Bất kỳ một biến cố nào đều có thể xảy ra trên thị trường tài chính. Vì vậy, việc đưa ra những ý kiến nhận định chỉ số VN-Index về một khoảng nào đó cũng phải kèm theo các điều kiện, kịch bản đánh giá.
Trong một chia sẻ mới đây, ông Đỗ Anh Việt, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán VPS cho rằng, khi đánh giá bất kỳ một thị trường nào, chúng ta đều phải hiểu các nguyên nhân, hiện trạng và tương lai sau đó.
Ở thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm hơn 30% trong bối cảnh toàn bộ thế giới lockdown phong toả, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang được đánh giá là tiếp tục tăng trưởng tốt, các doanh nghiệp hoạt động tốt thì vẫn là các yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường nên ở thời điểm hiện tại, những khó khăn có thể ảnh hưởng tới thị trường như lạm phát mới chỉ là dự báo trong tương lai trong khi chỉ số này vẫn đang trong tầm kiểm soát. Còn khó khăn thực lúc này là về dòng tiền và tâm lý nhà đầu tư.
“Nhìn sang các thị trường châu Âu, hay Mỹ sẽ thấy, các nền kinh tế này đang đối mặt với các khó khăn ảnh hưởng nghiêm trọng khi lạm phát cao kỷ lục, tăng lãi suất liên tục với tốc độ nhanh, FED thu hẹp bảng cân đối kế toán,... nhưng thị trường của Mỹ chỉ giảm tối đa khoảng 20% và đến hiện tại điều chỉnh về mức giảm khoảng 8 - 9%
Tại Việt Nam, với những dự báo xấu nhất, chúng ta sẽ vẫn tăng trưởng khoảng 5%, khi tăng trưởng rồi thì tăng trưởng của các công ty lớn vẫn sẽ tiếp tục chứ không thể chuyển về mức âm. Vì thế, với nền định giá tốt, dự kiến tăng trưởng tốt trong vòng 2 năm tới, thì định giá thị trường chứng khoán không thể tiếp tục đưa về mốc 950 điểm như một vài chuyên gia nhận định.
Giả thiết thị trường có xảy ra diễn biến xấu như vậy thì cũng là do xảy ra đổ vỡ ngắn hạn, tâm lý ngắn hạn của nhà đầu tư rồi thị trường cũng sẽ tăng lại rất nhanh sau đó, tương tự thời điểm COVID-19 vừa qua. Theo tôi, những nỗi sợ hãi này chỉ là nỗi sợ hãi về tương lai chứ không phải là nỗi sợ hãi có thật và các nhà đầu tư nên có sự ổn định tâm lý vững vàng khi tham gia thị trường”, ông Việt khuyến nghị.
Còn theo ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính, bất kỳ một biến cố nào đều có thể xảy ra trên thị trường tài chính, dù xác suất thấp đi chăng nữa. Vì vậy, khi đưa ra những ý kiến nhận định chỉ số VN-Index về một khoảng nào đó thì phải kèm theo các điều kiện, kịch bản đánh giá.
“Từ nay đến cuối năm cũng không thể loại trừ các biến cố không lường trước được, đơn cử như đầu năm vừa qua, chiến tranh là biến cố hoàn toàn không ngờ tới hay sức ép lạm phát sẽ lớn hơn. Vì chúng ta chỉ lường trước từ cuối năm ngoái rằng, FED sẽ tăng lãi suất, còn những vấn đề khác không có trong dự tính nên các nhà đầu tư đã bán sạch cổ phiếu của mình và việc kiểm soát hành vi đầu tư là điều không hề dễ”, vị chuyên gia phân tích.
Ông Long cũng đánh giá thêm, vấn đề nằm ở chỗ lớp nhà đầu tư mới hiện nay đang bị tâm lý rất nặng nề, nhận thức thị trường đang rất tệ, vì các yếu tố, sự kiện xảy ra khiến mọi người rút tiền ra, các công ty thì mua lại trái phiếu trước hạn,...
Khi mua lại trái phiếu trước hạn cũng dẫn đến một dòng tiền rút khỏi thị trường chứng khoán tương đối nhiều, kéo đến câu chuyện thanh khoản của thị trường trong giai đoạn này thấp hơn so với giai đoạn bùng nổ. Mặc dù tâm lý người bán - người mua ngập ngừng, chưa xác lập được xu thế nhưng theo triển vọng dài hạn song cơ hội cũng sẽ mở ra với nhiều với mức định giá hấp dẫn ở thời điểm này.