Thị trường tiền tệ tháng 11: Áp lực thanh khoản "dịu" dần

30-11-2022 11:13|Chan Chann

Áp lực thanh khoản dịu bớt trong tháng 11/2022 trong khi đó, cuộc đua lãi suất ngày càng nóng về cuối năm.

Tăng trưởng cung tiền năm 2022 chưa bằng một nửa tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2013 - 2021.

Theo báo cáo cập nhật tại Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tăng trưởng huy động và cung tiền thấp nhất trong vòng nhiều năm.

Cụ thể, tăng trưởng huy động tính đến cuối tháng 9/2022 ước đạt 8,3% so với cùng kỳ. Trong đó, huy động vốn từ các tổ chức kinh tế tăng trưởng 10%, so với mức bình quân 17,9% giai đoạn 2013-2021. Huy động vốn từ dân cư chỉ tăng 6,5% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng trung bình 13,3% trong giai đoạn 2013-2021.

Xét về xu hướng, tăng trưởng huy động vốn từ doanh nghiệp liên tục suy giảm từ đầu năm đến nay, huy động vốn từ dân cư cải thiện trong nửa đầu năm nhưng không thay đổi nhiều trong quý 3.

Tốc độ tăng cung tiền liên tục suy giảm, chỉ tăng 3,2% so với đầu năm và tăng 7,4% so với cùng kỳ, chưa bằng ½ tốc độ tăng trưởng bình quân cung tiền của giai đoạn 2013-2021.

Với đợt cấp room tín dụng đầu tháng 9, quy mô tín dụng trong tháng 9 đã tăng 112.006 tỷ đồng so với tháng 8. So với đầu năm, tăng trưởng tín dụng cải thiện từ mức 10% vào cuối tháng 8 lên 11% vào cuối tháng 9.

Tính đến cuối tháng 9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 16,9%, cao hơn mục tiêu 14% của NHNN. Xét theo ngành nghề, tăng trưởng tín dụng tăng cao nhất ở nhóm khác, tăng 22% so với cùng kỳ, tiếp đến là tín dụng phục vụ cho lĩnh vực thương mại với mức tăng 19,3% so với cùng kỳ.

Các lĩnh vực còn lại đều có tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng chung, tăng trưởng tín dụng ghi nhận thấp ở lĩnh vực vận tải (+7,2% so với cùng kỳ), lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và thương mại lần lượt là 9,6%, 11,6% và 19,3% so với cùng kỳ.

Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 8/2022, tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng gần 15,7% so với cuối năm 2021.

Trong đó, tín dụng lĩnh vực bất động sản cho vay tự sử dụng tăng 20,1% so với cuối năm 2021, tín dụng kinh doanh bất động sản có xu hướng giảm trong quý 3, chỉ tăng 7,35% so với đầu năm.

Quy mô vốn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản tính đến cuối tháng 8/2022 ước đạt 20,9% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 1 điểm % so với cuối năm 2021.

Áp lực thanh khoản dịu bớt trong tháng 11/2022

Theo các chuyên gia tại VDSC, từ đầu tháng 11 đến 25/11, NHNN đã bơm ròng qua thị trường mở khoảng 23.288 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể lượng bơm ròng 50.381 tỷ đồng trong tháng 10/2022.

Lượng tiền bơm ròng bình quân mỗi phiên qua nghiệp vụ mua kỳ hạn đạt khoảng 5.654 tỷ đồng, thấp hơn mức bình quân khoảng 6.000 tỷ đồng/phiên trong tháng trước.

Nghiệp vụ phát hành tín phiếu NHNN được sử dụng với tần suất nhiều hơn trong giai đoạn 15/11-18/11.

Điểm khác biệt nhất trong điều hành trên thị trường mở của NHNN trong tháng vừa qua là kỳ hạn bơm/hút vốn kéo dài hơn, chủ yếu là kỳ hạn 14 ngày đối với nghiệp vụ mua kỳ hạn, và kỳ hạn lên đến 28 ngày đối với nghiệp vụ phát hành tín phiếu.

Tính đến ngày 25/11, số dư nghiệp vụ mua kỳ hạn và tín phiếu lần lượt là 72.971 tỷ đồng và 40.000 tỷ đồng, thấp hơn 16% và 48% so với cuối tháng 10.

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có nhịp giảm vào giữa tháng, cùng thời điểm NHNN phát hành tín phiếu trở lại để hút tiền, tuy nhiên đã tăng lại ngay sau đó.

Lãi suất cho vay qua đêm bình quân tháng 11 không thay đổi nhiều so với tháng 10, đáng lưu ý hơn, lãi suất cho vay các kỳ hạn dài từ 1-6 tháng đều tăng cao so với tháng trước, điều này cũng lý giải cho việc NHNN điều tiết thanh khoản hệ thống ở các kỳ hạn dài hơn.

Nhìn chung, nhu cầu thanh khoản của hệ thống vẫn ở mức cao nếu xét thêm số lượng thành viên tham gia các phiên đấu thầu ở kênh mua kỳ hạn.

NHNN vẫn tiếp tục hỗ trợ thanh khoản nhưng với cường độ giảm bớt so với tháng trước, điều này cho thấy áp lực thanh khoản phần nào giảm bớt nhưng sẽ còn kéo dài.

Cuộc đua lãi suất ngày càng nóng về cuối năm

Mặc dù tình hình thanh khoản có dịu lại xét chung toàn hệ thống, tuy nhiên cuộc đua tăng lãi suất huy động trở nên nóng hơn trong tháng qua. Điều này được kích hoạt bởi việc đổ vỡ niềm tin khiến nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp rút tiền hàng loạt.

Theo đó, các NHTMCP tư nhân, đặc biệt là những ngân hàng có tham gia nhiều vào việc bảo lãnh phát hành trái phiếu đã điều chỉnh tăng lãi suất rất mạnh trong tháng qua.

Ví dụ, theo VDSC, TCB đã nâng lãi suất thêm 0,5-1,5 điểm % tất cả các kỳ hạn gửi tiền trong tháng 10 và tháng 11, mức tăng mạnh nhất là ở kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng.

Mức lãi suất huy động trên 10%/năm đã xuất hiện ở một số ngân hàng top dưới như NCB và SaigonBank.

Trong khi đó, các NHTMCP Nhà nước ít chịu áp lực huy động hơn và chỉ ghi nhận một lần tăng lãi suất trong tháng 10 sau quyết định nâng lãi suất điều hành của NHNN.

Nhu cầu vốn đáp ứng hoạt động kinh doanh và thanh toán thời điểm cuối năm kết hợp với áp lực từ việc rút vốn khỏi kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sẽ khiến cho vòng xoáy tăng lãi suất huy động tiếp diễn, kéo theo lãi suất cho vay tăng vượt qua mức trước đại dịch dù nền kinh tế chỉ mới vừa phục hồi sau Covid-19.

Mức lãi suất cho vay thả nổi đối với khoản vay tiêu dùng (mua nhà, mua xe) hiện lên đến 15-16%/năm, lãi suất cho vay khách hàng doanh nghiệp phổ biến cũng đang là 11-12%, đặt trong bối cảnh nguồn cung tín dụng hạn hẹp.

Mặc dù lãi suất huy động tăng rất nhanh trong hai tháng gần đây, tuy nhiên, huy động vốn trong trong nền kinh tế vẫn tăng rất chậm. Tính đến cuối tháng 10/2022, huy động vốn ước tăng 4,8% so với đầu năm, cao hơn mức tăng 4,3% cuối tháng 9/2022.

Xét về số tuyệt đối, huy động vốn tháng 10 chỉ tăng thêm 50.383 tỷ đồng so với mức tăng 95.210 tỷ đồng của tháng trước. Một số nguyên nhân khiến huy động vốn tăng chậm gồm sức khoẻ doanh nghiệp suy giảm, sự chững lại của kênh bất động sản và tiết kiệm của người dân bị ảnh hưởng bởi giá cả tiêu dùng gia tăng.

Mặc dù Chính phủ mới đây đã chỉ đạo nới thêm dư địa tín dụng cho nền kinh tế, tuy nhiên, một số vấn đề mang tính cấu trúc khiến cho việc cho vay có thể không được như kỳ vọng, gồm: chủ trương hạn chế cho vay lĩnh vực rủi ro như BĐS hay đáo hạn TPDN đến hạn, rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu khiến doanh nghiệp hạn chế đầu tư mà tập trung vào phòng thủ; và nguồn vốn huy động đang bị xói mòn bởi tăng trưởng kinh tế giảm sút.

Luật Điện lực sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2/2025, CTCK chỉ ra 3 doanh nghiệp hưởng lợi lớn

Doanh nghiệp thủy sản nào hưởng lợi lớn nhất nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu 60-100% lên Trung Quốc?

Bài thuộc chủ đề Ngân hàng
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thi-truong-tien-te-thang-11-ap-luc-thanh-khoan-diu-dan-160409.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thị trường tiền tệ tháng 11: Áp lực thanh khoản "dịu" dần
    POWERED BY ONECMS & INTECH