Trong quá khứ, khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo vào năm 2007, giá gạo toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục khoảng 1.000 USD/tấn. Liệu lệnh cấm mới đây của nước này có phải là cơ hội "vàng" cho doanh nghiệp gạo Việt Nam?
Các "nhà xuất khẩu" gạo trên thế giới gặp khó
Mới đây, Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới vào năm 2021 (chiếm 40% tỷ trọng trong ngành thương mại gạo toàn cầu) đã chính thức ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với các loại gạo xuất khẩu từ ngày 9/9/2022.
Quyết định này sẽ giáng một cú đánh mạnh hơn vào những quốc gia đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt và nạn đói ngày càng trầm trọng.
Một thị trường lớn khác trong lĩnh vực xuất khẩu gạo là Trung Quốc hiện cũng đang gặp khó. Trung Quốc đã trải qua hơn 10 tuần hạn hán lịch sử, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là lưu vực sông Trường Giang, trải dài từ duyên hải thành phố Thượng Hải đến tỉnh Tứ Xuyên ở phía Tây Nam. Nhiều dòng sông lớn bị cạn nước dẫn đến khan hiếm nguồn nước tưới tiêu cho nông nghiệp trong bối cảnh tháng 8 và tháng 9. Trong khi, đây chính lf là thời điểm quan trọng chuẩn bị cho vụ thu hoạch, vụ được cho là chiếm tới 2/3 tổng lượng lương thực hàng năm của nước này.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 7 tháng đầu năm nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của nước ta sau Philipines, chiếm trên 11% tổng trọng lượng và trên 12% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt hơn 466 ngàn tấn gạo ( tương đương 242,74 triệu đô la). Do chính sách Zero Covid mà chính phủ nước này thực hiện, kết quả trên đã giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong báo cáo tháng 8-2022, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã hạ dự báo sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2022-2023 xuống còn 512,4 triệu tấn - giảm 2,3 triệu tấn so với dự báo trước đó và giảm 1,2 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022 do sản lượng giảm tại Ấn Độ, Bangladesh và châu Âu. Sản lượng gạo ở Ấn Độ được dự báo có thể chỉ đạt 128,5 triệu tấn - giảm 0,9% trong niên vụ này, đánh dấu sự sụt giảm lần đầu tiên kể từ vụ 2015-2016.
Trái ngược với sự sụt giảm về sản lượng, USDA tiếp tục nâng dự báo tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2022 - 2023 lên mức kỷ lục 518,7 triệu tấn - tăng hơn 2 triệu tấn so với niên vụ trước. Các nước tiêu thụ tăng là: Bangladesh, Trung Quốc, Nepal, Nigeria, Philippines và Việt Nam.
Triển vọng "bứt tốc" của Lộc Trời (LTG) thời gian tới
Nguồn cung khan hiếm mà nhu cầu lại được đẩy lên cao đã mở ra cánh cửa "sáng lạn" cho các doanh nghiệp gạo Việt Nam vào những tháng cuối năm 2022.
Tận dụng lợi thế này, CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) nhanh chóng nắm bắt cơ hội đẩy mạnh tiến độ xuát khẩu sang các thị trường nước ngoài.
Ngày 2/9, gạo Lộc Trời với thương hiệu "Cơm ViệtNam Rice" chính thức lên kệ hàng của E.Leclerc – hệ thống siêu thị với gần 600 đại siêu thị và hơn 100 siêu thị trên khắp nước Pháp. Theo Reuters, E.Leclerc là hệ thống siêu thị lớn nhất Pháp hiện nay tính theo thị phần. Theo đó, LTG đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên mang gạo Việt Nam vào hệ thống siêu thị bán lẻ hàng đầu nước Pháp, cũng là hệ thống phân phối bán lẻ phức tạp bậc nhất châu Âu và thế giới.
Lật lại quá khứ, tháng 9/2020. LTG cũng là đơn vị đầu tiên xuất khẩu gạo vào châu Âu trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và trong 2 năm, Lộc Trời đã bán hơn 80.000 tấn gạo các loại vào thị trường này.
Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc LTG chia sẻ đây là một bước tiến đáng tự hào trong lịch sự phát triển của tập đoàn. “Niềm hân hoan đầy tự hào cùng nỗi nhớ rưng rưng trong ánh mắt của bà con kiều bào xa xứ khi nhìn thấy gói gạo từ quê nhà có hình chữ S đỏ thắm trên thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice”, sự thích thú háo hức của khách nước ngoài khi nếm thử hạt cơm thơm dẻo nấu từ gạo Lộc Trời khiến chúng tôi có thêm động lực để cố gắng có thêm nhiều sản phẩm thương hiệu Việt Nam mang đến cho bà con kiều bào và người tiêu dùng quốc tế trên khắp năm châu”.
Lãnh đạo của tập đoàn cũng cho biết tiếp tục đẩy mạnh việc xuất khẩu các sản phẩm gạo chủ lực từ giống lúa độc quyền Lộc Trời 28, Jasmine, OM18… và đưa vào các hệ thống siêu thị rộng khắp các nước châu Âu trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, tình trạng "cạn cung" có thể đẩy giá gạo xuất khẩu tăng cao, với lượng hàng tồn kho lớn (2.874 tỷ đồng) tại thời điểm 30/6/2022, LTG có thể "tranh thủ" lúc được giá để đem về khoản lợi nhuận lớn.
Tuy nhiên, hiện giá dầu và các loại chi phí vẫn đang ở mức cao là một yếu tố đáng lưu tâm khi xem xét triển vọng của ngành gạo. Trước đó, quý II/2022, LTG công bố doanh thu thuần đạt 3.547 tỷ đồng, tăng 30,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí giá vốn, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt tloajtcao đã nhấn chìm lợi nhuận trong quý. Kết quả, LTG báo lỗ 46,3 tỷ đồng.
Song, không thể phủ nhận, LTG đang được hưởng những yếu tốt thuận lợi nhất định. Gần đây, TCBS cũng đưa ra khuyến nghị tích cực đối với LTG. Theo TCBS, dự báo triển vọng tích cực nửa cuối năm 2022 khi nhu cầu gạo trên thế giới tiếp tục tăng, giá xuất khẩu gạo duy trì ở mức cao (~420 USD/tấn với gạo 5% tấm). Bên cạnh gạo thương hiệu chất lượng cao, với năng lực vận hành như hiện tại (24 nhà máy sở hữu và liên kết, công suất sấy 26,000 tấn/ngày, xay xát 22,000 tấn/ngày và sức chứa 1 triệu tấn lúa khô), LTG hiện đang đáp ứng được các yêu cầu từ các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.
Ấn Độ ban hành lệnh cấm, giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng từng ngày