Khu dân cư Đại Nam từng được ông Dũng 'lò vôi' bán hụt với giá 2.434 tỷ đồng hoang vắng sau nhiều năm xây dựng
Khu dân cư Đại Nam - dự án của ông Dũng "lò vôi" tại Bình Phước dù có quy mô lớn và được kỳ vọng sẽ trở thành chốn an cư cho hàng nghìn người, vẫn hoang vắng sau nhiều năm triển khai. Nhiều doanh nghiệp muốn mua lại một phần dự án nhưng chưa thành công.
Trái ngược với khung cảnh đông đúc, chật kín người tại Khu du lịch Đại Nam tọa lạc ở TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, một dự án khác của ông Dũng 'lò vôi' là Khu dân cư Đại Nam ở huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước lại hoang vắng sau nhiều năm triển khai.
Khu dân cư Đại Nam được xem là một trong những dự án khu dân cư có quy mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh Bình Phước với diện tích 96,7ha, quy mô dân số 12.000 người và 2.459 nền đất. Nơi đây từng được xem là chốn an cư lập nghiệp của người dân và là “gà đẻ trứng vàng” cho các nhà đầu tư. Đồng thời, dự án này cũng được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy nguồn cung nhà ở cho thị trường bất động sản Bình Phước. Tới nay, mặc dù một phần hệ thống hạ tầng đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, Khu dân cư Đại Nam vẫn là khu đất hoang, nhiều cỏ dại và không có dân cư sinh sống.
Theo Theo VTC News, sau nhiều năm triển khai, hiện tại khu đất làm dự án vẫn trong tình trạng bỏ hoang, không một bóng người, một số đoạn vỉa hè trong đường nội khu bị bong tróc, tiện ích cây xanh chết héo, phế liệu chất đống.
Dự án Khu dân cư Đại Nam của ông Dũng 'lò vôi' hoang vắng |
Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH MTV Tân Khai – công ty thành viên của CTCP Đại Nam do ông Dũng “lò vôi” làm Chủ tịch HĐQT. Theo tìm hiểu, vào tháng 6/2018, dự án được UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt đồ án và quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ xây dựng 1/500. Giai đoạn 2019 – 2020, dự án được UBND tỉnh Bình Phước 3 lần quyết định chấp thuận cho chủ đầu tư chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho người sử dụng tự xây dựng nhà ở.
Khu dân cư Đại Nam không nhận được nhiều sự quan tâm được một số đơn vị đánh giá do dự án cách TP. HCM tới 80km, cách Bình Dương 60km. Ngoài ra, khu vực dự án chủ yếu là công nhân sinh sống trong khi giá đất nền thời điểm 2018 – 2020 quá cao so với thu nhập của người dân lao động (650 triệu đồng/nền).
Khu dân cư Đại Nam lọt "tầm ngắm" của nhiều doanh nghiệp
Ảnh minh họa |
Thời điểm năm 2022, phía Tân Khai chuyển nhượng một phần dự án cho CTCP Vinasing Group (trụ sở tại quận Đống Đa, Hà Nội) với tổng giá trị 2.434 tỷ đồng. Theo hợp đồng ký kết, thương vụ gồm: 22ha đất ở, giá 9 triệu đồng/m²; 1,12ha đất thương mại dịch vụ, giá 6 triệu đồng/m²; 9,67ha đất xây dựng nhà ở xã hội, giá 4 triệu đồng/m². Bên Vinasing Group phải đặt cọc 100 tỷ đồng trong 7 ngày sau khi ký hợp đồng. Tuy nhiên, sau đó phía Vinasing Group không đặt cọc và ông Dũng "lò vôi" cho biết đã hủy hợp đồng thương vụ này.
Gần đây, CTCP Tập đoàn Danh Khôi (HNX: NRC) dự kiến dùng 195 tỷ đồng để mua một phần dự án Khu dân cư Đại Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp này chỉ còn 542 triệu đồng tiền mặt ở thời điểm ngày 30/6 và muốn huy động 1.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu giá 10.000 đồng/cp, cao gấp 3 lần giá thị trường (phiên 7/10, NRC giao dịch quanh 3.200 đồng/cp).
Về kết quả kinh doanh, Công ty TNHH MTV Tân Khai ghi nhận doanh thu 189 tỷ đồng năm 2019, tăng gấp hơn 7 lần so với năm 2018. Giai đoạn này, doanh nghiệp cũng chuyển từ khoản lỗ 7 tỷ đồng năm 2018 sang lãi 41 tỷ đồng năm 2019. Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Tân Khai đạt 897 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 84 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 40% và 95% so với thời điểm đầu năm.
LPB và 2 'gã khổng lồ' sàn UPCoM dự kiến lọt nhóm VN30, cổ phiếu nào sẽ bị loại?
Quỹ hơn 13.000 tỷ đồng chuẩn bị 'xả' nhóm ngân hàng để mua gần 26 triệu cổ phiếu MWG