Với độ mở nền kinh tế lớn, triển vọng tăng trưởng kinh tế cũng như sự ổn định của thị trường tài chính của Việt Nam dự báo sẽ đối diện nhiều thách thức trong năm 2023.
Trong báo cáo triển vọng thị trường năm 2023 mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, với độ mở nền kinh tế lớn, triển vọng tăng trưởng kinh tế cũng như sự ổn định của thị trường tài chính của Việt Nam dự báo sẽ đối diện nhiều thách thức trong năm 2023.
Đặc biệt, sự giảm tốc ở khu vực FDI và hoạt động xuất khẩu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập, qua đó gián tiếp ảnh hưởng sức cầu của người tiêu dùng, đặc biệt là phân khúc trung cấp và bình dân.
Dù vậy, nhóm phân tích tin rằng, khó khăn sẽ không kéo dài mãi, và các doanh nghiệp có khả năng linh hoạt thay đổi chiến lược để thích ứng với khó khăn sẽ có cơ hội tăng trưởng nhanh chóng khi kinh tế toàn cầu hồi phục.
Những tổn thất gây ra bởi sự xoay chiều chính sách tăng trưởng của Trung Quốc khiến các Tập đoàn đa quốc gia tiếp tục đẩy nhanh việc dịch chuyển nhà máy sang các nước lân cận để giảm thiểu rủi ro. Trong đó, Việt Nam vẫn là địa điểm nhiều tiềm năng.
Đáng chú ý, lãi suất vay mượn tăng nhanh sẽ là áp lực tài chính lớn cho các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao, đặc biệt là các nhóm ngành có dư nợ trái phiếu cao.
Bất động sản dân dụng được xem là một trong những nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi các diễn biến này. Dù vậy, với tỷ lệ dân số trẻ cao và xu hướng gia đình một thế hệ đang diễn ra, nhu cầu thực về nhà ở vẫn ở mức cao.
Do đó, các chuyên gia tại VDSC tin rằng, các nhà BĐS với chính sách phát triển thận trọng và hướng đến phân khúc nhà ở thực vẫn là những ứng viên đáng quan tâm.
Ảnh minh họa |
Đặc biệt, ngân hàng được xem là một trong những ngành chịu rủi ro cao về nợ xấu trong bối cảnh các hoạt động kinh tế suy giảm. Dù vậy, nhóm phân tích dự báo kinh doanh vốn vẫn là kinh doanh huyết mạch của kinh tế Việt Nam, khi mà tỷ lệ dư nợ tín dụng vẫn ở mức cao so với quy mô GDP của nền kinh tế.
"Do đó, chúng tôi cho rằng các ngân hàng có mức độ phơi nhiễm cao với trái phiếu doanh nghiệp hay thị trường BĐS sẽ gặp áp lực thanh khoản và chi phí tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác.", theo VDSC.
Bên cạnh đó, dù nợ xấu phát sinh do Covid có thể tăng nhanh sau khi Thông tư 03 về gia hạn nợ hết hạn, các chuyên gia tại VDSC vẫn cho rằng chi phí tín dụng của các ngân hàng sẽ không tăng quá mạnh bởi lý do này khi mà hầu hết các ngân hàng chúng tôi theo dõi đã trích dự phòng đầy đủ cho các khoản nợ tái cơ cấu ngay cả khi chính sách của NHNN không bắt buộc trong giai đoạn đó.
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, theo VDSC, chỉ số P/B của ngành đã giảm về mức xấp xỉ mức P/B của năm 2012 – 2013, giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng của ngành ngân hàng Việt Nam.
Doanh nghiệp thủy sản nào hưởng lợi lớn nhất nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu 60-100% lên Trung Quốc?
VN-Index có thể đạt mốc 1.345 điểm trước mùa BCTC quý IV/2024