Thủ đoạn tinh vi của tội phạm Trung Quốc: Dùng người Việt làm 'công cụ' lừa đảo đồng hương
Công an Quảng Bình triệt phá đường dây lừa đảo xuyên biên giới do tội phạm Trung Quốc cầm đầu, sử dụng người Việt để lừa đảo đồng bào mình.
Lực lượng Công an tỉnh Quảng Bình vừa triệt phá một đường dây lừa đảo quy mô lớn do nhóm tội phạm người Trung Quốc cầm đầu, hoạt động tại Campuchia. Đáng chú ý, tổ chức này sử dụng chính người Việt để lừa đảo đồng bào mình, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.
![]() |
Đinh Văn Quân tại cơ quan điều tra (áo xanh). Ảnh minh hoạ |
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 15 bị can với nhiều vai trò khác nhau về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Đây là một tổ chức tội phạm hoạt động tinh vi, có hệ thống và được điều hành bài bản tại khu vực PoiPet, Campuchia nơi nổi tiếng với các sòng bạc và nhiều hoạt động phi pháp.
>>iPhone 5S, iPhone 6 bất ngờ 'sốt giá' ở Hàn Quốc: Khi thế hệ trẻ theo đuổi sự hoài niệm
Nhóm tội phạm người Trung Quốc là những kẻ cầm đầu, trong khi các đối tượng người Việt bị lôi kéo vào hệ thống lừa đảo. Những người này trực tiếp liên lạc, dụ dỗ và chiếm đoạt tài sản của nạn nhân theo một kịch bản được dựng sẵn.
Một trong những nhân vật chủ chốt trong đường dây này là Đinh Văn Quân, sinh năm 1996, trú tại Thanh Hóa. Ban đầu, Quân sang Campuchia làm việc nhưng bị chuyển sang làm phụ bếp do không đáp ứng được yêu cầu. Đến tháng 6 năm 2024, Quân được phân công vào bộ phận lừa đảo với nhiệm vụ "giết khách" trực tiếp thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền từ nạn nhân. Chỉ trong thời gian ngắn, Quân đã giúp tổ chức lừa đảo khoảng 1,5 tỷ đồng và nhận về 150 triệu đồng tiền lương, thưởng.
Tương tự, Vũ Quang Khải, sinh năm 2000, trú tại Bắc Giang, tham gia tổ chức từ tháng 4-2024. Được cấp mã nhân viên để liên lạc và báo cáo công việc, chỉ trong cuối tháng 3-2024, Khải đã lừa đảo 1,2 tỷ đồng và nhận tổng cộng 160 triệu đồng tiền lương và thưởng.
Theo cơ quan điều tra, đường dây này có hệ thống phân công nhiệm vụ rõ ràng. Các nhóm được tổ chức chặt chẽ gồm nhóm gọi điện tiếp cận nạn nhân, nhóm nhắn tin tạo lòng tin, nhóm thúc giục nạp tiền và nhóm đóng giả nạn nhân từng kiếm lời để kích thích lòng tham. Tất cả các hoạt động đều được vận hành theo một kịch bản lừa đảo có sẵn, dưới sự giám sát chặt chẽ của các đối tượng cầm đầu.
Tổ chức này tuyển dụng người Việt vào các vị trí khác nhau trong bộ máy lừa đảo và thực hiện kế hoạch theo từng bước bài bản.
Ban đầu, nhóm gọi điện tiếp cận nạn nhân bằng cách mời tham gia công việc đánh giá 5 sao trên Google Maps. Sau khi nạn nhân đồng ý, họ sẽ được kết nối với bộ phận hướng dẫn qua Zalo và được yêu cầu tải ứng dụng nhắn tin nội bộ như Cochat, Dealay. Đồng thời, họ phải đăng ký ví điện tử trên các trang web do tổ chức cung cấp.
Khi tham gia vào nhóm làm việc, nạn nhân sẽ thấy nhiều tài khoản ảo giả danh người thật, thể hiện rằng họ đã đầu tư và kiếm lời thành công. Ban đầu, tổ chức sẽ trả cho nạn nhân một khoản lợi nhuận nhỏ nhằm tạo niềm tin và kích thích họ đầu tư thêm. Khi số tiền đầu tư tăng lên, tổ chức sẽ viện đủ lý do như thao tác sai, nộp thiếu hoặc cần nạp thêm tiền để kích hoạt rút tiền. Đến thời điểm này, toàn bộ số tiền đã bị chiếm đoạt.
Tất cả giao dịch đều được kiểm soát chặt chẽ. Thông tin tài khoản ngân hàng của nạn nhân sẽ được gửi cho bộ phận xử lý tài chính để tiến hành rút tiền ngay lập tức. Trong khi đó, bộ phận kiểm tra xác nhận sẽ gọi điện trực tiếp để đảm bảo số tiền chiếm đoạt đúng theo báo cáo từ bộ phận hướng dẫn.
![]() |
Hiện tại, cơ quan chức năng đang tiếp tục mở rộng điều tra, truy bắt các đối tượng cầm đầu. Ảnh minh hoạ |
Trong chuyên án lần này, Công an Quảng Bình phối hợp với Công an huyện Lệ Thủy, Phòng An ninh mạng Công an tỉnh Quảng Bình và Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã triệu tập 12 đối tượng, trong đó có Đinh Văn Quân, Vũ Quang Khải, Trần Quốc Duy (sinh năm 2001), Lưu Hoàng Nam (sinh năm 2004), Trần Văn Thuận (sinh năm 1997), Lê Văn Chiến (sinh năm 1998), Lê Thị Linh (sinh năm 2000) và Triệu Hoài Thu (sinh năm 2004), đều quê ở Thanh Hóa.
Nhóm đối tượng ở Bắc Giang gồm Vũ Văn Khiêm (sinh năm 1986), Nguyễn Văn Vương (sinh năm 2002), Trần Thị Vui (sinh năm 1991) và Đào Quỳnh Trang (sinh năm 2008). Ngoài ra, mở rộng điều tra, cơ quan chức năng tiếp tục xác định thêm ba đối tượng liên quan gồm Đinh Văn Sang (sinh năm 2000), Đào Văn Thủ (sinh năm 1984) và Hoàng Thị Việt Anh (sinh năm 1982).
Theo lời khai của các đối tượng, tòa nhà tại khu PoiPet là nơi tổ chức đặt trụ sở được quản lý bởi người Trung Quốc. Mỗi tầng trong tòa nhà là nơi làm việc của các nhóm nhân viên đến từ nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Những kẻ cầm đầu người Trung Quốc tuyển dụng và sử dụng nhân viên biết tiếng của nước nào để lừa đảo chính công dân nước đó.
Hiện tại, cơ quan chức năng đang tiếp tục mở rộng điều tra, truy bắt các đối tượng cầm đầu. Vụ án là lời cảnh báo cho những ai nhẹ dạ cả tin, tham gia vào các hình thức đầu tư trực tuyến không rõ nguồn gốc, có nguy cơ trở thành nạn nhân của những đường dây lừa đảo tinh vi.
>>Tivi, laptop, bóng đèn cùng 'khóc thét' vì nồm ẩm: Nguyên nhân và cách bảo vệ khỏi hư hại