Theo báo cáo từ Morningstar Inc, các quỹ đầu tư theo tiêu chí ESG thu hút khoảng 96,6 tỷ USD. Trong bối cảnh dòng tiền đầu tư biến động, lượng tiền này đã giảm khoảng 36% so với quý trước đó.
ESG là thuật ngữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh (Environmental, Social and corporate Governance), chỉ nhóm các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị công ty trong đánh giá doanh nghiệp. ESG đang dần trở thành một công cụ quan trọng để các tổ chức ra quyết định liệu có đầu tư vào một doanh nghiệp hay không. Yếu tố G trong ESG - Quản trị công ty trong đánh giá doanh nghiệp, được các tổ chức đầu tư quan tâm từ khá lâu nhưng hiện nay xu thế coi trọng yếu tố E (Môi trường) và S (xã hội) đang là xu thế chung của thế giới.
Theo Bloomberg Intelligence, ước tính tổng tài sản ESG toàn cầu sẽ đạt mức 50 nghìn tỷ USD vào năm 2025 tương đương 1/3 tài sản đang được quản lý trên toàn thế giới.
Xu hướng ESG lan rộng, tinh thần ESG ngày càng lên cao
Một cuộc khảo sát của PwC đồng thời thực hiện thêm 40 cuộc phỏng vấn với các nhà đầu tư có tổng khối lượng tài sản hơn 11,6 nghìn tỷ USD năm 2021, rút ra rằng các nhà đầu tư đang quan tâm hơn tới những rủi ro và cơ hội ESG mà công ty họ đầu tư đang phải đối mặt và họ sẵn sàng hành động dựa trên tiêu chí ESG.
Ủng hộ quan điểm này, 79% người tham gia khảo sát cho rằng phương pháp quản lý rủi ro và cơ hội liên quan tới ESG là yếu tố quan trọng khi đưa ra quyết định đầu tư vào một công ty và 49% sẵn sàng rút vốn khỏi các công ty không thực hiện trách nhiệm của họ về ESG.
ESG đang trở thành xu hướng trên thế giới nên những hành động trái với ESG cũng đang bắt đầu bị xử phạt thậm chí là khởi kiện. Đầu tháng 5 vừa qua, Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ đã khởi kiện một công ty niêm yết đó là công ty khai khoáng quặng sắt lớn hàng đầu thế giới của Brazil là Vale S.A có hành vi gian lận ESG.
Quỹ Vinacapital cũng cho biết, thời gian gần đây, một trong những câu hỏi đầu tiên của các tổ chức quốc tế khi hai bên đàm phán cơ hội đầu tư tại Việt Nam đều là về việc áp dụng tiêu chuẩn ESG tại Việt Nam đang diễn ra như thế nào?
Theo các tổ chức đầu tư, nhìn sâu vào mới thấy những yếu tố tưởng phi tài chính như ESG lại mang ý nghĩa tài chính rất lớn, vì một công ty đầu tư theo ESG là một công ty cam kết với sự phát triển bền vững, cũng chính là yếu tố mà các nhà đầu tư hướng đến.
Cam kết ESG - mang lại cho doanh nghiệp dòng vốn rẻ
Có thể hiểu ESG là đầu tư vào các doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội và môi trường thay vì chỉ chăm chăm lợi nhuận. Họ hướng tới các vấn đề như các biện pháp đảm bảo sức khỏe của nhân viên trong doanh nghiệp, các biện pháp giúp cải thiện môi trường và xã hội hoặc ít nhất là không gây tác động tiêu cực tới nó.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện đang chưa chú trọng tới ESG, các doanh nghiệp vừa muốn “ăn xổi”, khả năng lợi nhuận ngắn hạn nhưng vẫn hút được tiền đầu tư. Nhưng trái ngược các doanh nghiệp cam kết với ESG thì mới có cơ hội đón dòng vốn lớn và bền vững của quốc tế.
Một ví dụ về CTCP Sữa Việt Nam cho thấy yếu tố tưởng phi tài chính như ESG lại mang ý nghĩa tài chính rất lớn. Hiện nay, 89% năng lượng sử dụng trong hệ thống 13 trang trại, nhà máy của CTCP Sữa Việt Nam là nguồn năng lượng xanh. Điểm ESG của doanh nghiệp là trên 90 điểm - cao hơn mức trung bình tới 58 điểm.
Nhờ thực thành tốt các tiêu chí phát triển bền vững vì môi trường, con người và quản trị mà họ luôn duy trì tỷ trọng vốn ngoại khá cao.
Sau đại dịch xu hướng ESG càng rõ ràng hơn
Đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh hơn xu hướng ESG, khiến chiến lược đầu tư chuyển dịch sang ESG thay vì các chỉ tiêu tài chính truyền thống. Theo Morningstar, khi đại dịch xảy ra các quỹ ESG thu hút dòng tiền kỷ lục, gấp đôi so với một năm trước đó. Tiền ròng từ các nhà đầu tư đổ vào quỹ đầu tư bền vững đạt 51 tỷ USD, tăng lên mức cao kỷ lục năm thứ 5 liên tiếp.
Dù đã có những điển hình thành công nhưng số doanh nghiệp tham gia ESG tại Việt Nam là chưa nhiều. Số lượng báo cáo phát triển bền vững năm 2021 chỉ là 14, hơn được 2 báo cáo so với con số 12 của năm 2020 trong khi trên sàn chứng khoán có gần 750 doanh nghiệp niêm yết.
Theo các chuyên gia, dòng vốn FDI dịch sang Việt Nam ngày càng nhiều, hầu hết họ đều quan tâm ESG, họ sang mà ta chưa sẵn sàng thì đôi khi ta đánh mất cơ hội. Còn khi ta sẵn sàng dù chưa áp dụng hoàn thiện, vẫn có thể đón trọn dòng vốn này.