Sau 4 lần bùng phát dịch COVID-19, ngành công nghiệp “bốn bánh” đã gánh chịu những tác động nặng nề. Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngành ô tô hoàn toàn rơi vào trạng thái đình trệ.
Dù vậy, các hãng xe hơi, đại lý cũng như người tiêu dùng đã nhanh chóng thích nghi trở lại ngay khi nền kinh tế mở cửa và đưa hoạt động sản xuất, mua bán trở lại quỹ đạo “bình thường mới”.
"Với tình hình kinh doanh lạc quan từ những tháng cuối năm 2021; Và những con số của thị trường vào quý đầu năm, thị trường ô tô Việt Nam cho thấy tiềm năng phục hồi mạnh mẽ với lượng tiêu thụ ô tô khả quan và triển vọng đầy tươi sáng sau 2 năm ảm đạm", báo cáo từ Virac nhận xét.
Dấu hiệu phục hồi
Theo Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng trong tháng 3 tăng 60% so với tháng 2. Tính chung 3 tháng đầu năm, các đơn vị thành viên VAMA có tổng lượng tiêu thụ ô tô đạt 90.506 xe các loại, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, xe ô tô du lịch tăng 39%, xe thương mại tăng 7% và xe chuyên dụng tăng 32%. Xét theo nguồn gốc xe, tính đến hết tháng 3, trong khi doanh số bán xe lắp ráp trong nước tăng 34% thì xe nhập khẩu chỉ tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, theo kết quả doanh thu thị trường ô tô tháng 3, đa số các thành viên của VAMA đều nhận được kết quả tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021.
Động lực cho thị trường ô tô năm nay
Với các biện pháp phòng chống dịch bệnh được thực hiện kịp thời, nền kinh tế Việt Nam đã được mở cửa trở lại từ cuối năm 2021 và các đại lý ô tô cũng đồng thời hoạt động trở lại trong khoảng thời gian này.
Nhờ đó, ngành ô tô trong đầu năm đã cho thấy dấu hiệu phục hồi. Sau nhiều tháng giãn cách xã hội, nhu cầu đi lại của người tiêu dùng gia tăng dẫn đến lượng khách đến đại lý nhận xe đã đặt mua trước đây và tìm hiểu mua xe tăng theo.
Ngoài ra, do đã “vắng bóng” trên thị trường một thời gian dài, nhiều nhà đại lý phân phối ô tô trong nước đã áp dụng các hình thức khuyến mãi, ưu đãi khác nhau để đẩy mạnh lượng tiêu thụ ô tô, kích cầu, cải thiện doanh số.
Tiêu biểu một số thương hiệu đã áp dụng thành công phương thức này có thể kể đến như Mazda; Suzuki và Hyundai,…. Việc đồng loạt giảm giá sâu đã góp phần giúp các thương hiệu hoàn tất quý đầu năm với kết quả kinh doanh khả quan hơn so với cùng kỳ năm 2021.
Các chương trình ưu đãi, kết hợp cùng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước do Chính phủ ban hành đã khiến sức mua của người tiêu dùng “bùng nổ” hơn bao giờ hết trong quý đầu năm.
Theo đó, Nghị định 103/2021/NĐ-CP được ban hành, có hiệu lực ngay từ ngày 1/12/2021 đến 31/5/2022, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu với xe ô tô, rơ-moóc hoặc sơ mi rơ-moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự được sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với các loại xe này được quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP.
Đây là lần thứ 2 trong vòng 2 năm trở lại đây, Chính phủ ban hành chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước.
Trước đó, từ ngày 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020 chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cũng đã được áp dụng, giúp thị trường ô tô Việt Nam có bước hồi phục.
Theo dự báo của VIRAC, trong dài hạn, triển vọng của ngành ô tô Việt Nam cũng lạc quan hơn nhờ tỷ lệ sở hữu ô tô trong nước vẫn ở mức thấp trong khi Chính phủ có các chính sách hỗ trợ lãi suất giúp người dân giảm bớt rào cản đối với việc vay vốn để mua xe.
Bên cạnh đó, sự gia tăng thu nhập của tầng lớp trung lưu và cơ sở hạ tầng giao thông được đẩy mạnh đầu tư cũng là những yếu tố tác động tích cực đến tình hình kinh doanh của các thương hiệu ngành ô tô trong năm 2022.
Nhóm Midcap lên ngôi, một cổ phiếu VN30 tím trần
VinFast cất cánh với mẫu VF 3, vượt mặt nhiều đối thủ lớn trên sân chơi xe điện toàn cầu