Thủ tướng chỉ đạo 'giải quyết tối đa' vấn đề Mỹ quan tâm, mở đường cho loạt hợp đồng kinh tế trị giá 50 tỷ USD
Ngay sau khi mức thuế đối ứng được tạm hoãn, Việt Nam và Mỹ đã thống nhất sẽ đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương.
Theo kết luận của cuộc họp Thường trực Chính phủ về ứng phó với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ và các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục theo sát diễn biến tình hình, kịp thời đề xuất và thực thi chính sách phù hợp.
Về nhóm giải pháp thương mại, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam vẫn còn nhiều thị trường truyền thống và tiềm năng cần được khai thác hiệu quả. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, Đông Âu, Nam Á, Ai Cập, Nam Mỹ…
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết tối đa và thỏa đáng các vấn đề thương mại phía Hoa Kỳ quan tâm như xuất xứ hàng hóa, hàng rào phi thuế quan, sở hữu trí tuệ; đồng thời mở cửa thị trường với các đối tác và khu vực khác, tích cực thúc đẩy trao đổi hàng hóa với các nước, trong đó có Hoa Kỳ - đặc biệt là các lĩnh vực như máy bay, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), thương mại quốc phòng và an ninh, song song với các biện pháp nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước.
![]() |
Thủ tướng chỉ đạo giải quyết tối đa vấn đề Mỹ quan tâm (Ảnh: Nhật Bắc) |
Trước đó, vào giữa tháng 3/2025, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hoa Kỳ, Đặc phái viên của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã làm việc với Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), Bộ Năng lượng (DOE) và các cơ quan liên quan, đồng thời chứng kiến lễ ký kết và công bố nhiều thỏa thuận hợp tác, hợp đồng mua sắm máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và dịch vụ giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ.
Tổng giá trị các thỏa thuận kinh tế, thương mại giữa doanh nghiệp hai nước dự kiến triển khai từ năm 2025 vào khoảng 90,3 tỷ USD, tạo ra hàng trăm nghìn việc làm cho người lao động tại cả hai quốc gia.
Trong đó, đáng chú ý là các hợp đồng, thỏa thuận đã ký kết và sẽ thực hiện từ năm 2025 có tổng trị giá lên đến 50,15 tỷ USD, tập trung vào lĩnh vực mua sắm máy bay, dịch vụ hàng không, khai thác dầu khí và nhập khẩu sản phẩm lọc hóa dầu.
Mới đây, nhiều thỏa thuận hợp tác giữa các tập đoàn hàng đầu của Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục được ký kết, góp phần hiện thực hóa quan hệ đối tác kinh tế song phương. Theo đó, hãng hàng không Vietjet (HoSE: VJC) và AV AirFinance đã ký thỏa thuận hợp tác 300 triệu USD dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc. Đây là một phần trong gói thỏa thuận tài chính trị giá 4 tỷ USD mà Vietjet đã ký với các đối tác hàng đầu của Mỹ, nhằm phục vụ chiến lược mở rộng đội tàu bay mới, với gần 300 máy bay dự kiến bàn giao trong giai đoạn 2025 - 2027.
Cũng trong dịp này, Vietnam Airlines (HoSE: HVN) đã ký biên bản ghi nhớ với Ngân hàng Citi về cam kết cấp vốn cho các dự án trọng điểm cùng thỏa thuận có giá trị từ 560 triệu USD trở lên.
Việc Việt Nam chủ động xem xét lại thuế nhập khẩu và khuyến khích nhập khẩu hàng hóa chiến lược từ Mỹ không chỉ nhằm giảm áp lực từ thặng dư thương mại, mà còn thể hiện định hướng xây dựng quan hệ đối tác kinh tế bền vững và cân bằng với Hoa Kỳ. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, Việt Nam đang khẳng định vai trò là đối tác thương mại chiến lược của Mỹ tại châu Á, đồng thời tận dụng các cơ hội để nâng cao năng lực trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng và công nghệ cao.
Vào rạng sáng ngày 10/4/2025 (theo giờ Việt Nam), Mỹ công bố quyết định tạm hoãn trong 90 ngày việc áp thuế đối ứng lên đến 46% đối với hàng hóa xuất khẩu từ hơn 75 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Chỉ sau vài giờ, Đặc phái viên của Tổng Bí thư, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã trao đổi với Chính phủ Mỹ để thống nhất việc tổ chức đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương giữa hai quốc gia. Đặc biệt, hai bên đã đồng ý xem xét đàm phán nội dung về thuế quan - nội dung quan trọng nhất của thỏa thuận thương mại lần này.