Hiện nay, các tuyến đường trên địa bàn tỉnh Long An có chất lượng xấu và rất xấu chiếm tỷ lệ cao.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, hiện tỷ lệ đường xấu và rất xấu trên địa bàn tỉnh Long An còn khá cao với 47,13%. Bên cạnh tốc độ đô thị hóa nhanh, lưu lượng phương tiện tăng cao gây hư hỏng kết cấu đường, một phần nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ đường xấu và rất xấu còn nhiều như hiện nay do nguồn vốn để bố trí duy tu, sửa chữa hiện nay chưa bảo đảm.
Đường xấu và rất xấu chiếm tỷ lệ cao
Trong tổng số 61 tuyến đường tỉnh do Sở Giao thông Vận tải quản lý hiện nay, chỉ có 15,46% đường có tiêu chuẩn kỹ thuật cấp I, II và III, còn lại 84,54% đường có tiêu chuẩn kỹ thuật cấp thấp, chiều rộng mặt đường theo đúng cấp kỹ thuật trên địa bàn tỉnh cũng còn thấp. Qua đánh giá của Sở, chất lượng mặt đường hiện nay không cao. Trong đó, đường tốt chỉ chiếm 17,33%, đường chất lượng trung bình chiếm 35,54%, còn lại là đường xấu và rất xấu.
Sở dĩ hiện nay, tỷ lệ đường xấu và rất xấu cao do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong tổng số gần 1.040km đường giao thông do Sở quản lý, năm 2022, có gần 488km đường quá thời hạn sửa chữa lớn 8 năm và 368km quá hạn sửa chữa vừa 4 năm nhưng chưa được đầu tư sửa chữa; đồng thời, còn 32 cầu yếu và 146km đường cấp phối có chất lượng xấu và rất xấu cần được đầu tư nâng cấp, cải tạo.
Ngoài ra, tuyến đường tuần tra biên giới và tuyến đường Khánh Hưng - Hưng Điền A, mặt đường rộng 3,5m trước đây do các huyện quản lý từ năm 2014 nhưng chưa được bố trí kinh phí duy tu nên ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm an toàn giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Bên cạnh đó, hiện nay, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng cao, tốc độ đô thị hóa nhanh, đặc biệt tại các huyện trọng điểm của tỉnh như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành và TP.Tân An, người dân san lấp nền, xây nhà cao hơn mặt đường, hệ thống thoát nước chưa được đầu tư dẫn đến đọng nước trong mùa mưa làm hư hỏng kết cấu mặt đường.
Nguồn vốn duy tu chỉ đáp ứng được khoảng 50-60%
Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải, mặc dù hàng năm, Sở được bố trí nguồn vốn để thực hiện công tác duy tu, sửa chữa, tuy nhiên, việc duy tu, sửa chữa chỉ được thực hiện định kỳ khi công trình có sự cố, hư hỏng nặng gây bức xúc địa phương và cử tri kiến nghị. Hiện nay, việc bố trí kinh phí duy tu, sửa chữa cũng không đáp ứng được yêu cầu.
Theo đó, năm 2018, Sở được bố trí 72,44 tỷ đồng; năm 2019 bố trí 112 tỷ đồng; năm 2020 bố trí 90 tỷ đồng; năm 2021 bố trí 101 tỷ đồng; năm 2022 bố trí 155 tỷ đồng. Các hạn mức vốn được bố trí cho ngành Giao thông vào đầu năm và nguồn vốn dư chuyển sang từ năm trước; riêng năm 2023 được bố trí 108 tỷ đồng.
Theo ước tính của Sở Giao thông Vận tải, nguồn vốn này chỉ đáp ứng được khoảng 50-60% nhu cầu bảo trì tối thiểu. Trong khi đó, tổng số km đường và cầu do Sở quản lý có xu hướng tăng thêm. Trong đó, năm 2021, Sở tiếp nhận quản lý thêm 118km đường tuần tra biên giới; 18,7km đường cặp kênh Thầy Cai và 13,6km đường Khánh Hưng - Hưng Điền A năm 2022.
Ngoài ra, trong tổng số nguồn vốn duy tu hiện nay, Sở còn phải san sẻ nguồn vốn hỗ trợ các huyện đầu tư, sửa chữa các tuyến đường cấp huyện quản lý để bảo đảm an toàn giao thông.
Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu sửa chữa các tuyến đường phục vụ việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, Sở kiến nghị tỉnh xem xét nâng hạn mức phân bổ kế hoạch vốn sự nghiệp giao thông hàng năm lên mức 170 tỷ đồng/năm từ các nguồn vốn dư, vốn vượt thu hoặc các nguồn vốn khác để kịp thời sửa chữa các hư hỏng cầu, đường, bảo đảm an toàn giao thông.
Danh tính ông lớn sắp 'ẵm' dự án hơn 10.600 tỷ đồng tại tỉnh Long An
Tháo dỡ khu sinh thái 'Không Thời Gian' xây dựng trái phép trên đất lúa