Thế giới bắt đầu thích mê, 'trái cây vua' của Việt Nam sẽ thu 3,5 tỷ USD
Ngoài Trung Quốc, các quốc gia bắt đầu mê ăn sầu riêng và chi lượng tiền khủng mua loại “trái cây vua” này của Việt Nam. Theo tính toán, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm 2024 có thể đạt khoảng 3,5 tỷ USD.
Xuất khẩu sầu riêng sang nhiều quốc gia tăng đột biến
Sáng cuối năm 2023, chia sẻ với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group, cho hay: “Chỉ riêng thị trường Trung Quốc, năm nay chúng tôi đã xuất khẩu 400 container sầu riêng tươi”.
Ông cho biết, năm 2023 doanh nghiệp ký đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 2.000 container sầu riêng. Song không đủ sầu riêng để xuất khẩu, nên phần còn lại của đơn hàng doanh nghiệp tiếp tục trả cho đối tác trong năm 2024.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 11/2023, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài sầu riêng tươi nguyên trái, nước ta còn xuất khẩu sầu đông lạnh, sầu sấy…
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc là khách hàng lớn nhất với kim ngạch gần 2 tỷ USD, chiếm 91% tổng giá trị xuất khẩu loại trái cây này của nước ta.
Việc ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc từ giữa năm 2022 giúp đơn hàng bùng nổ, giá loại trái cây này tăng mạnh. Đồng thời, đưa sầu riêng trở thành trái cây tỷ USD mới của Việt Nam, đóng góp quan trọng khi kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam lập kỷ lục lịch sử 5,5 tỷ USD năm 2023.
Sau khi thu hoạch và bán trái sầu riêng vụ đầu tiên, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) nói: “Khách hàng mua sầu riêng của tôi rất đông, đều là khách hàng lớn tại Trung Quốc”.
Ngoài thị trường Trung Quốc, theo ông Đức, thế giới đã bắt đầu mê ăn sầu riêng. Ông nói vui rằng, sầu riêng là mặt hàng có tính gây nghiện rất cao, ai đã mê rồi thì không bỏ được. Bản thân ông cũng là người mới ăn sầu riêng mấy năm gần đây và giờ cũng bị nghiện.
Thực tế, trong năm 2023, không chỉ sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đột biến, các quốc gia khác cũng chi tiền khủng mua loại "trái cây vua" này của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu sầu riêng sang Cộng hoà Czech tăng tới 28.195%; thị trường Canada, Mỹ, Papua New Guinea cũng ghi nhận mức tăng trưởng từ 222-837% so với năm trước.
Đáng chú ý, Thái Lan là quốc gia trồng và xuất khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới cũng chi 96,9 triệu USD để mua sầu riêng của Việt Nam trong 11 tháng năm 2023.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sở dĩ Thái Lan vẫn phải nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam vì nước ta thu hoạch sầu riêng quanh năm, trong khi Thái Lan thu hoạch theo mùa nên có nhu cầu nhập khẩu sầu riêng Việt.
Quy mô thị trường sầu riêng toàn cầu đạt 28,6 tỷ USD
Đề cập đến thị trường xuất khẩu sầu riêng trong năm tới, ông Đoàn Nguyên Đức tiết lộ, năm 2024 HAGL dự kiến thu hoạch ít nhất 300-400 ha sầu riêng, tức diện tích cho thu hoạch cao gấp 10-13 lần năm nay.
Ông tiết lộ, có hàng trăm khách hàng từ Trung Quốc đang xếp hàng đợi để được mua sầu riêng của HAGL. Theo đó, doanh nghiệp sẽ bán trực tiếp cho các nhà phân phối của Trung Quốc chứ không bán qua thương lái.
Ở Trung Quốc, thống kê đến nay chỉ có 10% người dân ăn sầu riêng, do giá quá đắt. Ngoài ra, Mỹ và nhiều thị trường khác cũng bắt đầu ăn sầu riêng. Do đó, trong 10 năm tới sầu riêng của Việt Nam vẫn chưa đủ cung ứng nhu cầu tiêu dùng, ông nhận định.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, thông tin, dung lượng thị trường sầu riêng của Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD và cả thế giới là 28,6 tỷ USD vào năm 2025. Mức độ tăng trưởng của ngành sầu riêng trong giai đoạn 2019-2025 được dự báo khoảng 7,2%/năm.
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) thông tin, sau khi sầu riêng tươi của nước ta được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, đơn vị này đang tiếp tục đàm phán cho sản phẩm sầu cấp đông vào thị trường này.
Nếu mở cửa được cho sản phẩm cấp đông, chúng ta sẽ giải quyết được áp lực vấn đề mùa vụ và có cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra, dư địa xuất khẩu sầu riêng sang các thị trường khác còn rất nhiều, ông Dương cho hay.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng, cơ hội xuất khẩu sầu riêng sang các thị trường còn rất lớn. Đặc biệt, các quốc gia trồng loại trái cây này chỉ thu theo mùa vụ, trong khi nước ta được thu quanh năm. Đây chính là thế độc quyền của sầu riêng Việt Nam.
Như thời điểm hiện tại chỉ còn Việt Nam được thu hoạch sầu riêng nên giá bán tại vườn rất cao. Cụ thể, sầu riêng Ri6 có giá dao động 100.000-120.000 đồng/kg; sầu riêng Monthong ở mức 135.000-160.000 đồng/kg; sầu riêng Musang King giữ giá 160.000-190.000 đồng/kg.
Ông Nguyên tính toán, năm 2023 kim ngạch sầu riêng của nước ta ước đạt 2,3 tỷ USD. Sang năm 2024, sản lượng sầu tăng cao, được cấp thêm nhiều mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu thì kim ngạch có thể đạt khoảng 3,5 tỷ USD.
Thừa nhận nhu cầu về sầu riêng trên thị trường còn rất cao, tuy nhiên ông Nguyễn Đình Tùng nhìn nhận phải xem lại lực cung của nước ta như thế nào. Đặc biệt, trong chuỗi liên kết cần phối hợp nhịp nhàng hơn, phải tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng, quy định của các quốc gia nhập khẩu.
“Năm 2023, sầu riêng giá quá cao do mới được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc”, ông nói.
Theo ông Tùng, giá cả do thị trường quyết định, nhưng nếu giá ở mức quá cao sẽ thiếu tính bền vững. Với người trồng sầu riêng, chỉ cần bán được giá từ 50.000-80.000 đồng/kg đã lời to. Mức giá này cũng giúp doanh nghiệp đảm bảo lợi nhuận, người tiêu dùng dễ dàng chấp nhận. Như thế, thị trường mới có thể phát triển bền vững.
>> Một năm trúng đậm chưa từng có, hàng chục nghìn 'nông dân thành tỷ phú'