Thành phố miền Bắc này sẽ trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí với định hướng nằm trong quần thể khu du lịch quốc gia Sa Pa - Ý Tý, huyện Bát Xát.
Điều chỉnh Quy hoạch thành phố đến năm 2045
Thành phố Lào Cai, với diện tích tự nhiên 28.162,64ha và dân số khoảng 145.707 người vào năm 2021, là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của tỉnh Lào Cai cũng như là điểm giao lưu quan trọng của vùng Tây Bắc. Nằm sát biên giới Việt-Trung và nằm trên tuyến giao thông huyết mạch cao tốc Hà Nội - Lào Cai và tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội - Côn Minh (Trung Quốc), TP. Lào Cai đóng vai trò là điểm đầu của hành lang kinh tế trọng điểm Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển của tỉnh và cả nước.
Mặc dù TP. Lào Cai đã có những bước phát triển đáng kể trong những năm qua, nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế và vấn đề: Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự đột phá; quy mô và mật độ dân số chưa đạt mức tối thiểu của tiêu chí đô thị loại II; các khu chức năng chưa được phát triển mạnh mẽ và kết nối đồng bộ; kiến trúc, cảnh quan và hạ tầng kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chính là do nguồn lực đầu tư cho TP. Lào Cai chưa đáp ứng nhu cầu; quản lý và phân cấp chưa mạnh; thiếu cơ chế và chính sách đặc thù để khai thác tiềm năng và thu hút nhà đầu tư; chưa có dự án lớn để thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội dựa trên Quyết định số 316/QĐ-TTg, ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 01/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã lập Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP. Lào Cai đến năm 2045, nhằm thể hiện tầm nhìn và mục tiêu phát triển của thành phố trong tương lai.
1. Trở thành Đô thị loại I
Phạm vi Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP. Lào Cai đến năm 2045 bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của thành phố, với 17 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 10 phường và 7 xã.
Theo đề xuất, TP. Lào Cai sẽ có các đặc điểm đô thị sau:
- Là trung tâm đô thị với vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh và trung tâm giao lưu kinh tế, đối ngoại của vùng.
- Là điểm nối trên hành lang kinh tế quan trọng Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và là trọng điểm phát triển du lịch, dịch vụ cửa khẩu, công nghiệp và logistic của vùng.
- Là trung tâm giao thông liên vùng, liên quốc gia và quốc tế.
- Là trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh Lào Cai và được phân loại là đô thị loại I giai đoạn 2025-2030.
- Là trung tâm du lịch, dịch vụ, giải trí với mục tiêu kết nối với khu du lịch quốc gia Sa Pa - Ý Tý, huyện Bát Xát.
- Là đô thị Xanh - Sinh thái, với việc tích hợp cây xanh đô thị, công viên và rừng cảnh quan sinh thái để xây dựng hình ảnh "Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố".
Một phần quan trọng của Điều chỉnh Quy hoạch chung này là việc xác định các khu vực chức năng, bao gồm:
+ Khu đô thị lịch sử và trung tâm hành chính.
+ Khu trung tâm hành chính và dịch vụ công cộng tỉnh.
+ Khu hỗn hợp dịch vụ công cộng và đô thị sinh thái ven sông.
+ Khu đô thị sinh thái và cảnh quan lâm viên.
+ Khu công nghiệp, hỗn hợp đô thị và dịch vụ cửa ngõ.
+ Khu kinh tế cửa khẩu, công nghiệp và du lịch tâm linh.
+ Khu du lịch sinh thái và các khu vực dự trữ phát triển.
Phát triển không gian xanh - Đô thị xanh
Đặc điểm nổi bật của đô thị Lào Cai là mật độ cây xanh trong khu vực nội đô khá cao. Do đó, trong chiến lược phát triển đô thị, Tỉnh luôn đề cao việc tận dụng điểm mạnh này để tạo ra một môi trường đô thị sinh thái độc đáo, tích hợp cây xanh một cách hài hòa, tạo ra không gian sống và cảnh quan lý tưởng.
Theo đó, đề án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP. Lào Cai đến năm 2045 đã đề xuất một hướng phát triển không gian xanh (bao gồm hệ thống các công viên) như sau: Xây dựng một mạng lưới không gian công cộng trải dài từ Bắc đến Nam trên địa bàn thành phố và theo dọc sông Hồng, tận dụng tiềm năng du lịch ven sông Hồng và kết hợp với quần thể du lịch tâm linh, di tích lịch sử liên kết với du lịch cửa khẩu quốc tế. Trong đó, tập trung vào việc phát triển hệ thống các công viên:
- Công viên công cộng: Phát triển hệ thống các công viên, vườn hoa, dịch vụ công cộng và khu vui chơi dành cho cộng đồng, đảm bảo sự tiện ích và tiếp cận cho người dân, như công viên Thủy Hoa, công viên Thủy Vỹ, công viên Nhạc Sơn, công viên Hồ Chí Minh, công viên trung tâm kết hợp với hồ điều phối nước ở phường Bình Minh, công viên cảnh quan sau dân cư ở Lương Khánh Thiện...
- Công viên văn hóa, tâm linh: Tạo ra tổ hợp các công viên cảnh quan, văn hóa và tâm linh tại khu vực Kim Thành, Đền Thượng và chùa Tân Bảo...
- Hệ thống công viên đặc biệt: Phát triển các khu vườn cây xanh, rừng cảnh quan sinh thái với quy mô lớn, thiết kế đẹp, tạo điểm nhấn cho đô thị và tạo nên một môi trường sống xanh - sinh thái, như công viên cảnh quan đồi Nhạc Sơn, công viên cảnh quan ven đường cao tốc ở phường Bắc Cường và Nam Cường...
Ngoài ra, một số chủ trương quan trọng khác trong Điều chỉnh Quy hoạch chung này bao gồm: nâng cấp hệ thống đường sắt tiêu chuẩn 1,435 mm trên tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đặc biệt là phần qua TP. Lào Cai và tuyến đường sắt hai ga (1,435 mm và 1,000 mm) nối Cảng cạn Lào Cai - Ga Lào Cai; loại bỏ đoạn đường sắt đặc chủng sử dụng cho việc khai thác mỏ apatit đi qua khu vực nội thành; khai thác tiềm năng du lịch dọc hai bên sông Hồng, đặc biệt tại khu vực gần cửa khẩu; dành quỹ đất để xây dựng nhà hát nghệ thuật và các cơ sở giáo dục - đào tạo mang tầm quốc tế...
Kinh đô của giới nhiếp ảnh miền Bắc
Du lịch đã làm cho Lào Cai trở thành một điểm đến nổi tiếng ở vùng núi phía Bắc của Việt Nam, và ngành này đang phát triển không ngừng, mang lại những cơ hội mới cho cộng đồng địa phương.
1. Cửa khẩu quốc tế Lào Cai
Cửa khẩu Lào Cai được xem là một trong ba cửa khẩu quan trọng nhất của biên giới phía Bắc Việt Nam. Ưu thế của cửa khẩu quốc tế Lào Cai là tiếp giáp trực tiếp với vùng tây Nam của Trung Quốc – một khu vực có diện tích rộng lớn, nhu cầu hàng hóa nhiều nhưng lại không quá khắt khe về chất lượng. Nếu như cửa khẩu ở Quảng Ninh và Lạng Sơn tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây – địa phương có nền kinh tế phát triển, hàng hóa xuất sang đỏi hỏi hàm lượng kỹ thuật cao thì Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai lại có lợi thế tiếp giáp với vùng Tây Nam của Trung Quốc – một khu vực rộng lớn với thị trường dễ tính hơn.
Du khách đến thăm cửa khẩu quốc tế Lào Cai sẽ có dịp sở hữu nhiều món hàng hóa rẻ, chất lượng ổn. Ngoài ra bạn cũng có thể sang cửa khẩu Hà Khẩu - Trung Quốc tham quan bằng việc xin cấp giấy thông hành với chi phí hợp lý, thủ tục nhanh chóng.
2. Chợ Cốc Lếu
Đã đến du lịch thành phố Lào Cai, chắc chắn bạn không thể bỏ qua chợ Cốc Lếu. Chỉ cách biên giới Việt Trung khoảng 1km, đây là trung tâm buôn bán sầm uất bậc nhất tại thành phố Lào Cai. Hàng hóa tại chợ Cốc Lếu khá đa dạng, tuy nhiên phần lớn là đồ Trung Quốc, có giá thành rẻ, đi kèm theo đó chất lượng cũng không đảm bảo. Nếu bạn muốn mua mặt hàng nào hãy kiểm tra kỹ để tránh mua phải hàng kém chất lượng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể checkin cùng với những gian hàng và không gian của chợ cũng nhiều góc sống ảo sẽ khiến bạn phải bất ngờ.
3. Phìn Hồ Thầu
Nằm về phía Đông thành phố, với khoảng cách 40km, Phìn Hồ Thầu là địa danh có độ cao rất lớn, cách mặt nước biển khoảng 1.700m. Lưng dựa vào dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ với những cây cổ thụ đã có đến hàng trăm năm tuổi, Phìn Hồ Thầu đẹp lạ lùng. Nét đẹp hoang sơ cùng với bầu không khí trong lành sẽ níu chân bất kỳ du khách nào khi tới đây.
4. Cột mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc
Cột mốc biên giới nổi tiếng trong du lịch thành phố Lào Cai là cột mốc 92 Lũng Pô. Cột mốc này được đặt ở điểm giao giữa ba sông, là nơi đầu nguồn của sông Hồng tại lãnh thổ Việt Nam.
Nếu bạn đã đi du lịch nhiều nơi, thì một bức ảnh tại cột mốc này sẽ làm phong phú thêm cho bộ sưu tập của mình. Có rất nhiều kiểu tạo dáng chụp ảnh tại đây bạn có thể tham khảo. Bên cạnh đó, bạn hãy diện những bộ đồ khỏe mạnh, cá tính sẽ phù hợp hơn khi checkin tại đây.
*Theo/Ảnh: Tạp chí Kinh tế và Dự báo