Thống đốc NHNN vừa có báo cáo giải trình ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội về Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Chiều 10/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi. Ít phút trước phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã có báo cáo tiếp thu, giải trình bước đầu ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội.
Theo đó, thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung thêm các hành vi cấm như nhờ người khác đứng tên sở hữu cổ phần để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần hoặc tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ nhằm chi phối, kiểm soát lại một TCTD; môi giới trái phiếu doanh nghiệp không đúng quy định pháp luật; lôi kéo, ép buộc khách hàng phải mua sản phẩm bảo hiểm trước khi được vay vốn; bán chéo sản phẩm bảo hiểm nhân thọ;...
Trả lời đại biểu, Thống đốc NHNN cho biết, về hành vi “nhờ người khác đứng tên sở hữu cổ phần để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần nhằm chi phối, kiểm soát lại một TCTD”, hiện nay, điểm c khoản 1 Điều 54 Luật các TCTD quy định nghĩa vụ của cổ đông phổ thông không được góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng dưới tên của cá nhân, pháp nhân khác dưới mọi hình thức, trừ trường hợp ủy thác theo quy định của pháp luật; cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ rà soát bổ sung quy định cấm hành vi nêu trên vào điều khoản phù hợp.
Về hành vi môi giới trái phiếu doanh nghiệp không đúng quy định, hiện nay theo quy định tại Dự thảo thì các TCTD không được thực hiện hoạt động môi giới trái phiếu.
Về hành vi lôi kéo, ép buộc khách hàng phải mua sản phẩm bảo hiểm trước khi được vay vốn; hành vi bán chéo sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, lãnh đạo NHNN trả lời, hiện nay pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã có quy định các nguyên tắc, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm, nhằm đảm bảo việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng.
Cụ thể, điểm đ khoản 2 Điều 17 Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm cũng có quy định xử phạt đối với hành vi ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Như vậy, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã có quy định xử lý đối với các hành vi ép buộc mua bảo hiểm. Khi TCTD ký kết dịch vụ đại lý bảo hiểm, cung cấp sản phẩm bảo hiểm phải đảm bảo tuân thủ cả pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 10 dự thảo Luật cũng quy định trách nhiệm của TCTD phải thông báo công khai quyền, nghĩa vụ của khách hàng đối với từng loại sản phẩm, dịch vụ đang cung ứng.
Thống đốc cho rằng, việc không thiết kế một điều quy định về các hành vi bị nghiêm cấm thay vì quy định rải rác trong các điều, khoản, như ý kiến của đại biểu, là do số lượng các quy định này tương đối nhiều và đang được quy định tại từng điều khoản cụ thể phù hợp với kết cấu, phạm vi điều chỉnh của các chương mục. Cách quy định này đảm bảo rõ ràng hơn trong quá trình thực hiện.
Do đó, dự thảo Luật không quy định hành vi bị cấm thành một điều riêng. Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp với Ủy ban kinh tế, Ủy ban pháp luật của Quốc hội để rà soát, nghiên cứu để hoàn thiện quy định này tại dự thảo Luật, đảm bảo rõ ràng, cụ thể.