Đây được coi là thủ phủ hoa lâu đời của Đồng bằng sông Cửu Long, một trong những vùng canh tác hoa, kiểng lớn của Việt Nam.
Sa Đéc là một thành phố thuộc tỉnh Đồng Tháp. Thành phố này nằm ở trung tâm vùng Nam sông Tiền, giáp với tất cả các huyện phía Nam của tỉnh Đồng Tháp, cách TP. HCM 140km về phía Tây Nam, cách TP. Cần Thơ 40km về phía Tây Bắc.
Ngược dòng lịch sử, xưa kia vùng đất Sa Đéc có tên Khmer là Phsar Dek. Có hai cách hiểu, thứ nhất, người ta cho rằng Phsar Dek là tên của một vị nữ thần - nhân vật mà đồng bào Khmer vô cùng tôn sùng; thứ hai, có thể hiểu từ Phsar Dek có nghĩa là Chợ Sắt.
Sa Đéc là vùng đất có lịch sử lâu đời. Nơi đây chính là đô thị lâu đời nhất của tỉnh Đồng Tháp, tồn tại hơn 300 năm qua (cùng lúc với Sài Gòn). Vào thời Pháp thuộc trước năm 1956 và giai đoạn 1966 - 1975 thời Việt Nam Cộng hòa, Sa Đéc là tỉnh lỵ của tỉnh Sa Đéc cũ. Từ 1976 - 1994, thị xã Sa Đéc giữ vai trò là tỉnh lỵ của tỉnh Đồng Tháp. Đến Nghị định số 36-CP ngày 29/4/1994, tỉnh lỵ tỉnh Đồng Tháp dời về thị xã Cao Lãnh (nay là TP. Cao Lãnh).
Từ 14/10/2013, Sa Đéc trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Đồng Tháp theo Nghị quyết số 113/NQ-CP. Năm 2018, nơi đây được công nhận là đô thị loại II.
Với người Việt Nam, Sa Đéc là thủ phủ hoa, nơi có muôn vàn loại hoa đẹp. Không chỉ vậy, đây còn là một trong những thành phố đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là thành viên mạng lưới "Thành phố học tập toàn cầu".
Trong khi đó, nhiều bạn bè quốc tế lại biết đến thành phố này qua tác phẩm L'Amant (Người tình) của nhà văn Marguerite Duras. Nơi đây được ca ngợi nhờ vẻ đẹp thơ mộng, bình yên nhưng cũng không thiếu màu sắc rực rỡ.
Nhà văn Marguerite Duras đã có 18 năm sống ở Sa Đéc (1928-1946). Cũng vì thế mà nơi đây có dấu ấn sâu đậm, vị trí rất đặc biệt trong lòng bà. Cuốn tiểu thuyết L'Amant sau khi ra mắt đã trở thành một tác phẩm gây sốt ở Đông Dương. Nó được trao giải Goncourt dành cho tác phẩm văn xuôi xuất sắc nhất năm tại Pháp. L'Amant còn được chuyển thể thành phim điện ảnh vào năm 1992, dịch ra hơn 40 ngôn ngữ khác nhau.
Trong suốt chiều dài hình thành và phát triển, TP. Sa Đéc đã và đang sở hữu nhiều công trình có kiến trúc độc đáo, những di tích lịch sử - văn hóa có giá trị như chùa Ông Quách, nhà cổ Huỳnh Cẩm Thuận, trụ sở Ủy ban khởi nghĩa, bia tưởng niệm Chi đội Trần Phú, xóm rẫy Cụ Hồ, tượng đài anh hùng Phan Văn Út, nhà cổ Trần Phú Cương...
Chùa Kiến An Cung (chùa Ông Quách)
Chùa Kiến An Cung hay gọi là chùa Ông Quách nằm ngay tại trung tâm TP. Sa Đéc. Chùa được xây dựng bởi Hoa kiều ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) di cư sống tại Sa Đéc.
Chùa gồm 3 gian: gian giữa là điện thờ, gian bên tả là trụ sở tập hiền, gian bên hữu là trường giáo dục con cháu của các Hoa kiều. Nét độc đáo của ngôi chùa là lối kiến trúc vừa bề thế, lộng lẫy với những tông màu rực rỡ trang trí bên trong và trang trọng với những gian thờ được phân chia rõ ràng, vừa mang nét cổ kinh với tường gạch mái ngói đã nhuốm màu của thời gian.
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê
Ngôi nhà cổ do ông Huỳnh Cẩm Thuận (cha của ông Huỳnh Thủy Lê), một thương gia người Hoa nổi tiếng giàu có một thời ở Sa Đéc, xây dựng vào năm 1895 giữa khu thị tứ mua bán náo nhiệt nằm ven sông Sa Đéc. Ban đầu, đây là một ngôi nhà ba gian kiểu truyền thống của miền Tây Nam Bộ, rộng 258m2 với nguyên vật liệu chính là gỗ quý và mái nhà hình thuyền lợp ngói âm dương.
Đến năm 1917, chủ nhân lại cho trùng tu lại ngôi nhà bằng gạch đặc bao lấy khung gỗ bên trong. Do đó, trông bề ngoài là một ngôi biệt thự kiểu Pháp, nhưng vào bên trong lại thấy một lối kiến trúc mang đậm màu sắc Trung Hoa.
Làng hoa Sa Đéc
Hiện nay, hoa, kiểng Sa Đéc là một trong những ngành hàng chủ lực trong nông nghiệp của Đồng Tháp có diện tích hơn 3.000ha với hơn 2.000 giống hoa, kiểng; trị giá hơn 6.000 tỷ đồng cung ứng hơn 12 triệu sản phẩm hàng năm.
Hiện nay, làng hoa Sa Đéc đang dần trở thành điểm đến thân quen với hàng triệu lượt du khách mỗi năm lựa chọn đến chiêm ngưỡng, trải nghiệm với nhiều vẻ đẹp độc đáo, hấp dẫn.