Thế giới

Hàng loạt hộ gia đình thiếu nước sạch, chuyện gì đã xảy ra tại nền kinh tế lớn nhất thế giới?

Minh Lan 21/07/2025 - 13:22

Trên toàn cầu, khả năng tiếp cận nước sạch được xem là một thước đo cốt lõi của sự phát triển kinh tế và chất lượng sống. Tuy nhiên, ngay tại một số thành phố thịnh vượng nhất của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - tình trạng nhiều hộ gia đình không có nước máy đang gia tăng.

Thiếu nước sạch

Đây là một xu hướng đáng lo ngại, theo các nhà nghiên cứu, đặc biệt khi Tổng thống Donald Trump đang thúc đẩy cắt giảm mạnh nguồn ngân sách Liên bang cho hệ thống cấp thoát nước.

Tiến sĩ Katie Meehan đã nhiều năm nghiên cứu hiện tượng mà bà gọi là “plumbing poverty” (tạm dịch: “nghèo đường ống”) tại Mỹ. Tình trạng này thường xuất phát từ việc các dịch vụ tiện ích bị ngắt do không thanh toán đúng hạn, hoặc do nhà ở xuống cấp nghiêm trọng mà chủ sở hữu không chịu sửa chữa, bảo trì.

Trong nhiều thập kỷ, thiếu nước máy là vấn đề gần như chỉ xảy ra tại các vùng nông thôn nước Mỹ. Nhưng theo nghiên cứu của Meehan công bố cuối năm 2023 trên tạp chí Nature Cities, bắt đầu từ những năm 1990, hiện tượng này đã lan rộng tới các thành phố.

Lãi suất thấp và sự bùng nổ của cho vay dưới chuẩn khiến giá nhà và tiền thuê nhà tăng mạnh, thu hẹp nguồn cung nhà ở giá rẻ. Nhiều người Mỹ thu nhập thấp – đặc biệt là người da màu – buộc phải sống trong các khu nhà tồi tàn, không đảm bảo tiêu chuẩn cơ bản, trong khi không ít hộ khác bị tụt lại phía sau vì không trả nổi hóa đơn.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, quá trình “đô thị hóa tình trạng nghèo đường ống” diễn ra nhanh chóng. Đến nay, 72% số hộ không có nước máy tại Mỹ sống ở các khu vực đô thị, gấp đôi so với tỷ lệ hồi đầu thập niên 1970.

Từ năm 2017 đến 2021 – mốc dữ liệu điều tra dân số gần nhất – hiện tượng này tăng mạnh tại nhiều đô thị giàu có, trong đó có Houston, Phoenix và Portland (bang Oregon). Portland nổi bật như một trường hợp điển hình: Dù có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng và được biết đến như một trung tâm của chính sách xã hội cấp tiến, thành phố này lại ghi nhận mức tăng cao nhất cả nước về tỷ lệ hộ không có nước máy.

screenshot-2025-07-21-102242.png
Các hộ gia đình tại Mỹ không có nước máy sử dụng

Số hộ thiếu nước máy tại Portland đã tăng 56% trong giai đoạn 2000–2021. Giá nhà leo thang, tiền lương trì trệ và khan hiếm nhà ở giá rẻ đang đẩy ngày càng nhiều người dân vào tình trạng mà việc có vòi nước chảy trong nhà trở thành…điều xa xỉ.

Dù tổng số hộ không có nước máy tại Mỹ đã giảm kể từ những năm 1970, phần lớn sự cải thiện lại chỉ đến với người da trắng. Hiện nay, trong số 15 thành phố lớn nhất nước Mỹ, 12 thành phố có tỷ lệ người da màu chiếm đa số trong nhóm không có nước máy.

Cùng lúc đó, đầu tư công vào hạ tầng cấp nước tại Mỹ đã sụt giảm nghiêm trọng trong 50 năm qua – từ mức chiếm 63% tổng chi đầu tư vào năm 1977 xuống còn vỏn vẹn 9% vào năm 2017. Trong đề xuất ngân sách năm 2026, ông Trump đề nghị cắt gần 90% ngân sách cấp cho hai quỹ chính hỗ trợ hệ thống nước và thoát nước – vốn là nguồn lực then chốt giúp bảo đảm nước sạch và hệ thống hạ tầng tại cấp địa phương.

Theo Giáo sư Meehan, nhà ở giá phải chăng có thể là yếu tố không thể thiếu để đảm bảo người dân được tiếp cận nguồn nước sạch ổn định. Tuy nhiên, không chỉ riêng chi phí mới là vấn đề. Giáo sư Stephen Gasteyer, chuyên gia xã hội học tại Đại học bang Michigan – người cũng nghiên cứu về “nghèo đường ống” – nhấn mạnh rằng: “Chúng ta cần dữ liệu tốt hơn để giải quyết tận gốc vấn đề này. Đây là một lĩnh vực mà chúng ta không nên và không được phép thụt lùi”.

Người dân thắt chặt chi tiêu

Nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề "đáng báo động". Trước hết, tăng trưởng kinh tế hậu đại dịch của Mỹ từng được thúc đẩy mạnh mẽ bởi tiêu dùng, nhưng chi tiêu tiêu dùng thực tế hàng tháng đã giảm từ tháng 12/2024.

Ban đầu, người có thu nhập thấp bị ảnh hưởng mạnh bởi lãi suất cao và chi phí tăng do thuế quan. Trong khi đó, nhóm giàu nhất – 20% hộ gia đình có thu nhập trên 250.000 USD/năm – đã gánh phần lớn tổng chi tiêu cá nhân (hơn 60%).

Tuy nhiên, theo Zandi, hiện nay ngay cả những hộ khá giả cũng bắt đầu chi tiêu thận trọng hơn. Nếu xu hướng này lan rộng, tổng cầu tiêu dùng có thể sụt giảm nhanh hơn. Dữ liệu từ Pantheon Macroeconomics cho thấy các hộ gia đình ở mọi mức thu nhập gần như đã tiêu hết khoản tiết kiệm dư thừa tích lũy từ thời đại dịch, vốn là động lực chi tiêu chính trong những năm qua.

Luật chi tiêu mới của ông Trump khó tạo cú hích tiêu dùng rõ rệt. Mô hình dự báo của Penn Wharton cho thấy luật này sẽ làm giảm thu nhập ròng của hai nhóm thu nhập thấp nhất từ nay đến 2030, trong khi người giàu chỉ được hưởng lợi gián tiếp từ lợi nhuận doanh nghiệp, và thường có xu hướng tiết kiệm thay vì chi tiêu.

Chưa hết, chỉ số S&P 500 đang mất dần tính phản ánh thực tế kinh tế Mỹ. Theo Jonas Goltermann, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics, nhóm cổ phiếu công nghệ – đặc biệt là “Magnificent Seven” – đang chiếm tỷ trọng lớn vượt xa đóng góp thực tế vào GDP quốc gia.

screenshot-2025-07-21-102338.png
Biểu đồ trái: Khoảng cách giữa giá cổ phiếu và nền kinh tế thực của Mỹ đang ngày càng nới rộng (S&P 500 (xanh đậm); M2 money supply – Cung tiền M2 (xanh lam nhạt); Nominal GDP – GDP danh nghĩa (xanh nhạt); Corporate profits before tax – Lợi nhuận doanh nghiệp trước thuế (hồng đậm); S&P 500 earnings per share – Thu nhập trên mỗi cổ phiếu của S&P 500 (hồng nhạt); Average of economic indicators – Trung bình các chỉ báo kinh tế (xanh lá)).
Biểu đồ phải: Ngoài nhóm 10 cổ phiếu lớn nhất, ước tính lợi nhuận của S&P 500 gần như đi ngang) (S&P 500 ex top 10 – S&P 500 không tính 10 cổ phiếu hàng đầu (màu đỏ tím); Top 10 – Nhóm 10 cổ phiếu lớn nhất (màu đỏ tươi))

Trong khi đó, chỉ số S&P 600 – đại diện cho các doanh nghiệp nhỏ phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế nội địa đã giảm kể từ khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ hai, trái ngược với đà tăng của S&P 500. Ngành công nghệ Mỹ hiện cũng ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan, nhưng ở các lĩnh vực khác, hơn 40% doanh nghiệp sử dụng hàng nhập khẩu đã ghi nhận sụt giảm thu nhập, theo khảo sát của Cục Dự trữ Liên bang New York.

Chính sách tài khóa và tiền tệ hiện tại khó có thể hỗ trợ nhiều. Cục Dự trữ Liên bang Fed vẫn thận trọng chưa cắt giảm lãi suất. Một số tin đồn về việc Tổng thống Trump có thể sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell đã khiến lãi suất dài hạn tăng, đe dọa giá trị vốn hóa đang bị định giá quá cao trên thị trường chứng khoán.

Luật chi tiêu mới của ông Trump cũng khó mang lại cú huých đủ lớn cho nền kinh tế. Nếu ông Trump không sớm rút khỏi chiến lược bảo hộ thương mại cực đoan, rất khó để tránh được một kịch bản sụp đổ theo hiệu ứng domino của toàn bộ nền kinh tế Mỹ.

>> Nền kinh tế lớn nhất thế giới 'lung lay': Người dân chật vật vì thu nhập thấp, nhiều hộ gia đình không đạt mức sống cơ bản

Anh chính thức vận hành cơ sở pin lớn nhất châu Âu: Công suất 300MW, cung cấp điện cho hơn 3 triệu hộ gia đình, giúp tiết kiệm tới 218 triệu USD

Siêu dự án đập thủy điện cao 168m cung cấp năng lượng cho hàng triệu hộ gia đình: Huy động 11.000 nhân công, chi phí lên tới 137.000 tỷ đồng

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/hang-loat-ho-gia-dinh-thieu-nuoc-sach-chuyen-gi-da-xay-ra-tai-nen-kinh-te-lon-nhat-the-gioi-147224.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hàng loạt hộ gia đình thiếu nước sạch, chuyện gì đã xảy ra tại nền kinh tế lớn nhất thế giới?
    POWERED BY ONECMS & INTECH