CTCP Thép Nam Kim (NKG – HoSE) cho biết đã đảm bảo được sản lượng xuất khẩu trong quý II/2024, tạo tiền đề cho mục tiêu lợi nhuận trước thuế 420 tỷ đồng.
Theo Maybank IBG Research, lợi nhuận sau thuế trong quý I/2024 của CTCP Thép Nam Kim (NKG - HoSE) sẽ đạt khoảng 70 – 100 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ ròng hơn 49 tỷ đồng thực hiện cùng kỳ năm trước.
Thép Nam Kim có thể đạt được mức lợi nhuận cao như trên trong bối cảnh giá thép cuộn cán nóng (HRC) - nguyên liệu đầu vào chính của doanh nghiệp này liên tục giữ ở mức trong vài tháng trước đó. Trong khi đó, giá bán ở các thị trường xuất khẩu chủ lực vẫn ở mức cao, cùng với sản lượng xuất khẩu trong quý I/2024 ước tăng 37% so với quý IV/2023.
Trong năm nay, Thép Nam Kim lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu sản lượng ở mức 1 triệu tấn; mục tiêu doanh thu 21.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 420 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và 137% so với năm 2023.
Đáng chú ý, theo ban lãnh đạo NKG, Công ty đã đảm bảo được lượng hàng xuất khẩu cho quý II/2024. Mặc dù giá bán có thể thấp hơn quý trước đó nhưng sản lượng bán hàng được kỳ vọng sẽ tốt hơn. Do đó, Thép Nam Kim hoàn toàn có cơ sở để đạt được kế hoạch 420 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm nay.
Bên cạnh Maybank IBG Research, nhiều tổ chức tài chính khác nhận định, xuất khẩu của Thép Nam Kim trong cả năm nay sẽ tăng trưởng tích cực khi nhu cầu tại thị trường chủ lực là Mỹ và EU được dự báo hồi phục tích cực. Thị trường Mỹ và EU hiện chiếm tới 65% sản lượng xuất khẩu của Thép Nam Kim.
Với triển vọng tích cực đến từ nhu cầu phục hồi, hãng nghiên cứu thị trường Fitch Solutions hiện dự báo giá thép cuộn cán nóng (HRC) trung bình trên toàn cầu năm nay sẽ tăng 4% so với năm 2023, đạt 740 USD/tấn.
Trong đó, giá HRC tại EU và Mỹ lần lượt được dự báo đạt 810 USD/tấn và 950 USD/tấn, lần lượt tăng 5% và 4% so với năm 2023. Kéo theo đó, giá tôn mạ tại EU và Mỹ cũng sẽ lần lượt tăng thêm 4% và 5%, lần lượt đạt 950 USD/tấn và 1.180 USD/tấn.
Đáng chú ý, hiện tại mức chênh lệch giữa giá HRC tại EU và Mỹ với khu vực châu Á ở mức 200 - 250 USD/tấn. Đây được xem là mức khá hấp dẫn để khiến các nhà nhập khẩu tăng cường tìm kiếm nguồn cung từ khu vực châu Á.
Vào ngày 26/4 tới đây, Thép Nam Kim sẽ tiến hành tổ chức ĐHCĐ thường niên tại TP. HCM.
HĐQT Thép Nam Kim dự kiến sẽ trình cổ đông xem xét kế hoạch chào bán tối đa 131,6 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu theo hình thức thực hiện quyền với tỷ lệ 2:1.
Ảnh minh hoạ |
Nếu phương án chào bán trên được thực hiện thành công, Thép Nam Kim dự kiến sẽ thu về gần 1.580 tỷ đồng. Số tiền sẽ được công ty dùng để góp vốn vào Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ nhằm thực hiện dự án nhà máy Thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Dự án có quy mô 1,2 triệu tấn/năm với tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng, chia thành 3 giai đoạn (công suất 400.000 tấn/giai đoạn). Dự kiến nhà máy sẽ vận hành tối đa công suất vào cuối năm 2026.
>> Nhóm thép ‘rục rịch’ công bố KQKD quý I/2024: Một cổ phiếu X2 giá trị sau hơn 1 tháng
Một công ty ngành thép đã hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận năm 2024 chỉ sau quý I
Cú đấm tỷ giá và những chiêu thức "né đòn" của Vua thép Hòa Phát