Không phải Trung Quốc mà thị trường CH Czech mới là nước tăng trưởng cao nhất về nhập khẩu sầu riêng Việt Nam.
"Thế giới đã bắt đầu biết ăn sầu riêng" là nhận định của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) tại cuộc họp mặt cổ đông Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán HAG) gần đây.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (Vinafruit), đồng tình với nhận định của bầu Đức. Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, ông Nguyên phân tích: Tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của VN năm 2023 ước đạt đến 2,22 tỉ USD. Tính đến hết tháng 11, xuất khẩu sầu riêng tươi đạt hơn 2 tỉ USD, còn sầu riêng đông lạnh đạt gần 130 triệu USD. Nếu tính theo thị trường, Trung Quốc đạt 2 tỷ USD, tăng đến 1.515% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tăng mạnh nhất chính là thị trường CH Czech tăng tới 28.195%, đạt giá trị 10 triệu USD. Ngoài ra, nhiều thị trường như Canada, Mỹ, Papua New Guinea tuy giá trị chỉ khoảng 4-6 triệu USD nhưng đạt mức tăng trưởng từ 222%-837%.
>> Năm 2024 Bầu Đức sẽ thu hoạch bao nhiêu sầu riêng?
Theo bầu Đức, đối với thị trường Trung Quốc, khả năng tiêu thụ sầu riêng vẫn còn rất lớn vì mới chỉ hơn 10% dân số nước này "biết ăn" sầu riêng và nhiều người trong số đó mới chỉ được ăn 1-2 lần. Bầu Đức nói vui, sầu riêng là mặt hàng có tính gây nghiện rất cao, ai đã mê rồi thì không bỏ được. Bản thân ông cũng là người mới ăn sầu riêng mấy năm gần đây và giờ cũng bị nghiện.
"Ngoài thị trường Trung Quốc, nhiều thị trường khác trên thế giới đã bắt đầu biết ăn sầu riêng. Cây sầu riêng là sản phẩm đặc trưng của vùng nhiệt đới, các vùng khí hậu khác không trồng được. Đó là lý do chúng tôi sẽ mở rộng diện tích trồng sầu riêng từ 1.200 ha lên 2.000 ha trong 1-2 năm tới", ông Đức cho hay.
Thống kê xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam những năm gần đây |
>> ‘Chiếc bánh’ sầu riêng 20 tỷ USD: 4 nước chia phần, ưu thế nổi trội của Việt Nam
Với mặt hàng sầu riêng đông lạnh thì Thái Lan chính là khách mua hàng lớn nhất của VN. Trong 11 tháng qua, người Thái đã chi đến 97 triệu USD mua sầu riêng đông lạnh VN, đứng thứ hai là Mỹ với hơn 18 triệu USD; Canada, Hàn Quốc, Trung Quốc và Úc cũng nhập khẩu từ 2 - 3 triệu USD sầu riêng đông lạnh. Ngoài ra, VN cũng xuất thêm 2 triệu USD sầu riêng sấy vào thị trường Trung Quốc.
"Đối với sầu riêng tươi và với thị trường Trung Quốc, VN có thuận lợi về vị trí địa lý nên tính tươi mới của sản phẩm là một lợi thế lớn. Ngoài ra, người gốc Á ở khắp nơi trên thế giới cũng là những khách hàng tiềm năng. Ngoài các sản phẩm tươi, chúng ta có thể chế biến thì sản phẩm sẽ xuất khẩu thuận lợi hơn. Hay như với mặt hàng sầu riêng đông lạnh, Thái Lan chính là nhà nhập khẩu lớn nhất của VN với gần 100 triệu USD. Nhưng do năm nay chúng ta xuất khẩu quả tươi thuận lợi nên hàng đông lạnh giảm khoảng 8,5%. Sầu riêng VN có lợi thế nhờ chất lượng tốt và giá cạnh tranh", ông Nguyên nhận định.
Hầu hết các chuyên gia đều lạc quan về thị trường sầu riêng năm 2024. Bầu Đức cho biết, diện tích sầu riêng sẽ cho thu hoạch lên đến 300 - 400 ha. Năm 2024, công ty của ông bán trực tiếp cho các nhà phân phối của Trung Quốc chứ không bán qua thương lái như năm 2023. Ở Trung Quốc có cộng đồng 500 nhà nhập khẩu rau quả. Mỗi ngày các nhà cung cấp sẽ chào giá, số lượng, đối tác chốt đơn thì xuất hàng, nhận tiền. HAGL là doanh nghiệp VN đầu tiên có mặt trong cộng đồng đó với tư cách là nhà phân phối chuối. HAGL sẽ bán sầu riêng vào Trung Quốc theo cách đó.