Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á ‘nợ ngập đầu' nhưng Chính phủ vẫn 'bình chân như vại', vì sao?
Nợ nước ngoài của Indonesia tăng lên mức khổng lồ hơn 430 tỷ USD trong quý I/2025 do vay nợ từ Chính phủ.
Theo số liệu từ Ngân hàng Indonesia, nợ nước ngoài của nước này đã tăng lên 430,4 tỷ USD trong quý I/2025, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng đó cao hơn mức tăng 4,3% của quý trước và chủ yếu do sự gia tăng trong vay nợ khu vực công của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

>> Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á 'nợ ngập đầu'
Mặc dù nợ tăng, Ngân hàng Indonesia cho biết hồ sơ nợ của quốc gia này vẫn ở mức lành mạnh, được hỗ trợ bởi chính sách tài khóa thận trọng.
Ông Ramdan Denny Prakoso, Trưởng Ban Truyền thông của Ngân hàng Indonesia cho biết trong một tuyên bố vào thứ Năm (15/5): “Cơ cấu nợ nước ngoài của Indonesia vẫn ổn định, được củng cố bởi chiến lược quản lý nợ cẩn trọng”.
Tỷ lệ nợ nước ngoài trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức an toàn là 30,6%, trong đó nợ dài hạn chiếm 84,7% tổng nợ.
Để duy trì tính bền vững của nợ, Ngân hàng Indonesia và Chính phủ tiếp tục tăng cường phối hợp trong việc giám sát các diễn biến liên quan đến nợ nước ngoài.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tối ưu hóa vai trò của nợ nước ngoài trong việc tài trợ cho các chương trình phát triển và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, đồng thời giảm thiểu các rủi ro tiềm tàng đối với ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Ramdan nói thêm.
>> Nền kinh tế số 1 Đông Nam Á tham vọng đứng thứ 2 thế giới về cà phê, Việt Nam có bị vượt mặt?
Nợ Chính phủ đạt 206,9 tỷ USD trong quý I năm nay, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước - cao hơn nhiều so với mức tăng 3,3% trong quý IV/2024. Mức tăng này được thúc đẩy bởi các khoản giải ngân vay mới và dòng vốn nước ngoài mạnh mẽ đổ vào trái phiếu Chính phủ quốc tế (SBN), nhờ niềm tin bền vững của nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế của Indonesia, bất chấp sự biến động của thị trường toàn cầu.
Nợ nước ngoài của Chính phủ “xứ sở vạn đảo” chủ yếu được phân bổ vào các lĩnh vực ưu tiên, bao gồm: Y tế và dịch vụ xã hội (22,4%); Hành chính công, quốc phòng và an sinh xã hội bắt buộc (18,5%); Giáo dục (16,5%); Xây dựng (12,0%); Vận tải và kho bãi (8,7%).
Hầu hết khoản nợ này (99,9%) đều là nợ dài hạn, giúp đảm bảo nghĩa vụ thanh toán ổn định hơn.
Trong khi đó, nợ nước ngoài của khu vực tư nhân của Indonesia trong quý đầu tiên của năm 2025 đạt 195,5 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là sự thay đổi nhẹ so với mức giảm 1,6% trong quý trước.
Các lĩnh vực có tỷ trọng nợ tư nhân lớn nhất bao gồm: sản xuất chế tạo, dịch vụ tài chính và bảo hiểm, cung cấp điện và khí đốt, khai khoáng và khai thác mỏ. Các ngành này chiếm tổng cộng 79,6% tổng nợ nước ngoài của khu vực tư nhân.
Theo Jakarta Globe