Chứng khoán

Thị trường chứng khoán Việt Nam: Hành trình từ tăng trưởng nóng đến phát triển bền vững

Hải Băng 10/10/2024 08:56

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng mạnh về vốn hóa và số lượng nhà đầu tư, nhưng vẫn đối diện với nguy cơ mất ổn định do tâm lý đầu cơ. Các chương trình đào tạo nhà đầu tư trẻ cùng giải pháp từ chuyên gia đang đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường.

cover-talk-2-04-04.jpg
sapo-5-05.jpg

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể, từ 2 mã cổ phiếu đầu tiên là REE và SAM năm 2000 đến hơn 1.586 mã vào tháng 8/2024 trên ba sàn HoSE, HNX và UPCoM. Quy mô vốn hóa cũng tăng vọt, từ 986 tỷ đồng (dưới 1% GDP) lên 6,9 triệu tỷ đồng (67% GDP) trong cùng giai đoạn.

Số lượng nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam không ngừng tăng, đạt 8,7 triệu tài khoản vào tháng 8/2024, chiếm 8,7% dân số, với tốc độ tăng gấp 4 lần kể từ năm 2019. Báo cáo từ Yuanta Research so sánh Việt Nam với Đài Loan (Trung Quốc), nơi có tỷ lệ tài khoản chứng khoán/dân số đạt 80% vào năm 2020, cho thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, thách thức lớn đặt ra là làm sao để cân bằng giữa tăng trưởng nhanh và bền vững, khi tâm lý đầu cơ vẫn chiếm ưu thế.

asset-11.png

Tại chương trình Insight Talk với chủ đề "Thị trường chứng khoán Việt Nam: Hành trình từ tăng trưởng nóng đến phát triển bền vững" ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng kiêm Trưởng ban Đào tạo và Phát triển của Công ty Chứng khoán SSI và PGS.TS Đỗ Hoài Linh, Phó Trưởng Bộ môn Ngân hàng Thương mại, Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân, sẽ chia sẻ góc nhìn về sự phát triển thị trường chứng khoán ở các nước phát triển, đồng thời đưa ra giải pháp cụ thể cho Việt Nam, đặc biệt trong việc đào tạo thế hệ nhà đầu tư trẻ.

tit-07.jpg

Tư duy đầu cơ (kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn) có phải là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán tăng trưởng không ổn định?

Ông Phạm Lưu Hưng (SSI): Đối với TTCK, yếu tố đầu tư hay yếu tố đầu cơ đều là nhân tố cần có. Việc lựa chọn phương pháp đầu tư tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi người. Quan trọng là nhà đầu tư cần biết được họ đang làm gì. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân đang chiếm phần lớn, có thời điểm lên đến trên 90%. Điều này dẫn đến mức độ biến động khá cao so với các nước khác khi tư duy đầu cơ vẫn còn tồn tại nhiều. Cơ quan quản lý và các thành viên trên thị trường đang đưa ra giải pháp để phát triển bền vững theo hướng tăng tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cá nhân cần có tầm nhìn dài hạn hơn trong việc đầu tư vào TTCK.

PGS.TS Đỗ Hoài Linh (bổ sung): Dưới góc độ tâm lý, con người có cấp bậc nhu cầu rất cao. Theo tháp nhu cầu Maslow, nhu cầu tôn trọng là cấp độ thứ 4 và cấp độ cao nhất là mong muốn tự thể hiện bản thân mình. Vấn đề tài chính hay tiền liên quan đến mọi nhu cầu trong đời sống, đây không phải là đích đến nhưng là công cụ để giải quyết các vấn đề. Do vậy, chiến lược đầu tư để có nhiều tiền trong thời gian ngắn là một nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, sẽ không có sự bền vững khi phát triển quá nhanh. Bất kể quốc gia nào cũng đã trải qua tăng trưởng nóng như vậy. Sau một thời gian, thị trường sẽ bình ổn đến từ chính sách, giáo dục và kinh nghiệm bản thân nhà đầu tư.

box-1.jpg

Ông Phạm Lưu Hưng (SSI): Qua mỗi giai đoạn mà thị trường tăng trưởng nóng và sau đó điều chỉnh trở lại, đâu đấy ta cũng thấy nhà đầu tư có sự phát triển nhất định và các thành viên thị trường cũng có các chính sách thúc đẩy sự phát triển ấy. Ví dụ, về cơ quan quản lý, chúng ta đã sửa đổi Luật Chứng khoán rất nhiều lần để có một cơ sở pháp lý tốt hơn. Hay là, việc các CTCK đã dần dần cung cấp các dịch vụ có báo cáo phân tích để khi nhà đầu tư đầu tư cổ phiếu có các nội dung tốt hơn. Tôi nghĩ là các thành viên thị trường trong hơn 20 năm vừa qua đã đóng góp rất nhiều trong quá trình đào tạo nhà đầu tư. Sự phát triển của nhà đầu tư đã giúp cho thanh khoản tăng và chất lượng nhà đầu tư cũng tăng theo. Nói theo kiểu triết học, khi lượng tăng đến một mức nhất định thì đâu đó sẽ dẫn đến sự thay đổi về chất.

tit-08.jpg

Các nước phát triển có tỷ lệ nhà đầu tư chứng khoán cao và tỷ lệ phân bổ tài sản hợp lý. Anh/chị đánh giá thế nào về yếu tố này và làm sao Việt Nam có thể học hỏi để phát triển bền vững?

Ông Phạm Lưu Hưng (SSI): Tỷ lệ dân số tham gia chứng khoán tại nhiều nước phát triển cao bởi nhà đầu tư có thể tham gia TTCK thông qua các quỹ đầu tư hưu trí (các quỹ đầu tư hưu trí tự nguyện có một phần để đầu tư vào chứng khoán. Trên cơ sở đó, hầu hết người đi làm ở Mỹ chấp nhận dùng một phần lương hưu để đầu tư chứng khoán). Đối với Việt Nam, bên cạnh BHXH thì chúng ta rất khó để có thể đầu tư vào chứng khoán. Người châu Á thường có sở thích và tư duy đầu tư vào các kênh đầu tư khác bền vững hơn như là bất động sản hay vàng. Do đó, cũng khó để có thể đòi hỏi Việt Nam có sự tham gia vào thị trường cao hơn những quốc gia khác. Chính phủ Việt Nam mong muốn đạt 8 - 10% , tôi nghĩ cũng là vội trong thời điểm này.

ti-le-tai-khoan.jpg

PGS.TS Đỗ Hoài Linh: Vào năm 2017, tôi có thời gian học bên Mỹ về Tài chính cá nhân. Qua khảo sát, cũng thấy được rằng người Mỹ mang tiếng là có 55% tham gia đầu tư chứng khoán nhưng đa số họ đầu tư qua mutual funds (quỹ tương hỗ). Trực tiếp các cá nhân mở tài khoản để tự giao dịch thấy không nhiều. Ngay cả người thân của tôi cũng mua mutual funds, bởi quỹ có các chuyên gia bám thị trường, họ biết thời điểm thích hợp để mua hoặc bán. Còn các cá nhân đơn lẻ mặc dù có thể được đào tạo về mặt kiến thức nhưng rõ ràng khó có thể “đấu” được với thị trường. Để tham gia thị trường, cần có trải nghiệm, nhưng để có được trải nghiệm đó, chúng ta phải tự hỏi liệu có dám chấp nhận thất bại hay không?

Tỷ lệ tham gia chứng khoán ở các nước phát triển cao phần lớn do người dân đầu tư qua các quỹ. Vậy theo anh/chị, có phải việc thiếu các quỹ uy tín và đáng tin cậy tại Việt Nam đang là rào cản khiến nhà đầu tư chưa yên tâm gửi tiền?

Ông Phạm Lưu Hưng (SSI): Các quỹ nội địa lớn như SSIAM của SSI, Dragon Capital, và Vina Capital hiện tại vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút nguồn đầu tư. Bên cạnh tâm lý không tin tưởng giao tiền cho người khác, chính sách chưa có sự thúc đẩy khi việc phân biệt ưu đãi đầu tư giữa dài hạn và ngắn hạn là không có. Ví dụ: ở nước ngoài, thời gian nắm giữ cổ phiếu đủ lâu thì khi bán phần thuế phải đóng sẽ thấp, còn nếu lướt sóng thì thuế đánh vào sẽ rất là cao. Nếu chính sách không hỗ trợ cho người dân, không khuyến khích người dân trong việc đầu tư dài hạn, họ sẽ tập trung vào trading ngắn hạn.

Bên cạnh đó, chúng ta đang cố gắng phát triển những thứ như là quỹ hưu trí tự nguyện, trên cơ sở đó cũng có thể đầu tư chứng khoán. Nhưng các ưu đãi về thuế của quỹ hưu trí hiện nay đang khá thấp, không thu hút được nhiều người tham gia.

box-a-11(1).jpg

PGS.TS Đỗ Hoài Linh: Bổ sung ý của anh Hưng, ở Hoa Kỳ, người dân dành một phần thu nhập sang quỹ hưu trí sẽ không bị đánh thuế thu nhập. Sau 40 năm về hưu rút ra mới bị đánh thuế. Đồng tiền đó tính gửi tiết kiệm 40 năm với lãi kép là vô cùng lớn. Chính đó là lý do để khuyến khích người dân, còn hiện nay gói hưu trí ngân hàng trong nước đang triển khai đa phần là chết yểu bởi mọi người nhận ra không có gì khác.

Liệu có cách nào để Việt Nam đạt được bức tranh toàn diện như các nước mà chúng ta vừa liệt kê không?

PGS.TS Đỗ Hoài Linh: Mọi người cần trải qua một quá trình gồm: nhận thức, tiếp thu kiến thức, tích lũy trải nghiệm, từ đó nhận ra giá trị, hình thành thói quen và cuối cùng là biến những hành động đó thành một phần trong việc phân bổ tài sản. Để có được sự toàn diện cần đến từ nhiều yếu tố, chúng tôi gọi là tam giác: kiến thức - chính sách - thị trường. Trong đỉnh thị trường phải gồm có cả cung và cầu, như vậy mới đạt được sự phát triển hài hòa.

Ông Phạm Lưu Hưng (SSI): Bên cạnh những yếu tố liên quan đến kiến thức, chúng ta còn phải quan tâm đến trải nghiệm. Các nhà đầu tư hiện nay khi tham gia vào thị trường có những kỳ vọng rất lớn với tâm lý là muốn giàu nhanh, đặc biệt là các bạn trẻ khi xem mạng xã hội, có những trend rất độc hại như là 1 tháng cổ phiếu tăng gấp 2 hay 3 lần. Điều này khiến nhà đầu tư tự xây dựng những kỳ vọng quá cao, nhưng thực tế rất khó đạt được.

box-3(1).jpg

Tuy nhiên, qua trao đổi, tôi cũng thấy giới trẻ cũng đang phải chịu áp lực từ tâm lý giàu nhanh vì giá nhà cũng như áp lực đồng trang lứa. Có bạn từng tâm sự với tôi: “Bọn em cần giàu nhanh! Ngay khi thấy chứng khoán không đem lại tỷ suất lợi nhuận đủ hấp dẫn, em phải chuyển sang đầu tư vào tài sản số. Có những thứ phải nhân đôi, nhân ba chỉ sau một đêm thì em mới đủ tiền mua nhà ở Hà Nội”. Nên, chúng ta cần có các sản phẩm tài chính cá nhân phù hợp để kế hoạch của họ sớm trở thành hiện thực hơn.

tit-09.jpg

Hiện tại, nhà đầu tư đang gặp khó khăn trong việc gia tăng tài sản một cách bền vững. Theo anh/chị, những yếu tố nào là quan trọng để định hình một nhà đầu tư chất lượng, từ đó nâng cao mặt bằng chung của thị trường?

Ông Phạm Lưu Hưng (SSI): Một nhà đầu tư chất lượng cần có 3 yếu tố trong chữ cái DUE. Trong đó, yếu tố đầu tiên là Discipline (kỷ luật), thứ hai là Unemotional (không để cảm xúc lấn át) và cuối cùng Education (kiến thức). Tôi nghĩ khi đầu tư, nền tảng kiến thức vững là vô cùng cần thiết, nhưng trong đầu tư còn có cả yếu tố con người bên trong. Khi ra quyết định đầu tư, người ta cần có sự kỷ luật và không để bị cảm xúc chi phối.

Ở trong đầu tư, hay tất cả các hoạt động của con người, có một concept rất đơn giản đó chính là “Simple but not easy”, tức là đơn giản nhưng mà không dễ. Những gì chúng ta nói đến giờ rất đơn giản nhưng để thực hành được nó thì lại rất khó.

Lấy ví dụ, rất nhiều bạn tham gia chương trình The Moneyverse (Vũ trụ Đồng tiền) do SSI tổ chức nói rất chuẩn, khi biến cố xảy ra em sẽ làm cái này, cái kia và rất đúng lý thuyết. Nhưng khi cho bảng giá chạy, các bạn chẳng nhớ gì về những thứ vừa nói cả.

asset-6.png

Chữ cái A (Attitude) có nghĩa là thái độ, đây là thứ quan trọng nhất vì nó liên quan đến kỷ luật. Tiếp đến là K (Knowledge - kiến thức) và S (Skill - kỹ năng).

videoframe_1775632.jpg

Làm cách nào để nâng cao nhận thức về những điều được học và áp dụng vào trong TTCK mà không gặp phải tình trạng “chữ thầy giả thầy”?

Ông Phạm Lưu Hưng (SSI): Đầu tư chứng khoán không có lối tắt, chúng ta phải kiên nhẫn và học hỏi. Ví dụ như trong việc chạy marathon, những bước đi đầu tiên tương tự như việc học lý thuyết: chỉ cần nhấc chân lên và chạm đất, không có gì quá phức tạp về mặt kiến thức. Nhưng dần dần chúng ta phải tích lũy kinh nghiệm từng ngày, kiểm soát được bước chân và từng nhịp thở của mình, qua đó dần dần cải thiện được quãng đường chạy xa hơn.

Trong đầu tư, không có lối tắt. Chúng ta cần kiến thức, trải nghiệm và cả những thất bại để tiến bộ. Nếu có thể học từ thất bại của người khác, chúng ta sẽ tránh được những sai lầm và giảm thiểu rủi ro, đỡ phải trả giá bằng chính tiền của mình.

Việt Nam hiện đang triển khai những biện pháp nào để nâng cao kiến thức cho nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư trẻ? Các chương trình đào tạo hiện nay có đáp ứng được nhu cầu và thách thức của thị trường không?

PGS.TS Đỗ Hoài Linh: Khía cạnh đào tạo tại các trường khối kinh tế, hiện tại đã có nhiều thay đổi. Đầu tiên, chúng tôi gọi chương trình đào tạo là Hội nghị công giới, với sự tham gia của doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Họ cùng nhau góp ý, xem xét liệu những nội dung tham khảo từ Mỹ, Anh có phù hợp với Việt Nam hay không và liệu có cần điều chỉnh gì cho phù hợp với bối cảnh trong nước. Bước thứ hai, sau khi chương trình đã chuẩn chỉnh, sẽ bắt triển khai tuyển sinh. Sinh viên ngoài học kiến thức kinh tế, tài chính sẽ có các khách mời tại mỗi môn học, mời các chuyên gia đến giảng ít nhất 1 buổi/kỳ. Thứ ba là chương trình thực tiễn đã trở thành bắt buộc đối với chương trình đào tạo của khối sinh viên kinh tế của Kinh tế Quốc dân. Trong 4 năm học các bạn sẽ đi ít nhất 3 lần và mỗi lần đều phải có báo cáo thu hoạch.

Tuy nhiên, những điều này để tạo ra những người làm nghề. Còn ở khía cạnh giáo dục tài chính cần sự chung tay của rất nhiều yếu tố, đặc biệt là phía quản lý Nhà nước. Chỉ có mức độ phù hợp về nội dung và dung lượng từ cấp phổ thông đến đại học mới nâng được dân trí tài chính. Bên cạnh đó, cần có các chương trình giáo dục tài chính nhằm lan tỏa kiến thức rộng rãi, chẳng hạn như chương trình The Moneyverse do VTV phối hợp cùng BIDV và SSI thực hiện, hướng đến đối tượng sinh viên.

5.jpg

Ông Phạm Lưu Hưng (SSI): Dưới góc độ doanh nghiệp, SSI vẫn tổ chức những buổi đào tạo về cơ bản, phân tích kỹ thuật hoặc tùy theo nhu cầu của mọi người. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển thị trường, chúng ta cần làm việc cùng những nhà đầu tư trẻ. Như SSI thực hiện The Moneyverse để tiếp cận giới trẻ cũng như tạo cơ hội để tiếp cận khách hàng tương lai của mình. Đối với các bạn trẻ đang học chương trình phổ thông, 'tài chính cá nhân' nên trở thành môn học bắt buộc thay vì tự chọn, vì đây là một kỹ năng sống quan trọng, thậm chí là kỹ năng sinh tồn trong cuộc sống hiện đại. Học sinh cấp 2, cấp 3 có thể bắt đầu tiếp cận tài chính để “mưa dầm thấm lâu” chứ không dồn hết vào đại học.

tai-day.jpg

>> Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam: Hành trình 10 nỗ lực không ngừng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thi-truong-chung-khoan-viet-nam-hanh-trinh-tu-tang-truong-nong-den-phat-trien-ben-vung-252792.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Thị trường chứng khoán Việt Nam: Hành trình từ tăng trưởng nóng đến phát triển bền vững
    POWERED BY ONECMS & INTECH