Đây không chỉ là một chốn linh thiêng, một địa điểm không chỉ để thăm thú, vãn cảnh mà còn là nơi để mọi người tìm lại được sự bình yên trong tâm hồn.
Chùa Quan Âm (Đà Nẵng) hay còn được biết đến là chùa Quan Thế Âm (Ngũ Hành Sơn) là một trong ngôi chùa nổi tiếng và linh thiêng tại Đà Nẵng. Sự uy nghiêm, trang trọng của kiến trúc, sự tịch mịch thanh bình của không gian hòa với khung cảnh non nước hữu tình đem đến cho du khách những cảm xúc khó quên.
Chùa nằm tại chân núi Kim Sơn - một trong năm ngọn Ngũ Hành và cũng là “Thánh địa Phật giáo”. Được thành lập vào năm 1957, trải qua nhiều cuộc trùng tu, chùa Quan Âm hiện nay là công trình tâm linh đồ sộ, nổi bật giữa non nước Ngũ Hành Sơn.
Tương truyền, ngôi chùa này được xây dựng dựa trên một giấc mơ đầy tâm linh. Trong giấc mơ, cố hòa thượng Thích Pháp Nhãn đã thấy Ngài Quan Thế Âm ứng hiện nơi động thiêng - pháp đàn của Ngài. Theo những kí ức trong giấc mơ đó, hoà thượng đã tìm thấy ngôi thạch động có tôn tượng Quan Âm hoàn toàn do thiên nhiên tạo nên, từ đó thành lập ngôi chùa Quan Thế Âm.
Cũng vì có sự màu nhiệm của Phật pháp như vậy mà chùa Quan Âm luôn được bao bọc bởi nét huyền bí. Đây được coi là ngôi chùa vô cùng linh thiêng, thu hút rất nhiều du khách về cúng bái. Không chỉ vậy, chùa Quan Âm còn đặc biệt ấn tượng so với những ngôi chùa khác ở Đà Nẵng bởi vẻ đẹp thiên nhiên, non nước hữu tình khiến bất kỳ ai đến đây cũng nhớ mãi không quên.
Du khách đến dâng hương, hành lễ và du lịch tại chùa Quan Thế Âm sẽ cảm thấy vô cùng choáng ngợp bởi khuôn viên rộng rãi, xanh mát ngay khi bước vào cửa chùa. Đặc biệt, trong khuôn viên chùa có tượng đồng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Âm vô cùng đặc sắc. Tiếp tục đi vào bên trong sẽ tới khuôn viên phía sau - là nơi nghỉ chân, vãng cảnh cho Tăng ni, Phật tử và du khách. Khuôn viên nhìn ra dòng sông Cổ Cò xanh mát, thơ mộng khiến cho du khách cảm thấy như đang hòa mình với thiên nhiên nơi đây.
Hiếm có một ngôi chùa nào lại có ngay trong lòng một hang động ngầm như chùa Quan Âm. Động của ngôi chùa này mang đậm những đặc trưng của hệ thống hang động Ngũ Hành Sơn, vừa huyền bí thúc giục du khách đến khám phá nhưng cũng rất thanh bình, tĩnh lặng.
Đường xuống động nằm cạnh chùa, chiều dài khoảng 50m, rộng 10m, trên trần động có vô số thạch nhũ đầy màu sắc hình thù đặc sắc. Càng đi vào bên trong, bạn sẽ càng cảm thấy không khí mát lạnh, xen lẫn mùi nhang trầm thoang thoảng rất dễ chịu. Bên trong động, du khách cũng sẽ được chiêm ngưỡng pho tượng Quan Thế Âm cao 1,75m, một bức phù điêu thiên. Và đặc biệt là Thạch Chung thiên cổ – “chuông đá lớn” âm thanh tựa như tiếng chuông phát ra từ một thạch nhũ to tròn như cây cột.
Chùa Quan Thế Âm không chỉ có những cảnh vật thuộc về thiên nhiên mà nơi đây còn có Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam. Hiện nay, tầng 2 khu chánh điện của chùa là nơi lưu giữ kho cổ vật giá trị của văn hóa Phật giáo, phục vụ nhu cầu tìm hiểu văn hóa Phật giáo của Tăng ni, đạo hữu và các nhà nghiên cứu.
Chính thức mở cửa đón khách tham quan từ năm 2016, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo hiện trưng bày hơn 500 cổ vật về Phật giáo. Các cổ vật phản ánh nghệ thuật Phật giáo Việt Nam và một số quốc gia châu Á được các trụ trì chùa Quan Thế Âm dày công sưu tầm trong hơn 20 năm qua. Nhiều hiện vật có niên đại trong vài ba thập kỷ gần đây, nhưng cũng có hiện vật có niên đại từ thế kỷ VII, VIII.
Bảo tàng còn lưu giữ nhiều bộ tượng Phật quý hiếm với rất nhiều chất liệu như gỗ, ngọc, đồng, sắt, đá… Trong đó, nhiều tượng được các chuyên gia giám định đánh giá là ngang tầm bảo vật quốc gia, có giá trị đặc biệt về mặt nghệ thuật lẫn giá trị tạo hình...
Lễ hội chùa Quan Âm được tổ chức vào tháng 2 Âm lịch hàng năm, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1960. Đây là lễ hội dân gian mang đậm tín ngưỡng tôn giáo. Lễ hội diễn ra trong vòng 3 ngày, bắt đầu từ tối ngày 18 cho đến ngày 20; trong đó các nghi lễ quan trọng nhất như Lễ khai kinh, Lễ trai đàn chấn tế, Lễ thuyết giảng về Bồ Tát Quan Thế Âm và dân tộc, Lễ rước tượng Quan Thế Âm sẽ được tổ chức vào sáng ngày 19.
Đến chùa vào thời gian này, du khách sẽ hòa mình vào bầu không khí trang trọng, linh thiêng. Khắp mọi nơi được trang hoàng lộng lẫy với vô số các màu sắc. Tất cả các hoạt động đều hướng đến việc cầu bình an, mưa thuận gió hòa cho cuộc sống.