Thành phố đông dân nhất Việt Nam lập kỷ lục độ tuổi kết hôn trung bình vượt mốc 30, nguy cơ mức sinh thấp cùng già hóa dân số
Việc người trẻ ở TP. HCM lựa chọn kết hôn muộn còn cần nhiều nghiên cứu mới có thể đưa ra được kết luận chính xác.
Theo thông tin được Tổng cục Thống kế công bố trong tháng 7, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu tại TP. HCM là 30,4. Con số này là mức kỷ lục mới tại Việt Nam và nó cũng góp phần tạo nên mức sinh thấp cũng như đẩy nhanh già hóa dân số.
Được biết, trong những năm vừa qua, độ tuổi kết hôn của giới trẻ TP. HCM luôn cao nhất cả nước, tuy nhiên, đây là năm đầu tiên con số này vượt mốc 30.
Cụ thể, con số trên có xu hướng tăng liên tục từ năm 2019, bình quân mỗi năm tăng 0,7 tuổi. Trong khi đó, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của cả nước cũng tăng dần theo thời gian và hiện nay đang ở mức 27,2.
Theo chia sẻ của Thạc sĩ Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP. HCM, các nghiên cứu ghi nhận ngày càng nhiều người lựa chọn không kết hôn, sống độc thân, không sinh sao do nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có thể kể đến như muốn được tự do, gặp khó khăn về tài chính hoặc muốn theo đuổi sự nghiệp.
Đặc biệt, nhiều người trẻ e ngại việc lập gia đình do ảnh hưởng từ các câu chuyện gia đình tan vỡ. Tại TP. HCM, việc người trẻ lựa chọn kết hôn muộn còn cần nhiều nghiên cứu mới có thể đưa ra được kết luận chính xác.
Cũng theo ông Trung, xét theo mặt tích cực, việc kết hôn muộn chứng tỏ giới trẻ phần nào có sự chuẩn bị về tài chính, sự nghiệp, cân nhắc về trách nhiệm nghĩa vụ khi kết hôn. Những điều này giúp thế hệ con cái được đầu tư nuôi dạy, giáo dục tốt hơn.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc kết hôn muộn hiện nay ở TP. HCM là mức sinh thấp và tốc độ già hóa dân số nhanh chóng. Theo đó, số con trung bình của một phụ nữ thành phố trong độ tuổi sinh đẻ là 1.32, trong khi con số này ở năm ngoái là 1,42. Con số này cũng thấp hơn rất nhiều so với mức sinh thay thế Việt Nam đang duy trì là 2-2,1 con trên mỗi phụ nữ.
Ngoài ra, TP. HCM cũng đang bước nhanh vào giai đoạn già hóa dân số với hơn 1,1 triệu người trên 60 tuổi, chiếm tỷ lệ 12,5%. Trong khi đó, già hóa dân số sẽ tạo áp lực ngày càng tăng lên hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như lương hưu, bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí,...
Về tổng thể, mức sinh thấp cũng như già hóa dân số sẽ tác động trực tiếp đến “số lượng dân số”. Điều này làm suy giảm nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
TP. HCM là thành phố trực thuộc Trung ương thuộc loại đô thị đặc biệt của Việt Nam. Đây là thành phố có diện tích lên đến 2.095km2, bao gồm 1 thành phố, 16 quận và 5 huyện. Không chỉ là trung tâm kinh tế, giáo dục, văn hóa của Việt Nam, TP. HCM cũng là thành phố đông dân nhất cả nước với gần 8,9 triệu người.
Người già Việt Nam trung bình 'gánh' tới 7 bệnh, có khoảng 1 thập kỷ sống chung với bệnh tật
Thành phố trực thuộc Trung ương có tuổi thọ dân số cao nhất Việt Nam đang đối mặt với già hóa dân số