Thực trạng chung của nhiều nhà thầu xây dựng hiện nay là chịu lỗ khi thi công, nhất là với các hợp đồng đã ký từ trước và không dự phóng tốt giá thép cùng các vật liệu xây dựng khác.
Doanh nghiệp đối mặt khó khăn do giá thép tăng
Sau 6 đợt điều chỉnh liên tiếp từ đầu năm, mặt bằng giá thép hiện được đưa về giai đoạn tháng 7-8 năm ngoái. Mức này cao hơn rất nhiều so với trung bình 12,5 triệu đồng một tấn trước đợt tăng "nóng" kéo dài từ tháng 3 đến đầu tháng 5/2022.
Giá thép tăng nhưng thị trường tiêu thụ thép trong nước vẫn ảm đạm. Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, hai tháng đầu năm, bán hàng thép thành phẩm đạt hơn 3,8 triệu tấn, giảm hơn 23% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng xuất khẩu đạt 1 triệu tấn, giảm 10%. Trong khi sản xuất thép thành phẩm đã giảm 16%, chênh lệch giữa tiêu thụ và sản xuất vẫn lên đến hơn 430.000 tấn.
Diễn biến giá thép cũng trái hẳn kỳ vọng của các đại lý vật liệu xây dựng và nhà thầu. Từ đầu năm đến nay, các bên luôn trong tình trạng cân nhắc kỹ trước khi mua thép, nhiều nhà thầu nhỏ lẻ chuộng lấy ít hàng, chỉ đủ dùng trong giai đoạn ngắn để mong giá cả bình ổn trở lại. Việc giá thép đồng loạt tăng lần thứ 6 liên tiếp khiến các đơn vị phải cân đối lại suất đầu tư.
Thực trạng chung của nhiều nhà thầu xây dựng hiện nay là chịu lỗ khi thi công, nhất là với các hợp đồng đã ký từ trước và không dự phóng tốt giá thép cùng các vật liệu xây dựng khác.
Ngày 21/3, một số doanh nghiệp sản xuất thép nâng 150.000 – 160.000 đồng/tấn với sản phẩm thép vằn thanh D10 CB300, lên khoảng 15,9 – 16 triệu đồng/tấn, theo số liệu của Steel Online.
Cụ thể, doanh nghiệp thép Hòa Phát tại miền Bắc, miền Nam nâng 150.000 đồng/tấn đối với dòng thép vằn thanh D10 CB300, giá thép hai miền lần lượt ở mức 15,99 triệu đồng/tấn và 16,03 triệu đồng/tấn. Còn tại miền Trung, Hòa Phát tăng 160.000 đồng/tấn với thép vằn thanh D10 CB300 lên 15,9 triệu đồng/tấn.
Tương tự, thương hiệu thép Việt Ý cũng nâng 150.000 đồng/tấn với dòng thép vằn thanh D10 CB300 lên 15,96 triệu đồng/tấn.
Với thép Việt Đức tại miền Bắc, dòng thép vằn thanh hiện có giá 15,96 triệu đồng/tấn sau khi doanh nghiệp này điều chỉnh tăng 150.000 đồng/tấn.
Với mức tăng 150.000 đồng/tấn, giá thép vằn thanh D10 CB300 của thương hiệu Kyoei đang ở mức 15,99 triệu đồng/tấn.
Còn thép Thái Nguyên điều chỉnh tăng 100.000 đồng/kg đối với thép cuộn CB240, lên mức 15,86 triệu đồng/kg; thép thanh tăng 150.000 đồng/kg, hiện có giá 15,96 đồng/kg.
Còn lại, một số doanh nghiệp như Thép miền Nam, Pomina, Thép Thái Nguyên, Vina Kyoei… vẫn chưa có động thái điều chỉnh giá thép.
Tiêu thụ thép dự báo tăng mạnh trong nửa cuối năm 2023
Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế trị giá 350.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2022 - 2023, trong đó dành 113.840 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng, tập trung vào các dự bán trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, các cảng Logistics lớn. Điều này kéo theo nhu cầu tiêu thụ thép tăng cao.
Ngoài ra, trong tháng 2, Chính phủ đã phê duyệt gói tín dụng 120.000 tỷ đồng nhằm phát triển các dự án nhà ở xã hội.
“Những yếu tố này dẫn tới tiêu thụ thép trong quý 3 và 4/2023 có thể tăng trưởng mạnh”, ông Đoàn Danh Tuấn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định.
Hầu hết thương hiệu thông báo tăng giá bán thép xây dựng ở khu vực miền Nam khi bước sang tuần thứ hai của tháng 3. VSA cho rằng nhiều khả năng sắp tới thị trường phía Bắc cũng sẽ điều chỉnh tăng nhằm bù lại giá thành sản xuất và giảm lỗ.
Tình hình kinh tế Việt Nam được dự báo tích cực hơn so với thế giới cũng là yếu tố hỗ trợ giá thép trong thời gian tới. Theo đó, năm 2023 với những dự báo còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá là còn nhiều tiềm năng phát triển. Tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,47% - 6,83%. Trong khi đó, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ khoảng 1,5%, Mỹ thậm chí thấp hơn, khoảng 0,5%; còn với các nước Đông Nam Á trung bình khoảng 5%.
Về dài hạn, ông Tuấn cho cho rằng nhu cầu thép của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng. Hiện mức tiêu thụ khoảng 240 kg/đầu người và sẽ tăng lên 290 kg/đầu người vào năm 2030. Nhu cầu thép sẽ tập trung nhiều vào hợp kim hoặc thép chất lượng cao.
Tại thị trường Trung Quốc, kể từ giữa tháng 2, lượng tiêu thụ thép xây dựng đã dần phục hồi, không khí thị trường và việc khởi công xây dựng cơ sở hạ tầng dần trở lại bình thường. Do đó, cả cung và cầu dự kiến sẽ tăng trong tháng 4, cộng với chi phí sản xuất của các nhà máy thép cao hơn, những yếu tố này có thể hỗ trợ giá hiện tại.
Nhìn chung, chính phủ Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy các chính sách tăng giá và tình hình dòng vốn thị trường cũng đã được cải thiện.