Thành phố trực thuộc tỉnh duy nhất Việt Nam có 3 mặt giáp sông, 1 mặt giáp biển vừa đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì
Sau 70 năm giải phóng thị xã và 20 năm xây dựng, phát triển, thành phố đạt được nhiều thành tựu ấn tượng và những bước tiến vượt bậc.
Đón nhận huân chương danh giá
Tối ngày 30/6, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng thị xã, 20 năm xây dựng và phát triển thành phố Thái Bình. Từ một thị xã nhỏ bé bên bờ sông Hồng, Thái Bình ngày nay đã vươn mình trở thành một thành phố sôi động, hiện đại với diện tích hơn 6.800ha và dân số trên 250.000 người.
Không gian đô thị không ngừng được mở rộng với 19 đơn vị hành chính. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư mạnh mẽ, góp phần đưa Thái Bình từ đô thị loại IV lên đô thị loại III vào năm 2003, và tiếp tục lên đô thị loại II vào năm 2013. Hiện nay, thành phố đang cơ bản đạt các tiêu chí về hạ tầng theo tiêu chí đô thị loại I, hứa hẹn bứt phá mạnh mẽ trong tương lai.
Nền kinh tế Thành phố Thái Bình những năm qua không ngừng được mở rộng, khẳng định vị thế là đầu tàu kinh tế của tỉnh, đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của khu vực. Theo số liệu thống kê, đến năm 2023, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt hơn 50.000 tỷ đồng, tương đương 25% tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 3.000 tỷ đồng, chiếm 30% thu nội địa của tỉnh.
Thành phố cũng đặc biệt chú trọng đầu tư, chỉnh trang và nâng cấp hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, tăng cường khả năng kết nối. Không gian đô thị được mở rộng về nhiều hướng, với việc xây dựng các khu đô thị, công viên hiện đại, đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội luôn được thành phố quan tâm, chăm lo, là nền tảng cho thành phố phát triển bền vững. Công tác quân sự, quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở được củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Ghi nhận những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Thái Bình đã đạt được, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhì.
Điểm đến hấp dẫn của vùng Đồng bằng sông Hồng
Trong bối cảnh kinh tế ngày càng phát triển, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, Thái Bình đã có được những thành tựu quan trọng trong lĩnh vực du lịch. Chỉ tính trong năm 2023, lượng khách du lịch tăng 15,5% so với năm 2022, tổng lượng khách ước đạt 815.000 lượt, doanh thu ước đạt 500 tỷ đồng.
Bên cạnh khu du lịch sinh thái Cồn Đen (Thái Thụy) đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch, chủ trương đầu tư và triển khai dự án, khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ (Tiền Hải) cũng đã được điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000; khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn Thái Thụy đã có đơn vị tài trợ kinh phí khảo sát, lập đồ án quy hoạch chi tiết là tiền đề để hình thành một khu du lịch sinh thái độc đáo tạo nền tảng phát triển cho ngành du lịch nội tỉnh.
Đặc biệt, đến với ‘quê hương 5 tấn’ du khách còn có cơ hội được tham quan nhiều địa điểm du lịch, làng nghề, bãi biển, lễ hội tiếng.
Điển hình trong số đó phải kể đến bãi Cồn Vành. Mặc dù không phải là khu vực biển nổi tiếng, nhưng Cồn Vành thu hút du khách và người dân Thái Bình với bãi cát dài và sóng biển nhẹ nhàng. Biển Cồn Vành hòa quyện giữa nắng, gió và cát biển, mang đến cho bạn những trải nghiệm khó quên. Nơi đây còn được UNESCO công nhận là khu sinh quyển rừng ngập mặn phong phú và thuần khiết.
Bên cạnh Cồn Vành, Cồn Đen là nơi lý tưởng để du khách trải nghiệm du lịch sinh thái. Du khách có thể tham gia các hoạt động như chèo thuyền kayak, câu cá, lội bùn, hay tham quan vườn chim. Đến với Cồn Đen, du khách sẽ có cơ hội khám phá hệ sinh thái đa dạng và tìm hiểu về cuộc sống của người dân địa phương.
Đến với Thái Bình, du khách còn có cơ hội được trải nghiệm nghề làm chiếu cói nổi tiếng tại quê lúa. Làng dệt chiếu Hới, thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, từ lâu đã trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ cho những ai yêu thích khám phá văn hóa và tìm hiểu về những làng nghề truyền thống. Nơi đây lưu giữ những giá trị văn hóa vô giá, là niềm tự hào của người dân địa phương và là điểm nhấn thu hút du khách thập phương.
Đến với làng chiếu Hới, du khách sẽ được đắm chìm trong không gian yên bình của làng quê Việt Nam, được chứng kiến tận mắt quy trình sản xuất chiếu tỉ mỉ, tinh tế của những người thợ lành nghề. Từ việc lựa chọn nguyên liệu, xử lý sợi, đến việc lên khung dệt, mỗi công đoạn đều được thực hiện một cách cẩn thận và chính xác, tạo nên những chiếc chiếu có chất lượng cao và độ bền đẹp vượt trội.
Cuối cùng, với những ai yêu thích và có mong muốn tham quan lịch sử, văn hóa tại Thái Bình. Ngôi chùa cổ kính hàng nghìn năm tuổi với kiến trúc độc đáo, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, du khách đến đây có thể tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Phật giáo và chiêm ngưỡng những giá trị kiến trúc độc đáo.
Thái Bình là một tỉnh ven biển thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và là tỉnh duy nhất của Việt Nam có 3 mặt giáp sông, 1 mặt giáp biển. Tỉnh Thái Bình nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Sở hữu đường bờ biển dài 54km với vùng bãi triều rộng lớn và bằng phẳng, Thái Bình có đủ tiềm năng "vàng" để phát triển du lịch cũng như nuôi trồng thủy hải sản. |
>> Thành phố duy nhất Việt Nam giáp với 8 tỉnh, từng lọt top thành phố đáng sống nhất thế giới