Ông trùm game online từng bị Trung Quốc ruồng bỏ: Bán công ty sang Mỹ làm địa chủ sở hữu 80.000ha rừng, âm thầm cạnh tranh với Elon Musk
Từng bị xem là “tội đồ” vì đưa game online trở thành cơn sốt khắp Trung Quốc, ông rời quê hương, trở thành đại địa chủ trên đất Mỹ và quay lại với giấc mộng công nghệ não bộ, âm thầm cạnh tranh với Elon Musk.
Sinh năm 1973 tại một gia đình nghèo ở thành phố Thiệu Hưng (Chiết Giang), Trần Thiên Kiều lớn lên trong môi trường mà câu nói “nghèo vật chất, không nghèo ý chí” trở thành phương châm sống. Cha ông – một kỹ sư từng học đại học ở Hàng Châu – là hình mẫu cho sự vươn lên bằng tri thức, và cũng là người truyền cho ông niềm tin rằng con đường học vấn có thể thay đổi vận mệnh.
Ngay từ nhỏ, Trần Thiên Kiều đã nuôi mộng vươn xa. Năm 17 tuổi, ông thi đỗ Đại học Phúc Đán – một trong những ngôi trường danh giá nhất Trung Quốc – và chỉ mất 3 năm để hoàn thành chương trình học, trở thành một trong những sinh viên tốt nghiệp vượt cấp hiếm hoi trong lịch sử trường.

Năm 1999, với số vốn vỏn vẹn 500.000 NDT, ông cùng vài người bạn thuê một căn hộ nhỏ ở Phố Đông, Thượng Hải, rồi thành lập công ty Shanda Network Development. Khi ấy, ông tuyên bố sẽ “biến Shanda thành Disney của Trung Quốc trong lĩnh vực giải trí kỹ thuật số”.
Từ thất bại hoạt hình đến kỳ tích game online
Thị trường hoạt hình non trẻ nhanh chóng khiến Shanda thất bại ngay từ những bước đầu. Nhưng thay vì bỏ cuộc, Trần Thiên Kiều liều lĩnh chi 300.000 USD mua độc quyền tựa game Hàn Quốc Legend of Mir (tại Trung Quốc gọi là Truyền Kỳ). Đây là canh bạc lớn – và cũng là bước ngoặt thay đổi toàn bộ cuộc đời ông.
Năm 2002, Truyền Kỳ bùng nổ. Trò chơi nhanh chóng có mặt trên hơn 90% máy tính tại các quán net Trung Quốc. Trần Thiên Kiều sáng tạo ra mô hình chia sẻ lợi nhuận thẻ nạp với chủ quán net, biến hàng vạn quán net trở thành “đội quân bán hàng” không cần chi phí.
Game thu hút tới 60 triệu người chơi, từng mang về tới 50 triệu NDT mỗi ngày, biến Shanda thành đế chế giải trí tương tác hàng đầu Trung Quốc.
Năm 2004, Trần Thiên Kiều lọt vào danh sách Forbes là tỷ phú trẻ nhất Trung Quốc, sở hữu 8,8 tỷ NDT khi mới 31 tuổi. Cùng năm đó, Shanda trở thành công ty Trung Quốc lớn nhất niêm yết tại Nasdaq, đánh dấu thời kỳ hoàng kim của ngành game online bản địa.
Nhưng ánh hào quang cũng kéo theo phản ứng dữ dội. Game online bị truyền thông Trung Quốc gọi là “thuốc phiện tinh thần”, đặc biệt sau loạt vụ việc học sinh phạm tội vì tranh chấp đồ ảo. Phụ huynh biểu tình, vây trụ sở Shanda, tố ông “đầu độc thế hệ trẻ”.
Trước sức ép dư luận và áp lực tâm lý, Trần Thiên Kiều quyết định bán mảng game cho Alibaba vào năm 2012, thu về gần 90 tỷ NDT, rồi rời Trung Quốc, sống ẩn dật ở Singapore, sau đó là Mỹ.
Im lặng gom đất Mỹ và giấc mơ kết nối não người – máy tính
Tại Mỹ, ông kín tiếng nhưng không ngừng mở rộng thế lực. Theo tạp chí The Land Report, ông sở hữu gần 198.000 mẫu Anh rừng tại bang Oregon (tương đương 80.000ha), là người nước ngoài sở hữu đất rừng lớn thứ hai tại Mỹ, xếp hạng 82 trong số các “địa chủ” lớn nhất toàn quốc.
Không dừng lại ở đó, ông còn sở hữu nhiều bất động sản biểu tượng như tòa nhà Vanderbilt trị giá gần 300 triệu USD hay điền trang Seeley Mudd (160 triệu USD). Truyền thông Trung Quốc cho biết ông còn sở hữu khoảng 500.000 mẫu đất tại Ontario (Canada).
Năm 2016, Trần Thiên Kiều và vợ – bà Lạc Thiên Thiên – công bố kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD cho nghiên cứu khoa học thần kinh. Số tiền mở màn 115 triệu USD được trao cho Caltech để thành lập Viện Nghiên cứu Thần kinh mang tên hai vợ chồng. Ông tuyên bố: “Tôi đầu tư vào người làm tốt nhất. Khoa học không có biên giới.”
Năm 2017, ông chi tiếp 500 triệu USD để xây dựng Trung tâm Chuyển giao Công nghệ Não bộ (TCCI) tại Thượng Hải. Từ năm 2020, ông chính thức tham gia cuộc đua brain-machine interface, phát triển công nghệ đọc và giải mã sóng não người nói tiếng Trung – lĩnh vực mà Elon Musk đang dẫn đầu với Neuralink.
Năm 2022, Trần Thiên Kiều quay về Trung Quốc, hợp tác với Đại học Phúc Đán để nghiên cứu trầm cảm và rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Nhưng sự trở lại của ông không được đón chào nồng nhiệt. Trên mạng xã hội, nhiều người mỉa mai: “Lúc đất nước cần, anh đi. Giờ anh cần đất nước, anh quay về”.
Hình ảnh game Truyền Kỳ – biểu tượng của tuổi thơ thế hệ 8x, 9x – được chia sẻ lại cùng lời bình: “Từ Đao Đồ Long đến thiết bị đọc não.”
Giờ đây, ở tuổi 51, Trần Thiên Kiều gần như biến mất khỏi giới truyền thông. Ông không còn đứng đầu các bảng xếp hạng giàu có, không phát biểu tại các diễn đàn công nghệ, nhưng vẫn bền bỉ với giấc mơ kết nối não người với máy tính.
Một Trần Thiên Kiều từng khuấy đảo giới game Trung Quốc, từng bị xem là kẻ “đầu độc giới trẻ”, nay đang dùng tài sản kiếm được từ trò chơi để giải mã hoạt động não bộ con người.
Dư luận có thể hoài nghi. Nhưng với ông, có lẽ đây chỉ là một “Truyền Kỳ” khác – lần này diễn ra trong âm thầm.