một điểm nhấn độc đáo cho toàn bộ khu vực thành Vinh. Xung quanh thành cổ, chính quyền địa phương đã quy hoạch một khu phố ăn đêm để khai thác tiềm năng du lịch của công trình có giá trị lịch sử, kiến trúc, quân sự đặc biệt này.

>> Thành cổ 200 tuổi có diện tích hơn 500.000m2, là thành cổ đầu tiên của Việt Nam được xây dựng theo hình lục giác

Hồi sinh di sản: Thành cổ trăm năm tuổi ở Khánh Hòa khoác áo mới với nguồn vốn 160 tỷ đồng

Thành cổ niên đại tới 1.300 năm bị nhấn chìm 40m dưới lòng hồ nhân tạo vẫn còn nguyên vẹn, từng là nơi sinh sống của 290.000 người

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/thanh-co-400000m2-o-viet-nam-duoc-xay-qua-3-doi-vua-su-dung-kinh-phi-khung-huy-dong-5000-binh-linh-d132029.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Thành cổ 400.000m2 ở Việt Nam được xây qua 3 đời vua, sử dụng kinh phí ‘khủng’, huy động 5.000 binh lính
POWERED BY ONECMS & INTECH