Thủ tướng Chính phủ: ‘Làm tốt công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn’
Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT cần làm tốt công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn nhằm thúc đẩy lĩnh vực kinh tế mới.
Thực hiện “5 luôn”
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương Bộ KH&ĐT đã hoàn thành xuất sắc khối lượng công việc lớn trong năm 2023.
Tại hội nghị tổng kết Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2023 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế - xã hội cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu.
Qua đó góp phần khẳng định mệnh đề mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực và kết quả rất đáng ghi nhận của toàn ngành KH&ĐT và Thống kê đóng góp vào sự lớn mạnh của đất nước, thực sự là tổng tham mưu có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số hạn chế mà Bộ cần khắc phục trong công tác nắm bắt, dự báo tình hình, phản ứng chính sách, nghiên cứu chiến lược…
>>Việt Nam sẵn sàng làm chủ và đón làn sóng đầu tư vào ngành bán dẫn
Thủ tướng lưu ý ngành KH&ĐT: Việc phản ứng chính sách cần kịp thời, hiệu quả hơn nữa; công tác tham mưu chiến lược trên cơ sở dữ liệu và bám sát tình hình; nghiên cứu sâu hơn, kỹ hơn về tổng cầu, tổng cung trên thế giới… “Không say sưa, thỏa mãn, chủ quan, lơ là, chuẩn bị tâm thế, phản ứng chính sách và nguồn lực với dự báo tình hình tiếp tục khó khăn và có thể khó khăn hơn năm 2023, làm việc tích cực, mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong năm 2024”- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT thực hiện “5 luôn”: Luôn có tư duy sắc bén, đổi mới, nắm bắt nhanh nhạy các vấn đề nổi lên của thế giới, đất nước và có tầm nhìn xa, tham mưu các quyết sách lớn về kinh tế - xã hội cho Đảng, Nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Luôn coi trọng và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tổ chức thực hiện. Luôn xung kích, tiên phong trong thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển các mô hình kinh tế mới, ngành nghề mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo với tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên, góp phần thúc đẩy chuyển đổi nền kinh tế, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Cùng với đó: Luôn đi đầu trong chuyển đổi số, tạo động lực mạnh mẽ phát triển các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế; góp phần tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia; trở thành công cụ quan trọng trong xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập ngày càng sâu rộng. Luôn đẩy mạnh hiệu lực, hiệu quả của công tác thống kê Nhà nước, hiện đại hóa theo hướng khoa học, phản ánh kịp thời, chính xác, đầy đủ, phục vụ ngày càng tốt hơn sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
>>Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam mong muốn phát triển đột phá ngành bán dẫn
Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, thêm 100.000 nhân lực chất lượng cao
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu phải bám sát các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2024.
Thứ nhất, tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác điều hành kế hoạch và điều phối kinh tế vĩ mô. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong công tác điều phối kinh tế vĩ mô.
>>Vingroup, FPT, Viettel sắp bàn việc làm ăn với CEO tập đoàn sản xuất chip hơn 1.100 tỷ USD
Thứ hai, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực); huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển đất nước, nhất là chính sách cho đổi mới sáng tạo. Bởi nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.
Thứ ba, tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nghiên cứu, tham mưu triển khai, thúc đẩy các mô hình, lĩnh vực kinh tế mới, như bán dẫn, hydrogen, năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ... Đặc biệt, cần làm tốt nhiệm vụ đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn.
Thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường công khai, minh bạch. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, chống cơ chế "xin-cho" đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển doanh nghiệp và làm tốt công tác hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài và các nguồn lực từ bên ngoài trong bối cảnh khó khăn...
>>Dồn dập "đại bàng" ngoại đầu tư vào ngành bán dẫn Việt với loạt dự án tỷ đô