Thế khó của ông Biden trước bầu cử
Tổng thống Mỹ đang phải nhận những áp lực không ngờ tới trước cuộc bầu cử, trong bối cảnh Israel tuyên bố sẵn sàng cho một cuộc xung đột toàn diện với Hezbollah.
Trang tin Asia Times mới đây đã đăng tải bài viết của bà Michelle Bentley, Giám đốc trung tâm An ninh Quốc tế Đại học London, nhằm nêu ra những tác động từ nguy cơ xung đột giữa Israel và Hezbollah với chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Cách đây ít ngày, chính quyền Israel vừa tuyên bố sẵn sàng cho một cuộc xung đột toàn diện với Hezbollah, trong khi tình hình ở Dải Gaza vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Giới quan sát nhận định động thái của Tel Aviv sẽ là một đòn giáng mạnh vào chính quyền Mỹ đương nhiệm trước cuộc bầu cử tháng 11, bởi Tổng thống Biden đã phải nhận nhiều chỉ trích vì chính sách ủng hộ Israel trước đó.
Trong một bài phân tích gần đây của tờ Politico, xung đột ở Gaza và Ukraine kéo dài đã làm gia tăng cảm giác về "một thế giới bất ổn", khiến ông Biden trở nên yếu thế hơn trong mắt các cử tri. Nguy cơ Tel Aviv mở ra một mặt trận mới với Hezbollah ở Lebanon sẽ càng khiến uy tín của ông bị ảnh hưởng, do Mỹ vốn là đồng minh thân thiết của Israel.
Bà Bentley nhận định, Tổng thống Biden đang có hai mục tiêu chính cần hoàn thành, bao gồm thiết lập lại hòa bình ở Trung Đông và duy trì mối quan hệ đồng minh với Israel. Cả hai mục tiêu này đều đang gặp nhiều khó khăn, khi đề xuất ngừng bắn tạm thời của Washington vẫn chưa được các bên liên quan thông qua.
Không những vậy, nỗ lực hòa giải của ông Biden còn gây ra tranh cãi ngay bên trong nước Mỹ. Các nhà lập pháp đối lập cho rằng biện pháp này sẽ gián tiếp làm tăng sức mạnh cho Hezbollah và Iran. Trong khi đó, những người ủng hộ lệnh ngừng bắn lại lên án việc Mỹ viện trợ vũ khí cho Israel, đồng thời bày tỏ quan ngại về tình hình nhân đạo ở Gaza.
Tình thế này đã đặt ông chủ Nhà Trắng vào thế khó, ngay cả trong trường hợp một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài được thiết lập, uy tín của chính quyền Biden với các quốc gia khác vẫn bị ảnh hưởng đáng kể. Thời gian vừa qua, nhiều quốc gia châu Âu đã thể hiện ý kiến bất đồng với Mỹ ở Trung Đông thông qua việc công nhận nhà nước Palestine.
Ở chiều ngược lại, thế giới không chứng kiến bất kỳ cuộc xung đột quy mô lớn nào trong thời gian ông Trump làm Tổng thống Mỹ. Dù tình hình địa chính trị toàn cầu rất khác so với thời điểm đó, nhưng các tranh cãi về chính sách Israel của chính quyền đương nhiệm có thể tạo điều kiện cho ông Trump bứt phá trong cuộc đua tới Nhà Trắng.
Kể từ khi cuộc xung đột Israel - Hamas nổ ra, mối quan hệ giữa ông Biden và các nghị sĩ Dân chủ không còn êm đẹp, và mọi thứ sẽ càng khó khăn hơn nếu Tel Aviv thực sự tấn công vào Lebanon. Các cuộc thăm dò mới đây chỉ ra rằng hầu hết cử tri đều không đồng tình với cách ông Biden xử lý cuộc khủng hoảng Trung Đông, và điều này sẽ làm suy giảm tỷ lệ tán thành đối với ông chủ Nhà Trắng trong nhóm cử tri trẻ tuổi.
>> Động thái 'trái ngược' của Tổng thống Biden và ông Trump trước cuộc tranh luận