Có quả giá lên tới 1 triệu đồng khi thu mua tại vườn.
Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhà vườn trồng sầu riêng ở nước ta trúng đậm chưa từng có khi giá loại trái cây này vẫn tiếp đà tăng mạnh, sắp chạm mức đỉnh lịch sử được thiết lập hồi cuối tháng 1, đầu tháng 2 năm ngoái.
Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết sầu riêng đã trở thành loại trái cây cao cấp được tầng lớp trung lưu Trung Quốc ưa chuộng. Chính vì thế, nhu cầu tăng cao vào dịp tết Nguyên đán khi người dân Trung Quốc chọn loại quả này làm quà biếu và dâng lễ.
Dự báo giá sầu riêng sẽ còn tăng mạnh khi nguồn cung hàng trái vụ số lượng hạn chế, trong khi nhu cầu tại Trung Quốc lại tăng cao. Các thương lái vẫn đang tăng cường thu gom sầu để bán sang Trung Quốc.
Thời điểm này, các quốc gia như Thái Lan, Malaysia đã qua vụ thu hoạch sầu. Trên thế giới chỉ còn duy nhất Việt Nam có sầu riêng thu hoạch nên hàng Việt "một mình một chợ" tại thị trường Trung Quốc.
Sau khi được cấp "visa" vào Trung Quốc tháng 7/2022, thị phần sầu riêng Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Năm 2023, trị giá xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng lên khoảng 2,1 tỷ USD và dự báo tiếp tục tăng cao trong năm 2024.
Giá sầu riêng dự báo còn tăng cao sau tết Nguyên đán |
>> Bầu Đức: 'thế giới đã bắt đầu biết ăn sầu riêng', thêm nhiều nước nhập khẩu sầu của Việt Nam
Hiện nay, tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, sầu riêng Ri6 đang được thu mua tại vườn với giá 125.000-143.000 đồng/kg; Sầu riêng Monthong ở mức 160.000-187.000 đồng/kg; Sầu riêng Musang King giữ giá 160.000-190.000 đồng/kg.
Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá sầu riêng tăng lên ngưỡng 124.000-183.000 đồng/kg tùy loại. Mức giá này cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 những năm Việt Nam chưa được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Cao hơn khoảng 20-30% so với vài tháng trước.
Theo tính toán, với mức giá như hiện nay, chỉ cần bán 1 quả sầu riêng Monthong trọng lượng hơn 5kg, nhà vườn thu về 1 triệu đồng. Người trồng sầu riêng có thể lãi 2-2,5 tỷ đồng/ha tùy loại và tùy sản lượng.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu đáng vui mừng, bà Phan Thị Trà My, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc, cho rằng một số doanh nghiệp trong nước đang "gò ép" số lượng mà quên đảm bảo chất lượng. Việc quả sầu riêng vẫn còn sâu, rệp trên vỏ dẫn đến nguy cơ trả lại cao, ảnh hưởng đến uy tín ngành hàng.
Do vậy, bà My cho rằng việc đảm bảo chất lượng sầu riêng là ưu tiên số 1 khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, khi có thương hiệu, giá trị của trái sầu riêng sẽ cao hơn gấp nhiều lần. Chẳng hạn, trái sầu riêng gai đen của Malaysia sau khi đăng ký sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc có thể bán với giá 1.000 USD/trái, trong khi trái sầu Việt chỉ bán được giá 200.000 đồng/kg…
>> Thế giới bắt đầu thích mê, 'trái cây vua' của Việt Nam sẽ thu 3,5 tỷ USD
Bầu Đức: 'thế giới đã bắt đầu biết ăn sầu riêng', thêm nhiều nước nhập khẩu sầu của Việt Nam
Giá mít ruột đỏ bất ngờ giảm sâu, sầu riêng trái vụ cao kỷ lục