Thống đốc NHNN: Có thể thành lập sàn giao dịch vàng ở thời điểm phù hợp
Việc thành lập sàn vàng cũng có mặt tích cực là các giao dịch sẽ minh bạch; nhu cầu mua bán của người dân, doanh nghiệp, các chủ thể thuận lợi hơn.
Sáng 11/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn.
Về công tác quản lý thị trường vàng, đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) nêu vấn đề, hiện nay, trên thế giới có rất nhiều nước thị trường phát triển cho phép thành lập sàn giao dịch vàng, thu hút nguồn lực vàng và mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong nước. Đại biểu đề nghị Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết có kế hoạch đề xuất Chính phủ lập sàn giao dịch vàng hay không.
Trả lời chất vấn, lãnh đạo NHNN cho hay, một số nước đã thành lập sàn giao dịch vàng như Trung Quốc lập sàn vàng tại Thượng Hải, nhưng cũng có nước không làm vậy.
Việc thành lập sàn vàng cũng có mặt tích cực là các giao dịch sẽ minh bạch; nhu cầu mua bán của người dân, doanh nghiệp, các chủ thể thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để thành lập sàn vàng cũng cần đầu tư về cơ sở hạ tầng; hơn nữa Việt Nam không phải là nước sản xuất vàng. Do đó, khi giao dịch vàng giữa các chủ thể trên thị trường cũng phải nhập từ thị trường quốc tế.
Bà Hồng nhận định, để lập sàn giao dịch vàng, NHNN sẽ cùng với các bộ ngành nghiên cứu, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng để tham mưu, đề xuất Chính phủ ở thời điểm phù hợp và phù hợp với bối cảnh, điều kiện của Việt Nam.
Thống đốc NHNN trả lời chất vấn. Ảnh: Quốc hội |
Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đánh giá, việc bán vàng miếng của NHNN để bình ổn giá được người dân ủng hộ, nhưng ngân hàng chỉ bán mà không mua. "Nếu người dân muốn bán vàng để sử dụng tiền mặt thì bán ở đâu, ngân hàng không mua thì các cửa hàng vàng khác cũng không”, ông Hòa đặt câu hỏi.
Đồng thời, vị đại biểu này cũng đề nghị Thống đốc NHNN làm rõ vì sao chỉ Hà Nội và TP. HCM áp dụng chính sách này mà không thực hiện trên cả nước.
Về vấn đề không mua vàng, bà Hồng nêu rõ, từ năm 2014, NHNN không cung vàng miếng ra thị trường vì NHNN không sản xuất vàng miếng. Trong bối cảnh nhu cầu vàng gia tăng, NHNN cung vàng và chưa đặt vấn đề mua lại.
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại Nhà nước trong giai đoạn này chủ yếu thực hiện giải pháp tăng cung vàng. Hiện nay, hệ thống kinh doanh mua bán vàng miếng đã có 22 tổ chức tín dụng và có 16 doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng. Những đơn vị này vẫn được mua bán vàng bình thường. Nếu doanh nghiệp không mua vàng của cá nhân có thể vì cần cân đối tiền.
Về việc chỉ thực hiện chính sách ở Hà Nội và TP. HCM, bà Hồng cho hay, NHNN chỉ cấp phép với doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng chứ không có quy định bắt buộc là phải ở địa điểm nào. Bản thân doanh nghiệp tự xem xét, đánh giá trên nhu cầu ở các tỉnh, thành và mở các địa điểm giao dịch.
Vì vậy, thực tế nhu cầu chủ yếu ở Hà Nội, TP. HCM và các thành phố lớn, còn các tỉnh thành khác không có hiện tượng người dân xếp hàng mua vàng.
>> Đại biểu Quốc hội: giải pháp nào để bình ổn, quản lý thị trường vàng?