Cây xăng bán lẻ phản ánh doanh nghiệp đầu mối cung ứng xăng dầu là Saigon Petro đã hết hàng ở kho. Trong khi đó, một số doanh nghiệp tại Đồng Nai cũng ra thông báo cạn nguồn hàng.
Nguồn tin từ một cây xăng cho hay, sáng 7/10, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) thông báo cho họ rằng đơn vị đầu mối này cạn hàng tại kho xăng dầu. Sự việc đã được báo cáo lên Sở Công Thương TP.HCM. “Hàng mới đứt hàng sáng nay thôi. Cây xăng chúng tôi xin hàng thì Saigon Petro nói kho đã hết, bao giờ có mới báo lại. Mà nay là thứ Sáu cuối tuần, vậy đến thứ Hai đầu tuần mới biết tình hình ra sao. Đại lý nào lấy hàng của Saigon Petro cũng trong tình trạng này”, đại diện cây xăng nói.
Trong chiều 6/10, cây xăng trên có nhập về một xe hàng và cho hay sẽ cung ứng hết số xăng dầu trên rồi tính tiếp. Trong khi đó, theo Quản lý thị trường TP.HCM, đến chiều 7/10 không nhận được thông tin từ các đội Quản lý thị trường báo cáo việc Saigon Petro hết xăng.
Tình hình cung xăng dầu của các DN đầu mối cũng là vấn đề quan ngại của chủ một DN kinh doanh xăng dầu khác tại TP.HCM.
“Sợ bây giờ xăng không còn để bán, hàng không cấp thì chúng tôi lấy gì bán, nếu cấp thì cũng chỉ dám bán nhỏ giọt”, chủ DN này chia sẻ. Vị này nêu ví dụ, DN đầu mối cấp cho một công ty khoảng 20m3 xăng/ngày, công ty lại chia cho các chi nhánh, cây xăng trực thuộc bên dưới. Một cây xăng bán ra mức thấp nhất cũng trung bình 7-8m3 xăng/ngày. Với tình hình nguồn xăng hiện nay, nếu chia sản lượng cho các cây xăng thì số phải đóng cửa vì không nhỏ do thiếu hàng. Hiện, các cây xăng khắc phục bằng cách bán hàng cầm chừng, mỗi đầu xe máy chỉ bán từ 20.000-30.000 đồng/lượt, nếu bán ra nhiều hơn hàng sẽ hết sớm.
Trong khi đó, 20h30 tối ngày 7/10, VietNamNet cũng ghi nhận thực tế có 2 cây xăng nằm trên đường Điện Biện Phủ (quận Bình Thạnh) thuộc Công ty Xăng dầu Petrolimex khu vực II và Công ty Cổ phần Vật tư xăng dầu Comeco đã treo biển hết xăng và ngừng bán.
Tương tự, Công ty CP Thương mại Long Thành (Đồng Nai) đã thông báo tới các cửa hàng xăng dầu trực thuộc thực hiện việc bán hàng cầm chừng. Cụ thể, đối với mặt hàng xăng, phương tiện xe 2 bánh bán không quá 30.000 đồng/phương tiện; xe ô tô bán không quá 200.000 đồng/phương tiện. Mặt hàng dầu bán theo nhu cầu của khách. "Thông báo trên có hiệu lực triển khai tại các cửa hàng của công ty từ ngày 5/10, nhân viên vi phạm sẽ bị xử lý", văn bản nêu.
Trong ngày 7/10, bà Phạm Thị Thu Tâm - TGĐ Công ty CP Thương mại dịch vụ Dầu khí Hải Phát - đã gửi thông báo tới các đại lý bán lẻ xăng dầu về việc nguồn cung xăng dầu trong và ngoài nước đang hết sức khó khăn. Trước tình hình này, có thể phía DN không đủ nguồn hàng để duy trì hoạt động kinh doanh. Bà Tâm mong các cây xăng bán lẻ có giải pháp cân đối bán hàng để duy trì hoạt động.
Ông Trần Minh, Phó TGĐ Công ty CP Thương mại Dầu khí Đồng Nai, cũng cho biết, nguồn cung của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đang bị gián đoạn, dẫn đến hết hàng. Ông Minh đề nghị các cửa hàng xăng dầu nếu hết hàng cần báo ngay cho lực lượng quản lý thị trường khu vực.
Liên quan đến tình hình cung ứng xăng dầu tại TP.HCM, tại buổi họp báo chiều 6/10, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - cho biết, tính đến ngày 6/10, trên địa bàn TP.HCM có 3/550 cửa hàng xăng dầu đang tạm ngưng kinh doanh để sửa chữa cửa hàng. Đó là các cửa hàng thuộc Công ty TNHH Thương mại Trương Đăng Khoa (TP. Thủ Đức); Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Cần Giờ (quận Bình Tân); Công ty CP Công nghệ An toàn dầu khí Việt Nam (quận Gò Vấp).
Theo bà Ngọc, thời gian qua có tình trạng một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu tạm hết mặt hàng xăng hoặc dầu (vẫn mở cửa bán bình thường) do một vài thời điểm bị thiếu hàng cục bộ, nhưng sau đó xăng dầu vẫn nhập về đầy đủ chứ không thiếu nhiều. Nhìn chung, tình hình xăng dầu trên địa bàn TP.HCM tương đối ổn, đảm bảo nguồn cung ứng cho người dân.
Liên quan đến hiện tượng một số DN bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tại một số tỉnh, thành như Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… trong văn bản phát đi ngày 7/10, Bộ Công Thương cho rằng, nguyên nhân chính là do từ cuối năm 2021 đến nay, chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các DN đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chỉ chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định. Nhiều DN đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến DN bán lẻ kinh doanh thua lỗ. Ngoài ra, tình hình bão lũ vừa qua cũng ảnh hưởng một phần đến việc giao hàng, gây ra gián đoạn hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương. Trước tình hình trên, Bộ Công Thương cho biết đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu và thực hiện nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn, hạn mức nhập khẩu tối thiểu (đối với các thương nhân đầu mối) đã được Bộ Công Thương phê duyệt năm 2022 để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước. Đồng thời, ngày 6/10, liên bộ Công Thương - Tài chính đã phối hợp rà soát và thống nhất sẽ điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu vào kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10, bảo đảm phản ánh đúng mức chi phí phát sinh thực tế của DN, giúp các DN tăng mức chiết khấu trong hệ thống phân phối xăng dầu và giảm thiểu mức tác động vào giá xăng dầu. Bộ Công Thương cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi nhằm giúp các DN này có nguồn lực để nhập khẩu và mua xăng dầu trong nước, đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu. |