Thành phố nhỏ nhất Việt Nam sẽ có thêm hai khu công nghiệp mới, quy mô gần 7.000 tỷ
Hai dự án bao gồm khu công nghiệp Thủy Nguyên (giai đoạn 1) và khu công nghiệp sân bay Tiên Lãng - khu B.
Theo Báo Hải Phòng, sáng 14/7, đồng chí Lê Tiến Châu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng, chủ trì hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy để nghe báo cáo và cho ý kiến về chủ trương đầu tư hai dự án xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.
Theo đó, TP. Hải Phòng đã thống nhất chủ trương đầu tư đối với 2 dự án khu công nghiệp quy mô lớn trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, dự án khu công nghiệp Thủy Nguyên (giai đoạn 1) do CTCP Khu công nghiệp Taseco Hải Phòng làm chủ đầu tư, quy mô 247,8ha, tổng vốn đầu tư 3.939,7 tỷ đồng, triển khai tại các phường Bạch Đằng, Nam Triệu và Hòa Bình.
Theo kế hoạch, từ quý III/2025 đến quý IV/2026 sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng, và đến quý IV/2028 hoàn tất xây dựng hạ tầng, đưa khu công nghiệp vào khai thác, kinh doanh.
Tiếp theo, dự án khu công nghiệp sân bay Tiên Lãng - khu B do CTCP Phát triển khu công nghiệp C.E.O làm chủ đầu tư, quy mô 186,4ha, tổng mức đầu tư 2.795,3 tỷ đồng, đặt tại xã Chấn Hưng thuộc khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng.
Dự án dự kiến hoàn thành trong vòng 36 tháng kể từ khi được giao, cho thuê và chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
>> Thành phố giàu nhất Việt Nam sở hữu ‘siêu phường’ có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến thảo luận, đồng chí Lê Tiến Châu kết luận, Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất chủ trương đầu tư đối với cả hai dự án, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu các dự án phải bám sát và tuân thủ quy hoạch vùng, quy hoạch thành phố đã được phê duyệt tại Quyết định số 1516/QĐ-TTg.
Bí thư Thành ủy cũng giao Đảng ủy UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành và chủ đầu tư bảo đảm thực hiện đúng cam kết ưu tiên quỹ đất cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, phù hợp tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Đồng thời, chủ đầu tư cần bố trí diện tích trong khu công nghiệp xây dựng nhà ở lưu trú và các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, người lao động; thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp tại thành phố theo đúng quy định.
Việt Nam hiện nay có 6 TP trực thuộc Trung ương, bao gồm: Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng và Huế.
Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, TP. Hải Phòng là TP trực thuộc Trung ương có diện tích nhỏ nhất cả nước với diện tích 3.195km2.
>> TP. HCM di dời khu công nghiệp lâu đời khỏi phường đông dân nhất ngay sau sáp nhập