Vĩ mô

Thủ tướng dẫn chứng những quyết định quan trọng ứng phó, giữ an toàn đập Thác Bà

Quang Phong 28/09/2024 14:50

Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn chứng kinh nghiệm để bảo đảm an toàn đập Thác Bà, các cơ quan đã đưa ra những quyết định quan trọng, chọn phương án tốt nhất trong các phương án có thể để giảm thiệt hại thấp nhất.

Phát biểu kết luận hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão Yagi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá công tác cảnh báo, dự báo cơ bản tốt, sát tình hình. Công tác tuyên truyền, thông tin tới người dân được các cơ quan, báo chí làm tốt với cách làm sáng tạo.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, kịp thời, quyết liệt, thống nhất, thông suốt từ trên xuống dưới. Công tác phòng chống tích cực, kịp thời, đã huy động cả hệ thống chính trị, các lực lượng và toàn dân vào cuộc, phát huy "4 tại chỗ". Lực lượng quân đội, công an đã huy động gần 300.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ, hàng phương tiện tham gia hỗ trợ nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ.

thu tuong.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Tuy nhiên, thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão vẫn rất lớn. Theo thống kê ban đầu của cơ quan chức năng, tính đến ngày 26/9, bão lũ đã làm 344 người chết và mất tích, gần 2.000 người bị thương. Trên 260 nghìn căn nhà, 1.900 điểm trường bị tốc mái, hư hại, sập đổ, lũ cuốn. Gần 350 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại…

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, công tác khắc phục hậu quả bão, lũ đã được triển khai rất quyết liệt, kịp thời, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm và sự nỗ lực khắc phục khó khăn của người dân, doanh nghiệp.

“Qua đây, chúng ta thấy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, nghĩa đồng bào, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều được thể hiện rất rõ”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng đã chỉ đạo xuất cấp trên 400 tấn gạo, 350 tỷ đồng và nhiều trang thiết bị cứu hộ cứu nạn, y tế, nhu yếu phẩm khác kịp thời hỗ trợ các địa phương cứu trợ người dân. Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã vận động, tiếp nhận ủng hộ tiền và hiện vật trị giá trên 1.760 tỷ đồng. Các tổ chức quốc tế và các nước cứu trợ tiền và hàng trị giá trên 22 triệu USD.

Tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm, đó là việc dự báo, cảnh báo phải kịp thời, chính xác, từ sớm từ xa; Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát tình hình, quyết liệt, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm; Đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân và nhà nước lên trên hết, trước hết.

cau phong chau.jpeg
Cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) bị sập vào sáng 9/9. Ảnh: Đức Hoàng

Ngoài ra, các ngành, các cấp phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chỉ đạo của cấp trên, tình hình thực tế để chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp. Cần coi trọng công tác thông tin truyền thông về tình hình thực tế và hướng dẫn, phổ biến kỹ năng ứng phó, phòng chống, khắc phục hậu quả bão lũ.

Thủ tướng dẫn chứng để bảo đảm an toàn đập Thác Bà, các cơ quan đã đưa ra những quyết định quan trọng để vừa phải phân lũ ở thượng nguồn, vừa phải chuẩn bị phương án phá đập phụ tại trung nguồn, vừa phải sơ tán người dân ở hạ nguồn, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất, chọn phương án tốt nhất trong các phương án có thể để giảm thiệt hại thấp nhất. Cuối cùng, đã không phải thực hiện phương án xấu nhất với đập Thác Bà.

thac ba yen bai 3 1083 2071.jpeg
Thủy điện Thác Bà ở thời điểm đang xả tối đa 3 cửa. Ảnh: Đức Hoàng

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu không để người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc, bị đói, bị rét, không có chỗ ở; các cháu học sinh sớm tới trường, bệnh nhân được chữa bệnh; nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Thủ tướng kêu gọi phát huy tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai"; những nơi không bị ảnh hưởng như miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam làm bù lại cho những nơi tại miền Bắc bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão lũ, phấn đấu tăng trưởng cao hơn, đạt kết quả phát triển kinh tế - xã hội cao hơn; cũng như khi miền Trung bị bão lũ thì miền Bắc, miền Nam làm bù cho miền Trung, trước đây khi miền Nam có chiến tranh thì tất cả vì miền Nam ruột thịt. Tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2024, năm 2025 và của cả nhiệm kỳ.

Nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính rà soát, đề xuất kinh phí hỗ trợ các địa phương từ nguồn ngân sách dự phòng, bảo đảm phù hợp và công bằng giữa các địa phương.

Với các gia đình bị mất nhà cửa, phải xây dựng lại, các địa phương, bộ ngành liên quan phải hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12 với vách cứng, nền cứng, mái cứng. Thủ tướng yêu cầu hoàn thành khắc phục cơ sở trường học, bệnh viện, trạm xá trong tháng 10; Rà soát, thực hiện đầy đủ các chính sách với các đối tượng bị tác động.

Riêng với cầu Phong Châu bị sập, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng tỉnh Phú Thọ phải xây dựng lại xong chậm nhất trong năm 2025, nếu cần cơ chế, chính sách thì báo cáo Chính phủ.

Sau sự cố sập cầu Phong Châu, phần còn lại của dự án có đảm bảo an toàn?

Công an đề nghị lập tổ chuyên môn xác định nguyên nhân sập cầu Phong Châu

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/thu-tuong-dan-chung-nhung-quyet-dinh-quan-trong-ung-pho-giu-an-toan-dap-thac-ba-2326829.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Thủ tướng dẫn chứng những quyết định quan trọng ứng phó, giữ an toàn đập Thác Bà
POWERED BY ONECMS & INTECH