Thành phố này đặt chỉ tiêu giai đoạn 2024-2025 phát triển tối thiểu 68ha công viên, tối thiểu 4ha mảng xanh công cộng, trồng mới và cải tạo 12.000 cây xanh.
Theo như đánh giá của Bộ Xây dựng, nhiều đô thị lớn tại Việt Nam như TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng đang quá thiếu không gian xanh. Bộ Xây dựng cũng cho biết rằng dù quy chuẩn quy hoạch đô thị hiện nay yêu cầu diện tích đất trồng cây xanh tại các đô thị tối thiểu từ 4-7m2/người, tuy nhiên, tỷ lệ này trên thực tế lại mới chỉ đáp ứng được một phần của quy chuẩn.
Tại TP. HCM, diện tích công viên công cộng nằm trong quy hoạch lên đến 11.400 ha, chỉ tiêu bình quân 7m2 mỗi người dân. Tuy nhiên, theo kết quả rà soát mới đây, diện tích công viên tại thành phố mang tên Bác mới chỉ hơn 500ha, tương ứng khoảng 0,55m2 mỗi người. Với tốc độ phát triển chỉ 1,54ha diện tích công viên mỗi năm như hiện nay thì thành phố đông dân nhất Việt Nam sẽ còn mất rất nhiều thời gian nữa mới có thể phủ xanh hàng ngàn ha đất quy hoạch công viên còn lại.
Theo Báo Thanh Niên, ngay tại những khu đô thị mới xây dựng như khu đô thị Thủ Thiêm, cây xanh vẫn đang rất thưa thớt. Gần đây, trên đường Mai Chí Thọ, hơn 1.300 cây xanh cũng đã bị đốn hạ, di dời để thi công hai công trình giao thông ở khu vực này.
Ngay tại trung tâm TP. HCM, nơi được đầu tư khá tốt cho cảnh quan, mảng xanh nhưng số cây trồng mới vẫn chẳng đủ bù cho những số cây xanh bị đốn hạ trong thời gian vừa qua. Trong khi đó, tại các quận, huyện vùng ven, tình trạng thiếu mảng xanh cũng rất trầm trọng. Đơn cử như quận Bình Tân, đây là quận đông dân bậc nhất TP. HCM, với gần 800.000 người dân nhưng lại không có công viên công cộng lớn nào. Trên các tuyến đường của quận này, tình trạng cây xanh ven đường cũng rất thưa thớt.
Những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét và khắc nghiệt. Nhìn chung, thời tiết tại TP. HCM đang ngày càng nóng lên, không khí nóng bức, ngột ngạt. Sự thay đổi về nhiệt độ có thể kéo theo sự thay đổi về môi trường sinh thái, khiến cho dịch bệnh phát triển hơn. Do mật độ dân cư đông nên mức độ ảnh hưởng của việc gia tăng nhiệt độ khiến thời tiết tại TP. HCM càng đáng ngại.
Trước tình hình này, UBND TP. HCM đã ban hành “Kế hoạch thực hiện chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2024-2025” nhằm làm giảm hiệu ứng “đảo nóng đô thị”.
Theo đó, kế hoạch đề ra gồm các chỉ tiêu: phát triển tối thiểu 68ha công viên công cộng; phát triển tối thiểu 4ha mảng xanh công cộng; trồng mới và cải tạo 12.000 cây xanh và đề ra 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, bao gồm:
Một là, phát triển công viên, mảng xanh: đầu tư xây dựng công viên, mảng xanh công cộng, trong các dự án phát triển nhà ở; rà soát, thu hồi việc sử dụng, cho thuê đất công được quy hoạch là đất công viên để đầu tư xây dựng.
Hai là, xây dựng kế hoạch chỉnh trang hệ thống cây xanh đường phố; Trồng mới và cải tạo cây xanh đô thị.
Ba là, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công viên, cây xanh bằng việc lập và phê duyệt phương án sử dụng tổng mặt bằng và quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đối với từng công viên công cộng tập trung; Quy trình, định mức công tác quản lý, chăm sóc công viên, mảng xanh theo cấp độ…
Bốn là, nghiên cứu, hợp tác phát triển thông qua việc phối hợp cùng các đơn vị trong và ngoài nước để phát triển lĩnh vực công viên cây xanh thành phố.
UBND TP. HCM cũng đề nghị các địa phương đề xuất chỉ tiêu đầu tư, trong đó, mỗi địa phương tối thiểu 50ha, riêng TP. Thủ Đức tối thiểu 100ha. Các địa phương phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư theo quy định.
Ngoài ra, theo kế hoạch, TP. HCM cũng sẽ thực hiện quy hoạch định hướng chủng loại cây trồng trên các tuyến đường. Đặc biệt, quá trình thực hiện cần phải kết hợp với quy hoạch, thiết kế đô thị, quy mô hạ tầng kỹ thuật hiện hữu để đề xuất hình thái, đặc điểm nhóm loài cây trồng phù hợp.
>> Thành phố lớn nhất Việt Nam sắp có thêm công viên giải trí, thể thao 1.250 tỷ đồng