Thu phí bảo hiểm giảm mạnh trong quý 1/2023, bancassurance còn là gà đẻ trứng vàng của các nhà băng?

13-05-2023 22:35|Hoàng Lâm

Sau những lùm xùm thời gian qua liên quan đến mảng bảo hiểm liên kết với ngân hàng, nhiều nhà băng ghi nhận doanh thu từ kinh doanh bảo hiểm sụt giảm sau quý 1/2023.

Bán bảo hiểm qua ngân hàng chững lại trong quý 1/2023

Sau loạt lùm xùm thời gian vừa qua liên quan đến hoạt động bảo hiểm liên kết với ngân hàng, báo cáo tài chính của các nhà băng cho thấy doanh thu từ hoạt động này giảm đáng kể trong 3 tháng đầu năm.

MB, ngân hàng thường nằm trong top đầu doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm tuy vẫn ghi nhận doanh thu mảng này đạt hơn 2.000 tỷ đồng trong quý 1 nhưng lại giảm 11% so với cùng kỳ năm trước

Hay tại SeABank, kết thúc quý 1/2023, thu từ hoạt động kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm giảm 55,3% so với cùng kỳ năm trước, ở mức 22,3 tỷ đồng. TPBank cũng ghi nhận doanh thu này giảm 49% xuống 116,6 tỷ đồng.

Thu phí bảo hiểm giảm mạnh trong quý 1/2023, bancassurance còn là gà đẻ trứng vàng của các nhà băng?
Nguồn: Báo cáo cập nhật KQKD quý 1/2023 của Techcombank

Với Techcombank, phí thu từ bancassurance cũng giảm so với cùng kỳ 2022. Doanh thu từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tỷ trọng mạnh mẽ về danh mục thẻ tín dụng, tiền mặt và thanh toán tuy nhiên phí thu từ bancassurance lại giảm từ 218 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022 xuống 194 sau quý 1 năm nay do kinh tế hồi phục chậm, trái ngược với mức hồi phục ấn tượng Covid-19.

KienlongBank còn ghi nhận doanh thu tại mảng này giảm đến hơn 83% xuống chỉ còn hơn 2 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước mảng này vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong hoạt động dịch vụ với gần 12 tỷ đồng tuy nhiên năm nay đã phải nhường chỗ cho dịch vụ thanh toán với doanh thu 109,6 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) có những đóng góp nhất định vào tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam. Theo đó, hoạt động bancassurance chiếm khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.

Thu phí bảo hiểm giảm mạnh trong quý 1/2023, bancassurance còn là gà đẻ trứng vàng của các nhà băng?

"Ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đang đối mặt với khủng hoảng niềm tin"

“Ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đang đối mặt với khủng hoảng niềm tin lớn nhất trong lịch sử gần 30 năm phát triển. Nếu doanh nghiệp không tìm cách khắc phục thì sẽ rất khó tồn tại và phát triển”, ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nhận định.

Theo ông Ngô Trung Dũng, tính đến cuối tháng 3/2023, tổng số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ ước đạt trên 13,68 triệu hợp đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với cuối năm 2022, số lượng hợp đồng có sự suy giảm đáng kể gần 250.000 hợp đồng. Tổng doanh thu 3 tháng đầu năm ước đạt 37.849 tỷ đồng, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước.

Lý giải về sự suy giảm này, ông Dũng cho rằng, kể cả khi thị trường tăng trưởng tốt, số lượng hợp đồng vẫn có thể giảm vì có nhiều hợp đồng đến thời điểm kết thúc.

Tuy nhiên, nguyên nhân cũng có thể là do sự suy giảm niềm tin của thị trường, khiến ít người mua bảo hiểm hơn và có khách hàng mua qua kênh ngân hàng (bancassurance) dừng đóng tiếp.

Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, hiện cả thị trường có khoảng 730.000 đại lý bảo hiểm chính thức; trong đó, kênh bancassurance đang mang về nguồn thu lớn. Trong năm 2022 có 995.400 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được phân phối qua kênh bancassurance, chiếm 46% doanh số khai thác mới. Lũy kế đến hết năm 2022, có hơn 2,92 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được bán theo hình thức này, với tổng phí 44.959 tỷ đồng, chiếm khoảng 25% tổng doanh số.

Sự tăng trưởng nóng của kênh bancassuarance thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế nhất định. Nhiều người dân cho biết bị ngân hàng ép mua bảo hiểm khi tới vay vốn; thậm chí không ít người phản ánh bị "lừa" từ gửi tiết kiệm sang mua bảo hiểm nhân thọ…

Tại hội thảo “Hợp tác giữa Bảo hiểm - Ngân hàng: Thực trạng và vướng mắc cần tháo gỡ” TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, thành viên Hội đồng đã chỉ ra 3 nguyên nhân chính dẫn đến những biến tướng trong hoạt động bảo hiểm nói chung và bancassurance nói riêng như vừa qua. Đó là doanh nghiệp bảo hiểm đi chệch hướng, pháp luật chưa nghiêm với bên mua và cả bên bán, chất lượng tư vấn viên chưa tốt và không ít người còn phải chịu áp lực doanh số.

Theo đó, chuyên gia kiến nghị cần chuẩn hóa hợp đồng bảo hiểm; các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp bảo hiểm cần rà soát lại cơ chế, chính sách, quy trình, chuẩn hóa hơn nữa đội ngũ tư vấn.

Do đó, nhằm chấn chỉnh hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng sau những lùm xùm gần đây, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, sẽ đưa vấn đề chấp hành các quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm vào nội dung thanh tra theo kế hoạch thanh tra năm 2023.

VPBank (VPB) tiếp tục ‘bơm’ tiền vào Bảo hiểm OPES, nâng tỷ lệ sở hữu lên 99,13%

Mức lương đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa gần 100 triệu đồng

Trên 2.120 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT trong 15 năm

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thu-phi-bao-hiem-giam-manh-trong-quy-12023-bancassurance-con-la-ga-de-trung-vang-cua-cac-nha-bang-182963.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Thu phí bảo hiểm giảm mạnh trong quý 1/2023, bancassurance còn là gà đẻ trứng vàng của các nhà băng?
POWERED BY ONECMS & INTECH