Chứng khoán

708 triệu USD đơn hàng xuất khẩu bị hủy trong 3 ngày sau đòn thuế của Mỹ, các doanh nghiệp tại 'thủ phủ công nghiệp' phía Nam họp khẩn

Hải Băng 11/04/2025 10:13

Sau khi Mỹ áp thuế cao với hàng hóa nhập khẩu, Bình Dương ghi nhận 708 triệu USD đơn hàng xuất khẩu bị hủy chỉ trong 3 ngày. Tỉnh đã họp khẩn với các hiệp hội, doanh nghiệp để bàn giải pháp ứng phó, tránh đứt gãy sản xuất và mất việc làm.

Theo TTXVN, ngày 10/4, tại trụ sở UBND tỉnh Bình Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Minh Trí đã chủ trì cuộc họp khẩn với đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp và sở ngành nhằm đánh giá tác động từ chính sách thuế nhập khẩu của Mỹ.

Theo báo cáo, Bình Dương hiện là một trong những trung tâm kinh tế năng động nhất miền Nam, với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 ước đạt 59 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD (tăng 12,7%), nhập khẩu đạt 24,5 tỷ USD (tăng 12,2%), thặng dư thương mại khoảng 10 tỷ USD. Riêng thị trường Mỹ chiếm hơn 43% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong nhiều năm gần đây.

Chỉ trong 3 ngày sau thông báo áp thuế (từ 5/4 - 8/4), Bình Dương đã ghi nhận 44 tờ khai xuất khẩu trị giá hơn 708 triệu USD bị hủy và 273 đơn hàng bị đối tác Mỹ thông báo hủy hoặc tạm dừng. Các ngành bị ảnh hưởng nặng nhất là: gỗ nội thất, dệt may, giày dép, điện tử và nhựa.

708 triệu USD đơn hàng xuất khẩu bị hủy trong 3 ngày sau đòn thuế của Mỹ, các doanh nghiệp tại 'thủ phủ công nghiệp' phía Nam họp khẩn
Toàn cảnh buổi họp (Nguồn: TTXVN)

Hiện các hiệp hội ngành hàng đang xây dựng kịch bản ứng phó, chuẩn bị cho 2 kịch bản: Mỹ giữ nguyên hoặc tiếp tục tăng thuế sau 90 ngày.

Ông Nguyễn Liêm - đại diện Hiệp hội Gỗ tỉnh Bình Dương cho biết ngành gỗ đang bị điều tra mở rộng từ phía Mỹ về nguy cơ ảnh hưởng an ninh quốc gia và nghi ngờ gian lận thương mại. Ông cảnh báo nếu mức thuế vượt quá 10%, khả năng cạnh tranh của ngành sẽ giảm 30 - 40%.

Ông Phan Thành Đức - đại diện Hiệp hội Dệt may cho biết ngành đang chịu mức thuế cơ bản 16,6%, nếu cộng thêm 10% sẽ lên tới 26,6% tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp. Nhiều khách hàng Mỹ đã yêu cầu chia sẻ phần thuế hoặc tạm dừng nhập hàng, buộc doanh nghiệp phải cân nhắc giữa lợi nhuận và giữ chân đối tác. Nếu tình hình kéo dài sang mùa sản xuất thứ hai, khả năng cắt giảm lao động là rất lớn. Một số doanh nghiệp tính chuyển hướng sang châu Âu nhưng gặp khó khăn vì thị trường này có nhiều rào cản kỹ thuật.

Ông Nguyễn Quang Vũ - đại diện Hiệp hội Giày da đề xuất mở rộng thị trường sang các quốc gia và khu vực ngách có tiềm năng như Đài Loan (Trung Quốc), đồng thời thành lập các trung tâm R&D tại Việt Nam để giới thiệu sản phẩm mới. Về lâu dài, ngành cần được hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ, nhất là nguyên liệu như cao su và linh kiện. Ông cũng đề xuất xây dựng các khu chợ chuyên biệt và tổ chức kết nối giao thương giữa các tỉnh thường xuyên hơn.

Ông Trần Thành Trọng - đại diện Hiệp hội Cơ điện nhận định ngành cơ điện chưa bị ảnh hưởng nhiều do đặc thù sản phẩm và khách hàng vẫn chấp nhận mức giá cao. Tuy nhiên, ông đề nghị tỉnh hỗ trợ nhanh các thủ tục về môi trường, phòng cháy chữa cháy, đồng thời tăng cường đào tạo nhân lực tay nghề cao và mở rộng thị trường nội địa.

Ông Nguyễn Tiến Thành - đại diện Hiệp hội Gốm sứ cho biết ngành này cũng chịu tác động mạnh do 60% sản phẩm xuất sang Mỹ, 40% sang châu Âu đều là thị trường đang cắt giảm chi tiêu. Trong khi đó, nguyên liệu chính như cao lanh đang khan hiếm, giá cao. Ông đề xuất tỉnh có chính sách khai thác nguyên liệu tại chỗ.

Về phía Hiệp hội Xuất nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp phản ánh hàng hóa đang làm thủ tục hải quan hoặc đã lên tàu nhưng bị yêu cầu tạm dừng giao. Việc này khiến doanh nghiệp bị động, chỉ còn biết chờ đợi kết quả đàm phán cấp cao.

Một số doanh nghiệp lo ngại tình trạng kéo dài sẽ ảnh hưởng tới ngân sách địa phương, gây mất việc làm diện rộng và làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. Nếu không có giải pháp kịp thời, dòng vốn FDI có thể chuyển hướng sang quốc gia khác trong khu vực.

Lãnh đạo Chi cục Hải quan khu vực XVI được yêu cầu tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp: xử lý thủ tục ngoài giờ, đẩy nhanh hoàn thuế, hạn chế chuyển luồng soi chiếu, hỗ trợ kéo dài thời gian lưu kho ngoại quan...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Minh Trí nhấn mạnh: “Bài toán lớn hiện nay là cán cân thương mại. Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ chủ yếu là công nghệ cao, còn xuất khẩu lại là các sản phẩm sử dụng nhiều lao động. Do đó, cần tăng cường minh bạch, chống gian lận thương mại, ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp đội lốt".

Ông cũng đề nghị doanh nghiệp giữ ổn định lao động, phản ánh kịp thời khó khăn để tổ công tác các sở, ngành có thể hỗ trợ nhanh. Tỉnh sẽ kiến nghị tạm hoãn hoạt động thanh tra, kiểm tra đến hết tháng 6 để doanh nghiệp ổn định sản xuất.

>> Nên 'trú ẩn' vào cổ phiếu nào để tránh cơn bão thuế quan?

Trước quyết định ‘bắt đáy’ 1 triệu cổ phiếu HPG, Hoa hậu Mai Phương Thúy từng giúp tài sản tỷ phú Trần Đình Long tăng 2.600 tỷ đồng chỉ trong 1 tuần

Đề nghị điều tra Tổng thống Donald Trump vì hành vi thao túng thị trường tài chính

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/708-trieu-usd-don-hang-xuat-khau-bi-huy-trong-3-ngay-sau-don-thue-cua-my-cac-doanh-nghiep-tai-thu-phu-cong-nghiep-phia-nam-hop-khan-286378.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    708 triệu USD đơn hàng xuất khẩu bị hủy trong 3 ngày sau đòn thuế của Mỹ, các doanh nghiệp tại 'thủ phủ công nghiệp' phía Nam họp khẩn
    POWERED BY ONECMS & INTECH