Việc Fed quyết định tăng lãi suất thêm 3/4 điểm phần trăm đã tác động mạnh mẽ đến thị trường hàng hóa, đặc biệt là nhóm các mặt hàng kim loại và năng lượng.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất thêm 3/4 điểm phần trăm. Dù mức tăng trong cuộc họp này đúng như kỳ vọng của các nhà đầu tư nhưng ngay sau đó Dow Jones vẫn trượt 200 điểm khi Fed cam kết tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát. Cùng chiều, S&P 500 giảm 0,7%, trong khi Nasdaq Composite giảm 0,8%.
Thông tin này đã lập tức tác động mạnh lên thị trường hàng hoá nói chung, đặc biệt là nhóm các mặt hàng kim loại và năng lượng. Lực bán áp đảo, tuy nhiên dòng tiền đầu tư trong nước đến thị trường vẫn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ.
Giá kim loại lao dốc khi Fed tăng lãi suất
Trong phiên ngày 22/9, bạc giảm 0,59% còn 19,35USD/pound; giá bạch kim ghi nhận đà suy yếu với mức giảm 0,74% xuống mức 916 USD/pound.
Mức tăng này không gây ra bất ngờ quá lớn đối với thị trường, nhưng việc tăng lãi suất thêm 75 điểm lần thứ 3 liên tiếp và động thái quyết liệt tiếp tục thắt chặt tiền tệ nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%, vẫn là yếu tố gây sức ép tới thị trường kim loại.
Các dự báo mới cho thấy, lãi suất chính sách của Fed tăng lên 4,40% vào cuối năm nay trước khi chạm mức 4,60% vào năm 2023. Con số này tăng so với dự báo hồi tháng 6 lần lượt là 3,4% và 3,8%. Giá bạch kim và hầu hết các kim loại cơ bản đều suy yếu trước lo ngại mức lãi suất tiếp tục tăng cao sẽ gây ra rủi ro suy thoái kinh tế, làm hạn chế nhu cầu tiêu thụ cho sản xuất công nghiệp.
Đồng mở cửa phiên giao dịch ngày 22/9 với mức giảm 1% xuống còn 3,43 USD/pound. Đa số các kim loại cơ bản khác cũng chìm trong sắc đỏ. Bất chấp các tín hiệu tích cực nỗ lực kích thích kinh tế của Chính phủ Trung Quốc, khi Trung tâm thương mại Thượng Hải đã công bố 8 dự án cơ sở hạ tầng với tổng số vốn đầu tư 1,8 nghìn tỷ nhân dân tệ (257 tỷ Dollar Mỹ) sẽ được tiến hành, song sức ép vĩ mô lấn át và đồng Dollar Mỹ tăng mạnh đã gây áp lực trực tiếp tới các mặt hàng này trong phiên hôm qua.
Giá dầu giảm trở lại
Giá dầu tiếp tục một phiên giao dịch biến động khi việc Fed tăng lãi suất lấn át lo ngại về bất ổn nguồn cung do rủi ro địa chính trị. Cụ thể, ghi nhận lúc 7 giờ ngày 22/9 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 0,14 USD/thùng, xuống mức 82,80 USD/thùng, giá dầu Brent cũng giảm 0,79 USD/thùng, về mức 89,83 USD/thùng.
Trong khi các tài sản rủi ro như chứng khoán và dầu giảm do tin tức này thì đồng USD lại tăng giá.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nhu cầu xăng của Mỹ trong 4 tuần qua giảm xuống 8,5 triệu thùng/ngày (bpd), mức thấp nhất kể từ tháng 2.
Báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA cho thấy tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu tại Mỹ tiếp tục giảm trong tuần 16/09, và hiện đã xuống dưới mức 19 triệu thùng/ngày, thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp giá xăng đã liên tục hạ nhiệt. Sự suy yếu trong tiêu thụ xăng tại Mỹ là yếu tố gây sức ép trong báo cáo tối qua.
Bên cạnh đó, lực bán gia tăng sau kết quả cuộc họp Fed. Trước đó, thị trường đã kỳ vọng sau 2 cuộc họp tháng 11 và tháng 12, Fed sẽ có thể giảm tốc trong quá trình tăng lãi suất. Tuy vậy, sau cuộc họp, phần lớn đã nhận định quá trình tăng lãi suất sẽ còn kéo dài đến năm 2023, đẩy nền lãi suất lên 4,5-4,75%. Dollar Index tiếp tục tăng mạnh, phá vỡ đỉnh trong năm nay, gây tác động rất tiêu cực lên giá dầu.
Sau diễn biến giá tối qua, có thể thấy rõ một điều, lo ngại về nhu cầu trong trung hạn đang lấn át các rủi ro về nguồn cung. Các yếu tố về vĩ mô sẽ tiếp tục quyết định hướng đi của thị trường, cho đến khi có sự thay đổi rõ ràng trong cân bằng cung-cầu.
Giá khí tự nhiên tiếp tục giao dịch dưới 8 USD/mmBTU
Giá gas (hợp đồng tương lai khí tự nhiên Natural Gas-Mã hàng hoá: NGE) giảm 0,75% xuống 7,721 USD/mmBTU vào lúc 6h45 ngày 22/9 (giờ Việt Nam).
Giá khí đốt tự nhiên giao ngay tiếp tục bất chấp đợt nắng nóng trong thời gian ngắn và sản lượng sụt giảm, kéo dài liên tiếp chuỗi 4 ngày giảm giá, Natural Gas Intelligence đưa tin.
Trong khi mức nhiệt tăng cao ở khắp khu vực 48 Tiểu bang vùng Hạ đã khiến cho nhu cầu nhiên liệu thay đổi, thì ông Eli Rubin - Nhà Phân tích Cấp cao của EBW Analytics Group, đã chỉ ra triển vọng cơ bản trong ngắn hạn tương đối “mềm" đối với khí đốt tự nhiên.
Xét trên một bình diện nào đó, sản lượng khí đốt tự nhiên vốn không ổn định vào tháng 9, nhưng nhìn chung đã giữ gần mức cao nhất năm 2022, khoảng 99 - 100 Bcf. Với sản lượng mạnh mẽ hơn và mức nhiệt độ sụt giảm trong những ngày gần đây, các nhà phân tích đang mong đợi một bản báo cáo dự trữ tương đối tốt với báo cáo kiểm kê của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (EIA) trong tuần này.
Giá cà phê giảm trên cả hai sàn thế giới
Giá cà phê Robusta tại London giao tháng 11/2022 giảm 10 USD/tấn ở mức 2.226 USD/tấn, giao tháng 1/2023 giảm 9 USD/tấn ở mức 2.212 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2022 giảm 3,85 cent/lb, ở mức 221,3 cent/lb, giao tháng 3/2023 giảm 3,65 cent/lb, ở mức 215,1 cent/lb.
Trong bối cảnh Fed tăng lãi suất, thị trường cà phê bị ảnh hưởng tiêu cực. Giá trên 2 sàn quay đầu giảm chỉ sau 1 phiên tăng. Trước đó, giá cà phê bật tăng khá mạnh sau báo cáo kết quả khảo sát vụ mùa lần thứ 3 của Conab Brazil.
Conab đã giảm dự báo sản lượng năm nay của Brazil bớt 3 triệu bao, xuống ở mức 50,4 triệu bao vì thời tiết bất lợi, bao gồm 32,41 triệu bao Arabica và gần 18 triệu bao Conilon Robusta. Giá cà phê bật tăng còn do lo ngại người Brazil sẽ hạn chế bán cà phê ra do lãi suất tăng.
Brazil là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Băng giá và hạn hán khắc nghiệt nhất trong nhiều thập kỷ năm ngoái đã ảnh hưởng đến sản xuất. Với tình hình hiện tại của Brazil, có rất ít giải pháp để khắc phục tình hình khan hiếm nguồn cung cà phê trên toàn cầu.
Phần thắng thuộc về người dám short khi ai cũng sợ
Sau chu kỳ giảm đã khá lâu của thị trường hàng hóa, nhiều nhà đầu tư không dám vào vị thế short ở vùng giá hiện tại dù thông tin FED tăng lãi suất là đã được đoán biết trước.
Tuy nhiên, không ít người đã "ăn đậm" từ cú rơi sâu của hàng hóa khi dám đặt cược vào mức giảm sâu hơn của thị trường này.
Thực tế cho thấy, bất chấp hàng loạt thông tin "cổ vũ" cho hàng hóa tăng giá như thiếu lương thực, thiếu khí đốt, thiếu dầu thô...khiến ai cũng cảm giác hàng hóa có thể lại quay đầu bứt phá tăng mạnh bất cứ lúc nào nhưng trước thông tin FED tăng lãi suất thì việc vào vị thế long là điều khó khăn. Vào vị thế short ở vùng giá thấp cũng khó khăn. Đứng ngoài thị trường có vẻ an toàn nhất nhưng lại là điều nhà đầu tư không ai muốn lựa chọn.
Chọn Shor đã mang lại lợi nhuận bất ngờ cho những người chọn việc tin rằng các chính sách của FED sẽ phát huy hiệu quả!
Giá xăng dầu hôm nay 22/9: Giảm gần 1% sau quyết định của Fed