Doanh nghiệp

Thị trường xăng dầu cần chặn đứng nạn sân sau, 'tay không bắt giặc'

Lương Bằng 28/09/2023 - 06:19

Doanh nghiệp đầu mối không cần nhiều nhưng cần có tiềm lực tài chính, hạn chế thấp nhất quy định về tài sản đi thuê nhằm tránh hợp thức hóa điều kiện, để lọt những doanh nghiệp yếu kém nhưng lại đảm nhận việc hệ trọng về an ninh năng lượng quốc gia.

LTS: Nợ thuế, trốn thuế, buôn lậu, chiếm dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu... là những góc tối tại không ít doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Việc để lọt những doanh nghiệp có năng lực kinh doanh yếu kém này được cho là có nguyên nhân lớn từ khâu cấp phép.
Tuyến bài Góc khuất của các 'đại gia' xăng dầu do VietNamNet thực hiện mong muốn góp thêm tiếng nói nhằm lành mạnh hóa, sàng lọc thị trường xăng dầu, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sự phát triển của những doanh nghiệp xăng dầu chân chính, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Liên quan đến sức khỏe tài chính của DN đầu mối xăng dầu, tình trạng nợ thuế lớn, tài sản chủ yếu đi thuê để hợp thức hoá điều kiện, PV. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với TS. Giang Chấn Tây - một "người trong cuộc".

Ông Giang Chấn Tây là Tiến sĩ Khoa học Quản lý kinh tế, đồng thời cũng là giám đốc một công ty về kinh doanh bán lẻ xăng dầu. Trong thời gian thị trường xăng dầu bị gián đoạn về nguồn cung, ông đã tham dự nhiều cuộc họp của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam và có các tham luận đáng chú ý.

Chính sách điều hành bất cập dẫn đến DN nợ thuế khủng

- Nắm giữ một phần trọng trách đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nhưng nhiều DN đầu mối xăng dầu lại đang nợ thuế khủng, tài sản doanh nghiệp chủ yếu đi thuê... Ông có bình luận gì về những trường hợp DN đầu mối như vậy?

TS Giang Chấn Tây: Nguồn thuế xăng dầu hình thành dựa trên kết cấu giá cơ sở, trong đó gồm các loại thuế sau: thuế nhập khẩu (9,78% đối với xăng, 0,72% đối với dầu); thuế bảo vệ môi trường (2.000 đồng/lít với xăng, 1.000 đồng/lít với dầu); thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng, 0% với dầu); thuế giá trị gia tăng (10% với xăng dầu).

Theo quy định hiện hành, để được lưu thông trên thị trường, mỗi lít xăng dầu phải đảm bảo nộp ngân sách nhà nước tương ứng tỷ lệ trên.

Trường hợp doanh nghiệp đầu mối nợ ngân sách khủng, chúng ta cần xem xét họ đang nợ loại thuế nào? Một, hai hay tất cả loại thuế đó.

TS Giang Chấn Tây có bằng cố vấn doanh nghiệp do Mỹ cấp. Ông đang dạy cho các vườn ươm DN và các trường đại học.

Cơ quan quản lý nhà nước phải rà soát, thanh kiểm tra để biết rõ nguyên nhân chính dẫn đến việc doanh nghiệp nợ thuế, từ đó có biện pháp xử lý và ngăn chặn việc doanh nghiệp lạm dụng khoản thuế phải nộp.

Chung quy, vấn đề cốt lõi vẫn là nguồn tài chính và chính sách tài chính cho ngành xăng dầu còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp đói vốn, gặp khó trong việc tiếp cận. Để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp có xu hướng giữ lại khoản thuế phải nộp ngân sách một thời gian để tạm chiếm dụng, bổ sung nguồn vốn và giải quyết các vấn đề liên quan.

Những tưởng việc làm đó sẽ giúp họ tận dụng được nguồn tài chính để trang trải, thế nhưng, biến động thị trường và cách tính giá cơ sở xăng dầu cũng như các chi phí phát sinh liên quan không được cơ quan chức năng tính đủ, tính đúng hoặc không cập nhật kịp thời khiến doanh nghiệp bị thua lỗ kéo dài. Họ mất cân đối về thu chi, về dòng tiền.

Còn nếu kinh doanh hiệu quả đều đặn, tài chính mạnh mẽ, nguồn tiền dồi dào thì chắc cũng không doanh nghiệp nào muốn chiếm dụng thuế của nhà nước để phải mang tai tiếng và bị phạt, thậm chí là bị truy tố.

Khả năng thứ hai là có thể sai lầm trong quyết sách đầu tư. Họ có thể đầu tư ngoài ngành không hiệu quả nên không thể (chưa thể) có đủ nguồn tiền nộp khoản thuế trên. Khả năng này ít xảy ra và ảnh hưởng cũng không nhiều.

Theo tôi, chính sách điều hành của ngành xăng dầu đang bất cập và không phù hợp mới là nguyên nhân chính khiến hầu hết doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, hệ quả là đi chiếm dụng tiền thuế và Quỹ bình ổn giá.

Một số trường hợp phát sinh nợ thuế lớn là do nợ kéo dài, không có khả năng chi trả nên nợ thuế ngày càng phình to, doanh nghiệp không đủ tiềm lực tài chính sẽ sụp đổ, không thể hoàn trả.

- Hệ lụy của tình trạng này là gì, thưa ông?

Điều này cực kỳ nguy hiểm vì hệ lụy là doanh nghiệp mất khả năng chi trả, kệ mọi chuyện tới đâu thì tới. Đây là hậu quả khó lường. Tôi nghĩ các nhà quản lý về tài chính, thuế cần đôn đốc và có biện pháp thu thuế, ngăn chặn kịp thời việc nợ thuế và hạn chế nợ thuế tồn đọng, báo cáo lên cấp trên cùng tìm nguyên nhân để khắc phục kịp thời.

Ngoài thuế, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đặt tại doanh nghiệp cũng là bất cập dễ khiến doanh nghiệp sai phạm, chiếm dụng từ đó kéo theo các hệ lụy khác.

Để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm lớn nhất thuộc về quản lý nhà nước. Tại sao để lượng xăng dầu chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế lưu thông được trên thị trường? Doanh nghiệp đầu mối đã lợi dụng kẽ hở nào của các quy định về thuế, để nợ thuế kéo dài nay mới phanh phui? Ngoài doanh nghiệp đầu mối, liệu có ai đã tiếp tay và hưởng lợi từ sự dung túng?

Công ty Hải Hà nợ thuế lên đến hơn 1.700 tỷ đồng.

- Việc những doanh nghiệp đầu mối đảm nhận cung ứng xăng dầu cho nền kinh tế nhưng lại có năng lực tài chính yếu kém có phải là một trong những nguyên nhân gây ra bất ổn về nguồn cung xăng dầu?

Doanh nghiệp đầu mối không thực hiện được nhiệm vụ đảm nhận cung ứng xăng dầu cho nền kinh tế có những nguyên do sau đây:

Một là, việc nhập khẩu xăng dầu thường mang lại lợi nhuận không tốt do: thời gian nhập khẩu, thông quan, giá cả thị trường - nhất là định giá bán lẻ - không có lợi cho doanh nghiệp, dẫn đến kinh doanh không hiệu quả, làm doanh nghiệp suy kiệt về tài chính và nền năng lượng quốc gia bị xuống cấp.

Hai là, việc doanh nghiệp đầu mối mua đi bán lại nguồn xăng dầu được các DN đầu mối nhà nước nhập về lưu thông trong nước thường giúp họ kiếm được lợi nhuận tốt hơn.

Ba là, có thể bắt tay làm "sân sau" cho các doanh nghiệp đầu mối nhà nước hoặc doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu khác chuyển giá, tiêu thụ nguồn xăng dầu đã qua xử lý kĩ thuật.

Từ những lý do trên, có những doanh nghiệp đầu mối được lập ra, mà thực tế không cần năng lực tài chính gì, để thực hiện các hành vi thương mại hợp thức hóa hoặc làm "sân sau" cho doanh nghiệp đầu mối khác.

Chính lượng lớn doanh nghiệp đầu mối này khiến nguồn xăng dầu không được gia tăng mà chỉ lưu thông lòng vòng trên thị trường và chiếm đoạt luôn phần lợi nhuận định mức và chi phí kinh doanh - vốn thuộc về khối doanh nghiệp bán lẻ.

Vượt ải cấp phép: Giống hình thức gian lận trong thi cử

- Theo ông, tại sao lại có chuyện để “lọt” những doanh nghiệp yếu kém như vậy trở thành các DN đầu mối?

Rõ ràng, điều kiện cấp phép theo Nghị định 83 hay Nghị định 95 chỉ là hình thức nếu doanh nghiệp bằng cách nào đó chưa phù hợp để có được chứng nhận. Điều đó gần giống một hình thức gian lận trong thi cử. Khi doanh nghiệp đã vượt qua và "có bằng" thì sẽ hình thành tư tưởng chẳng ai "thu bằng" của mình cả.

Cơ quan quản lý cần xem xét kỹ vấn đề cấp phép này để không xảy ra những hệ lụy như báo VietNamNet đã phản ánh trong những bài viết vừa qua. Nhìn chung, việc quản lý phải có tiêu chí và cần kiểm tra, kiểm soát để duy trì các tiêu chí một cách thường xuyên, liên tục. Vừa qua, việc làm này chưa được quan tâm đúng mức.

- Phải chăng, Bộ Công Thương cần phải có sự sàng lọc kỹ hơn khi cấp phép cho các DN đầu mối xăng dầu?

Quan trọng nhất là doanh nghiệp đầu mối không cần nhiều mà cần doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh, đáp ứng đầy đủ các điều kiện cấp phép thì được ưu tiên và rộng đường hoạt động. Hạn chế đến mức thấp nhất quy định về tài sản đi thuê. Cần quy định và thẩm định tỷ lệ % tài sản đi thuê một cách nghiêm ngặt!

Theo tôi, tài sản đi thuê cần không vượt quá 30% tài sản của doanh nghiệp hiện có. Chính việc lạm dụng tài sản đi thuê và quá dễ dãi trong việc nhìn nhận tài sản đi thuê nhằm hợp thức hóa các thủ tục đã để lọt những doanh nghiệp quá yếu kém nhưng lại đảm nhận việc hệ trọng trong hệ thống năng lượng của quốc gia - nguyên nhân xảy ra nhiều vấn đề nhức nhối hiện nay.

- Để có những DN đầu mối kinh doanh xăng dầu đủ tiềm lực tài chính, thực sự đảm đương được việc cung ứng xăng dầu, theo ông, cơ quan quản lý cần phải có giải pháp gì?

Cần quy định nghiêm ngặt các tiêu chí về tài chính, về tài sản hiện có thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp xin cấp phép. Nếu không đủ khả năng thì họ có thể hợp tác với các thương nhân phân phối mạnh, có tiềm lực tài chính tốt thành một thương nhân đầu mối là điều rất tốt.

Nhiều thương nhân đầu mối có tiềm lực tài chính liên danh thành một siêu đầu mối là điều cực kì tốt. Thị trường xăng dầu sẽ vững mạnh và phát triển.

Nên quy định giống như sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq của Mỹ khi bắt buộc vốn hóa của một công ty phải từ 500 triệu USD mới được giao dịch trên sàn; Nasdaq cũng liên tục kiểm tra, cảnh báo trên hệ thống quản lý tài chính. Vốn hóa là giá trị của doanh nghiệp được thị trường định giá bán ra tại thời điểm đó chứ không phải do doanh nghiệp tự định giá.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!


Ngân hàng nào thu nợ doanh nghiệp thu luôn 270 tỷ Quỹ bình ổn xăng dầu của dân?

Lép vế trước ông lớn xăng dầu, doanh nghiệp bán lẻ ám ảnh làm thuê 0 đồng

Trăm tỷ Quỹ bình ổn xăng dầu bị chiếm dụng: Phớt lờ cảnh báo, nguy cơ mất trắng

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/thi-truong-xang-dau-can-chan-dung-nan-san-sau-tay-khong-bat-giac-2192742.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Thị trường xăng dầu cần chặn đứng nạn sân sau, 'tay không bắt giặc'
POWERED BY ONECMS & INTECH