Trên tinh thần tích cực nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, nhiều quận phấn đấu 100% các chợ sẽ được xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, bảo đảm tiêu chuẩn chợ an toàn thực phẩm theo quy định, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy.
Mạng lưới chợ dân sinh ở Thủ đô giờ ra sao?
Cuối năm 2023, UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Công Thương đảm nhận vai trò chủ trì trong việc xây dựng kế hoạch phát triển, quản lý chợ trên toàn bộ địa bàn thành phố. UBND TP. Hà Nội cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nhiệm vụ đôn đốc, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư đối với các dự án chợ (đủ điều kiện), đăng ký trong Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội.
Đề cập đến nội dung này, bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhận định, hiện nay TP. Hà Nội có 29 trung tâm thương mại, 135 siêu thị, 453 chợ truyền thống…
Tuy nhiên, cơ chế quản lý và phát triển chợ trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều vướng mắc, không thu hút được các doanh nghiệp tham gia.
Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, để quản lý và phát triển chợ có hiệu quả, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 12/10/2021 của UBND TP. Hà Nội về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn giai đoạn 2022-2025, trong đó, đẩy mạnh công tác đầu tư, cải tạo chợ theo tiến độ đề ra.
Ðồng thời, sở cũng kiến nghị Bộ Công Thương, Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định về phát triển và quản lý chợ, bảo đảm có đủ cơ sở pháp lý để tổ chức triển khai thực hiện.
Trong năm nay, Hà Nội sẽ xây mới 36 chợ
Theo kế hoạch phát triển và quản lý chợ trên địa bàn năm 2024 đã được UBND TP Hà Nội ban hành, TP. Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2024 sẽ có 95% các chợ được phê duyệt phương án giá sử dụng diện tích bán hàng theo quyết định phê duyệt giá mới, 100% các xã, phường, thị trấn hiện chưa có chợ nhưng có nhu cầu phát triển chợ sẽ được rà soát đưa vào danh mục mạng lưới chợ. UBND TP. Hà Nội dự kiến trong năm 2024, sẽ khởi công xây dựng 36 chợ mới và đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 76 chợ hiện có.
Ông Hà Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, quận đã ban hành kế hoạch phát triển và quản lý chợ trên địa bàn giai đoạn 2021-2025. Theo ông Hà Anh Tuấn, quận Đống Đa phấn đấu đến hết năm 2025, 100% các chợ trên địa bàn được phê duyệt phương án giá sử dụng diện tích bán hàng, nội quy hoạt động, phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng.
Quận phấn đấu 100% các chợ sẽ được xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, bảo đảm tiêu chuẩn chợ an toàn thực phẩm theo quy định, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy. Trong giai đoạn 2021-2025, quận đầu tư xây dựng mới lại 3 chợ đã được TP. Hà Nội phê duyệt gồm chợ Ngã Tư Sở, Kim Liên, Khâm Thiên.
Theo số liệu thống kê dân số trung bình được cập nhật của Tổng cục Thống kê, dân số TP. Hà Nội năm 2024 là khoảng 8,5 triệu người.
Được biết, dân số TP. Hà Nội đông thứ hai cả nước, chỉ sau TP. Hồ Chí Minh (gần 8,9 triệu người) và có mật độ dân số cao thứ hai trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Với mật độ dân số là 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số cả nước.
TP. Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã.
Đơn vị hành chính cấp quận tại Hà Nội gồm 12 quận là Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Tây Hồ.
>> Huyện có ‘Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới’ sẽ trở thành thị xã du lịch vào năm 2030
Thành phố đông dân nhất Việt Nam được giao chỉ tiêu hoàn thành căn nhà ở xã hội gấp gần 2 lần Hà Nội
Thành phố nhỏ cách Hà Nội 110km cần 200.000 tỷ 'nâng cấp diện mạo'