‘Thủ lĩnh' nhóm cứu hộ FAS Angel: Đằng sau những đêm dài giành mạng sống với ‘tử thần’ trên đường phố Hà Nội và tấm Huân chương Dũng cảm của Chủ tịch nước
Nếu tình cờ gặp một người bị nạn, có thể ai cũng đau thương, có thể ai cũng sẵn sàng cứu giúp, nhưng không phải ai cũng đủ dũng khí biến đó thành một công việc để theo đuổi suốt 4 năm và liều mình bằng cả xương máu như anh Phạm Quốc Việt - Đội trưởng Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel.
Tôi gặp anh Phạm Quốc Việt - Đội trưởng Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel trong một ngày cuối năm 2023. Dưới cái nắng yếu ớt của mùa đông Hà Nội, anh Việt đang miệt mài với công việc thường nhật của mình tại cửa hàng sửa xe trên phố Vũ Tông Phan.
Ánh nắng hắt lên khuôn mặt nghiêm nghị và vóc dáng săn chắc, bóng hình anh đổ dài trên mặt đất ngổn ngang những dụng cụ, máy móc… Trong khoảnh khắc ấy, anh cũng bình thường như bao người lao động khác. Thế nhưng ít ai biết rằng sau 21h tối, chính con người bình thường ấy lại khoác lên mình chiếc áo cam để thực hiện sứ mệnh, hóa thân thành người hùng giữa màn đêm của Thủ đô.
Sau hơn 4 năm hoạt động, Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel do anh Phạm Quốc Việt làm “thủ lĩnh” đã nâng niu trong tay hơn 10.000 sự sống qua 17.000 vụ sơ cứu, những chiếc áo cam in logo và dòng chữ "Đội hỗ trợ sơ cứu-FAS Angel" cứ thế trở nên quen thuộc với người dân thủ đô Hà Nội. Đội hỗ trợ cũng ngày càng lớn mạnh và chuyên nghiệp để có thể hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn kịp thời cho càng nhiều người gặp nạn.
Ghi nhận sự đóng góp của anh, ngày 26/12/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã quyết định tặng thưởng Huân chương Dũng cảm cho anh Phạm Quốc Việt. Anh đã có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhân dân trong vụ cháy tàn khốc gây rúng động cả nước ở Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội hồi tháng 9/2023. Trong vụ hoả hoạn, anh Việt cùng đồng đội đã cứu hộ liên tục trong 8 giờ để cứu sống 12 người mắc kẹt.
Đó không chỉ là sự ghi nhận duy nhất dành cho anh Việt, mà Đội trưởng FAS Angel cũng là một trong 10 gương mặt cá nhân xuất sắc được vinh danh tại Lễ trao trao giải thưởng Tình nguyện quốc gia 2023. Trước đó, anh Phạm Quốc Việt cũng từng nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an, Bằng khen của UBND TP. Hà Nội, Bằng khen của Giám đốc Công an TP. Hà Nội vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự an toàn xã hội năm 2023. Đội trưởng Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel cũng đã nhận Giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Cảm xúc của anh là gì khi được Chủ tịch nước trao tặng tấm Huân chương Dũng cảm?
Tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi được Chủ tịch nước trao tặng tấm huân chương cao quý. Có lẽ trong cả cuộc đời tôi, đây là tấm huân chương kỷ niệm ghi dấu ấn đặc biệt nhất. Đó cũng là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với sự cống hiến của tôi và FAS Angel trong những năm vừa qua, đặc biệt là sau vụ cháy kinh hoàng ở Khương Hạ.
Tôi nói với anh chị em đội sơ cứu của mình rằng đây không phải một giải thưởng bình thường mà đây là một trong những món quà tuyệt vời nhất mà "cả cuộc đời cứu hộ của anh mới đạt được. Anh hy vọng sau này các em gìn giữ được như thế và tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa".
Thời điểm xảy ra vụ cháy ở Khương Hạ, anh đã điều phối các thành viên trong đội đã đến hiện trường, hỗ trợ ra sao? Đã nhiều tháng trôi qua, điều gì khiến anh cảm thấy ấn tượng và xúc động nhất?
Sau khi nhận được cuộc gọi yêu cầu điều động, hỗ trợ từ lực lượng PCCC, tôi đã ngay lập tức cử thêm các thành viên trên toàn địa bàn TP. Hà Nội và địa bàn lân cận đến để hỗ trợ tìm kiếm các nạn nhân trong đám cháy. Sau khoảng 10 phút, tôi đã có mặt tại hiện trường và cùng chỉ huy lực lượng của FAS Angel trực tiếp hỗ trợ về y tế, trang thiết bị cho lực lượng PCCC, đảm bảo an toàn khi họ tham gia vào hiện trường dập lửa.
Dù đã nhiều tháng qua sau vụ cháy Khương Hạ nhưng quả thật tôi quá thương các nạn nhân. Tôi đọc nhiều tin bài trên mạng đều nói sự tang thương khi người mất cả nhà, cháu này mồ côi, người kia mất mẹ, mất vợ, mất con… Từ đó tôi kéo mình rơi vào trạng thái buồn theo và dằn vặt chính mình: Giá như có thể giúp được nhiều người hơn, thành ra tôi bị ảnh hưởng tâm lý. Thế nhưng với sự khích lệ từ mọi người, tôi đang cố gắng vá lại những nỗi đau đó và rồi tiếp tục xây dựng FAS Angel, để có thể cứu sống thêm nhiều nạn nhân.
Sau vụ cháy ở Khương Hạ, rất nhiều người biết đến chúng tôi, nhưng đó không phải là điều chúng tôi muốn. Chúng tôi muốn “thất nghiệp” để mọi người được bình an. Mọi người thường đùa rằng, tôi là người họ không bao giờ muốn gặp.
Điều gì đã thôi thúc anh làm công việc sơ cứu cho các nạn nhân? Trước khi thành lập đội cứu hộ FAS Angel, anh có từng làm công việc gì liên quan đến sơ cứu?
Năm 2016, khi đang làm công việc bình thường như bao người khác thì tôi không may bị tai nạn giao thông. Ngất đi một lúc, khi tỉnh lại toàn thân tôi như bị tê liệt, tay chân không thể cử động, chỉ có đầu óc còn tỉnh táo. Tôi đưa mắt nhìn xung quanh tìm sự cầu cứu, nhưng không một ai dừng lại. Tôi hận thù lắm, trách họ tại sao lại thờ ơ như thế, thậm chí tôi còn vơ đũa cả nắm rằng loài người vô cảm.
Tôi nhắm mắt lại, toàn thân không thể nhúc nhích. Khoảng thời gian đó rất dài, tôi đã cảm nhận sâu sắc sự đau đớn và sợ hãi của một người bị nạn. Rồi tôi chợt nghĩ, rốt cuộc những người đang mặc kệ tôi nằm đây họ sợ điều gì, sợ bị liên lụy, sợ bị đổ oan, sợ không có kỹ năng giúp mình? Tôi không còn trách họ nữa, tôi dùng hết sức lực cố giơ một tay lên để họ biết tôi còn sống, tôi cần sự giúp đỡ. Cuối cùng cũng có người đến hỏi tôi: “Em phải làm gì để giúp anh?”
Sau đó, tôi được đưa vào bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, chấn thương sọ não kèm đa chấn thương khắp cơ thể. Tỉnh lại sau một tuần hôn mê, trong bản thân tôi lúc đó nảy ra suy nghĩ: Làm sao để thay đổi nỗi sợ hãi trong lòng người bị nạn, người muốn cứu người bị nạn? Đó là thứ khiến tôi trăn trở, kể từ khi thoát khỏi vòng tay tử thần và cũng chính là động lực để tôi thành lập nên FAS Angel.
May mắn trước đây, tôi đã từng học về kỹ năng sơ cấp cứu trong quân ngũ và một phần do được thừa hưởng, truyền thụ những kiến thức này từ các cụ, ông bà, bố mẹ của tôi - những người đã từng làm việc trong ngành y. Vì thế, tôi đã vận dụng những kinh nghiệm sẵn có để phòng chống rủi ro cho mình cũng như có thao tác kỹ thuật giúp đỡ người bị nạn.
Công việc này ý nghĩa nhưng cũng phải đối diện với rất nhiều nguy hiểm, làm cha mẹ có lẽ không ai muốn con mình hàng ngày phải đối diện với hiểm nguy thường trực. Gia đình anh phản ứng ra sao?
Từ năm 2017-2019, tôi chỉ đi một mình để hỗ trợ các vụ tai nạn giao thông và tự đúc rút ra bài học kinh nghiệm cho mình. Mọi người trong gia đình tôi lúc đó hoàn toàn không biết tôi đang đi làm công việc này. Mãi đến sau này - năm 2020, mọi người biết đến tôi qua báo chí, truyền hình thì lúc đó gia đình tôi mới biết. Dù vậy, mọi người rất ủng hộ tôi làm công việc này để giúp đời, giúp người nhưng cũng lo lắng cho tôi bởi trên hiện trường tai nạn giao thông hay bất cứ sự việc, sự vụ nào đó, thường tiềm ẩn mối nguy hiểm rất lớn.
Ban đầu tôi chỉ muốn bản thân mình giúp được đến đâu thì giúp nhưng tôi thấy nhận thức của người giúp đỡ nạn nhân ở hiện trường chưa đúng. Ví dụ như người nhiệt huyết quá, làm mạnh bạo quá với nạn nhân dẫn đến sơ cứu không đúng cách, giúp đỡ người không đúng các bước đã gây ra hậu quả cho các nạn nhân một cách trầm trọng hơn, khiến họ đau hơn.
Và từ lúc đó trở đi, tôi đã quyết tâm theo đuổi giấc mơ của mình là xây dựng nên một đội cứu hộ chuyên nghiệp để đào tạo và sau này sẽ có những thế hệ nối gót chúng tôi, có mặt ở khắp mọi nơi chia sẻ, giúp đỡ những người bị nạn, đặc biệt là chia sẻ kiến thức về sơ cấp cứu cho nhiều người.
Hằng ngày, bên cạnh công việc và hoạt động thiện nguyện, tôi thường thời gian dành cho người thân và gia đình là từ 16h30-20h30. Khoảng thời gian đó tôi thường làm những công việc nhà như nấu cơm, giặt quần áo, gọi điện cho người thân… Sau khoảng thời gian đó đến 1h đêm, tôi sẽ dành trọn cho công việc tại FAS Angel. Buổi sáng của tôi sẽ bắt đầu từ 7h, tôi cũng làm những công việc bình thường như những người lao động khác.
Mới đầu, mọi người cũng chưa quen với khoảng thời gian như vậy bởi vì tôi hay về đêm, về khuya. Nhưng giờ đây, mọi người đã hiểu được sứ mệnh của FAS Angel, đặc biệt là công việc của tôi nên đã thông cảm, hy sinh cho tôi khoảng thời gian đó. Có thể với mọi người, khoảng thời gian buổi tối dùng để xem phim, thư giãn cùng bạn bè, gia đình, người thân… nhưng với tôi, đó là lúc tôi cứu người.
Mỗi thành viên trong đội phải trải qua thời gian bao lâu trước khi được trực tiếp tham gia và quá trình sơ cứu cho nạn nhân? Khi các thành viên mới gặp áp lực hay sợ hãi, anh đã động viên, khích lệ đồng đội như thế nào?
Tất cả các thành viên khi tham gia vào FAS Angel đều phải rèn luyện ít nhất 1 tháng nghiêm ngặt về quy tắc đi trực, thứ tự vận hành, nguyên tắc phối hợp cũng như cách ứng xử với các đội viên trong đội. Sau 1 tháng, chúng tôi sẽ tổ chức khảo nghiệm, kiểm tra định kỳ để tìm ra những nhân tố tiềm năng, có thể đào tạo được. Đối với những người còn lại, chúng tôi sẽ khuyên họ trở thành những tình nguyện viên, cộng tác, hỗ trợ để dần dần tốt hơn. Nếu đạt yêu cầu sau đợt khảo nghiệm, các bạn sẽ được nhận vào đội. Quy trình chuẩn này đã được chúng tôi áp dụng trong suốt nhiều năm qua.
Trong quá trình làm việc, không tránh khỏi nhiều thành viên sẽ bị hoảng sợ, lo lắng khi tận mắt chứng kiến và sơ cứu giữa những vụ tai nạn thương tâm, tàn khốc. Vì thế, tôi luôn nhắn nhủ các đội viên rằng: “Các em hãy coi nạn nhân như người thân của mình để giúp đỡ họ. Và rồi các em sẽ vượt qua mọi khó khăn, mọi rào cản. Bất cứ khi nào có khó khăn, khúc mắc, các em hãy liên hệ với anh, anh sẽ giải đáp cho em và chúng ta sẽ cùng nhau giúp đỡ nạn nhân một cách hiệu quả.”
Nhờ vậy, các thành viên mới đều vượt qua trạng thái sợ hãi, áp lực khá nhanh. Chẳng hạn như một số bạn sợ máu, sau khi làm nhiều quá thì đã thành quen, vượt qua được nỗi sợ của chính mình. Đây cũng là một trong những ưu điểm của các thành viên FAS Angel, đó là sự kiên trì, tính kiên vững trong bản thân sẽ được rèn luyện.
Nguyên tắc và tôn chỉ khi anh thành lập FAS Angel là gì? Cách anh xây dựng đội là gì để ngày càng phát triển và được nhiều người biết đến?
FAS Angel không vụ lợi, suy nghĩ cho cá nhân. Qua việc thành lập và phát triển đội, tôi chỉ đơn giản muốn mọi người cảm nhận được sự lan truyền của người làm việc tốt, mọi người sẽ học được nhiều kỹ năng sơ cứu, xử lý tình huống tại hiện trường.
Ví dụ, tôi thường chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng trên trang cá nhân để mọi người có thể đọc và cảm nhận được sự việc này xử lý như thế sẽ tốt, hơn là phân tranh đúng sai… Đó là những điều tôi đã làm trong suốt nhiều năm qua và tôi sẽ nỗ lực truyền cảm hứng đến cho xã hội.
Trên tiêu chí 5 “không” đó, tôi đang cố gắng truyền tải đến cộng đồng những sự cảm động sâu sắc nhất, xây dựng lại niềm tin giữa con người với con người, mối quan tâm lẫn nhau giữa cộng đồng với cộng đồng.
Bên cạnh những lời động viên, cũng có không tránh khỏi ý kiến trái chiều và tiêu cực liên quan đến đội như coi từ thiện là một cái nghề, những người ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng… Có khi nào anh cảm thấy chạnh lòng và lung lay trước những lời nói đó không?
Tôi không cho rằng là như vậy. Trong cuộc sống, nếu ai cũng nghĩ chỉ lo cho bản thân mình, cho gia đình mình mà không quan tâm gì đến cộng đồng thì có lẽ đó là một trong những điều chúng ta cần phải xem lại. Vì có thể một ngày nào đó, chúng ta gặp một người bị nạn và lựa chọn bỏ rơi, không giúp đỡ họ. Đến khi trở về nhà, chúng ta mới biết đó là người thân, bạn bè của mình thì đó chắc chắn là sự ân hận muộn màng.
Công việc của tôi dù bị mọi người đánh giá là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, nhưng tôi vẫn biết cân bằng cuộc sống, công việc và gia đình. Tôi không dành thời gian đi chơi, nhậu nhẹt vừa hại sức khỏe, vừa gây mất an toàn cho bản thân. Bằng cách nào đó, tôi lại thay đổi suy nghĩ và đi giúp đỡ lại những người nhậu nhẹt về không may bị tai nạn.
Trong suốt chặng đường làm thiện nguyện, anh cảm thấy điều gì là thành công và đáng tự hào nhất?
Trong hơn 4 năm qua, tôi đã có rất nhiều kỉ niệm đáng nhớ. Ký ức đau thương nhất chính là vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ. Bên cạnh đó cũng có những kỷ niệm vui, ví dụ như tôi nhận được rất nhiều sự ghi nhận từ các tổ chức, các chương trình trao thưởng như Human Act Prize, Gương mặt tình nguyện xuất sắc năm 2023… Được gặp các nghệ sĩ, những người có tấm lòng hảo tâm, sẵn sàng cống hiến, giúp đỡ, chia sẻ, đồng hành, tương trợ cùng tôi và đội.
Quá trình xây dựng và thành lập cũng giúp tôi có nhiều mối quan hệ mà tôi rất trân trọng. Chẳng hạn như bạn gái của tôi chính là người mà tôi đã có cơ hội gặp gỡ trong quá trình làm nhiệm vụ. Hiện tại, chúng tôi đã có nhiều năm gắn bó với nhau và cùng làm nhiệm vụ cứu người, giúp đời tại FAS Angel.
Đặc biệt, sự kiện vinh dự nhất trong đời - nhận được tấm Huân chương Dũng cảm của Chủ tịch nước trao tặng. Đây chính là những điều khiến tôi luôn luôn cảm thấy vinh dự và tự hào…
Những kỷ niệm đó - dù là đau thương hay tự hào nhất đều mang lại cho tôi những cung bậc cảm xúc nhất định. Trên những dấu ấn đó, tôi sẽ tiếp tục nỗ lực nhiều hơn để xây dựng FAS Angel ngày càng phát triển, giúp đỡ nhiều người hơn.
Anh định theo đuổi công việc này đến khi nào? Anh dự định sẽ có kế hoạch gì để tiếp tục phát triển đội cứu hộ FAS Angel trong thời gian tới?
Như tôi đã cam kết, tôi là linh hồn của FAS Angel và tôi sẽ giữ mãi ngọn lửa này, không chỉ đến hết thời của tôi mà còn truyền lửa lại cho các thế hệ khác. Các thế hệ sau sẽ được thừa hưởng lại hoàn toàn những tôn chỉ, lợi ích của FAS Angel.
Bản thân tôi đã nỗ lực trong nhiều năm qua để xây dựng FAS Angel ở Nghệ An, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hải Phòng, Hải Dương… Tuy rằng họ chỉ là một nhóm từ 2-3 người nhưng họ vẫn đang nỗ lực từng ngày để có thể tìm kiếm thêm những người đồng tâm và xây dựng nên đội, nhóm của họ ở khu vực đó.
Trong thời gian sắp tới, từ mô hình đội nhóm, tôi sẽ xây dựng FAS Angel thành một doanh nghiệp xã hội quản lý tài sản. Đưa đội nhóm của mình ngày càng chuyên nghiệp, cung cấp cho cộng đồng những kiến thức, trang thiết bị cần thiết trong việc sơ cấp cứu và dần dần lan rộng hơn tới các tỉnh thành khác. Tôi nghĩ đây là một bước đi đúng đắn và đã được rất nhiều cơ quan, chuyên gia và các luật sư cố vấn về mặt pháp lý, kỹ năng để tôi tiếp tục công việc này.
Xin cảm ơn anh với những chia sẻ hết sức ý nghĩa!
>> Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Dũng cảm cho nhân viên ngân hàng hy sinh