Doanh số thị trường tiêu dùng không ngừng tăng trưởng từ tháng 10 tới nay, ngành bán lẻ là một trong những điển hình cho thấy sự phục hồi đỉnh cao.
Ngành bán lẻ là một trong những điển hình cho thấy sự hồi phục nhanh sau đỉnh dịch lần thứ tư bùng phát trong cộng đồng tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam. Từ tháng 10 tới nay, doanh số thị trường tiêu dùng không ngừng tăng trưởng.
Tiêu dùng từng bước hồi phục
Các kênh bán hàng truyền thống gần như tê liệt trong khoảng thời gian TP. HCM và nhiều tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 16 tăng cường.
Tuy nhiên, tính từ đầu tháng 10 trở lại đây sau khi TP. HCM và nhiều địa phương phía Nam từng bước mở cửa lại kinh tế, khôi phục các hoạt động sản xuất, thương mại và dịch vụ, thị trường tiêu dùng đã hồi phục nhanh và gia tăng mạnh.
Trong một tọa đàm về cung ứng hàng hóa Tết tại TP. HCM được tổ chức mới đây, ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM cho biết, doanh thu về bán buôn và bán lẻ tại TP. HCM đã không ngừng tăng trưởng trong 3 tháng vừa qua (10 - 12/2021). Cụ thể, tháng 10 đạt 43.000 tỉ đồng; tháng 11 tăng lên 55.000 tỉ đồng; tháng 12 tăng tiếp lên 66.000 tỉ đồng .
Nhìn chung, mức tăng đều 2 con số. Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM nhận định rằng đó là tín hiệu tích cực.
Mở rộng sản xuất và mạng lưới phân phối
Thị trường chính là thước đo về sự hồi phục của nền kinh tế một cách rõ nét nhất. Đặc biệt đối với các chuỗi phân phối và bán lẻ lớn hiện diện trên địa bàn TP. HCM, từ đầu tháng 10 trở lại đây chính là dịp để hồi phục và tăng tốc.
Trường hợp Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, trong quý III/2021 vì giãn cách nên đình đốn các cửa hàng bán lẻ trực tiếp dẫn đến ghi nhận khoảng lỗ tới 159 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm 2020 lãi sau thuế 202 tỉ đồng. Thế nhưng từ tháng 10.2021, PNJ từng bước tăng trưởng lại doanh thu với mức từ 12 - 15% so với cùng kỳ năm trước.
Ngay sau khi được hoạt động trở lại sau cao điểm dịch, chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động đạt doanh thu/tháng cao nhất từ trước tới nay với hơn 12.000 tỉ đồng vào tháng 10.2021. Trong tháng 1.2022, doanh nghiệp bán lẻ này đang có kế hoạch mở thêm 5 mảng bán lẻ mới là xe đạp, thể thao, thời trang, mẹ và bé, trang sức.
Dù trong dịch, nhưng chuỗi bán lẻ thuốc tây FPT Long Châu thuộc FPT Retail cũng đã kịp tăng tốc cán mức 400 cửa hàng trên khắp cả nước, ký kết hợp tác với hãng dược AstraZeneca tại Việt Nam.
Trong khi đó, nhà phân phối hàng công nghệ Digiworld vừa xúc tiến ký kết mở rộng phân phối hàng điện tử gia dụng với nhà sản xuất Whirlpool đến từ Mỹ để khai thác một thị trường có dung lượng lên tới 2,4 tỉ USD tại Việt Nam.
Bà Phạm Thị Huân – Chủ tịch HĐQT công ty chuyên sản xuất trứng gia cầm Ba Huân - cho biết, doanh nghiệp này vừa hoàn tất lắp đặt dây chuyền đầu tư mới để kịp đưa vào sản xuất và phục vụ thị trường dịp Tết này và từ năm 2022.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, các doanh nghiệp đã và đang vào cuộc rất quyết tâm, tận dụng cơ hội mua sắm cuối năm và mùa Tết để đưa lượng hàng hóa lớn ra thị trường.
Trên thực tế, với việc mở rộng lĩnh vực hoạt động, một số chuỗi bán lẻ dần trở thành kinh doanh đa ngành chứ không còn chỉ thuần chuyên sâu ở một ngành hàng hay lĩnh vực nào đó.
Lạm phát Mỹ tiếp tục tăng nhanh trước thềm cuộc họp chính sách của Fed
Gạo Hapro Đồng Tháp được vinh danh Top2 “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2024