Vĩ mô

Thủ tướng làm việc với 12 tập đoàn tư nhân: Các doanh nghiệp lớn cần tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới

Khúc Văn 21/09/2024 - 15:05

Trước các vấn đề lớn của dân tộc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng các doanh nghiệp lớn cần giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở những lĩnh vực khác.

Bộ trưởng hỏi: Doanh nghiệp đang mong muốn điều gì?

Sáng 21/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Cùng tham dự hội nghị có lãnh đạo của 12 tập đoàn tư nhân lớn: Tập đoàn Vingroup; Tập đoàn Sungroup; Tập đoàn Thaco; Tập đoàn Hòa Phát; Công ty cổ phần tập đoàn TH; Tập đoàn thủy sản Minh Phú; Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan; T&T Group; Công ty Cổ phần Tập đoàn Sovico; Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE); Tập đoàn Geleximco; Tập đoàn KN.

Đây là các tập đoàn, danh nghiệp có thể mạnh, đang ở các vị trí quan trọng trong các ngành, lĩnh vực.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nhận xét kinh tế tư nhân đóng góp 45% GDP chiếm 40% vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra 85% việc làm cho tổng số lao động, chiếm 35% kim ngạch nhập khẩu và 25% kim ngạch xuất khẩu. Nhóm doanh nghiệp tư nhân đã khẳng định vai trò đối với khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh đại dịch, cạnh tranh chiến lược gay gắt, xung đột diễn ra ở nhiều nơi, đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất ảnh hưởng tới kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp đã

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, Hội nghị hôm nay giống như "Hội nghị Diên hồng" đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân để Chính phủ và các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, bàn về những vấn đề lớn của đất nước, trong đó có vai trò của các doanh nghiệp lớn.

“Trước tình hình của đất nước như thế thì suy nghĩ của các doanh nghiệp lớn đối với đất nước hiện nay là gì? Các doanh nghiệp tin tưởng điều gì và có mong muốn gì?”, ông Dũng đặt vấn đề.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Theo đó, ông Dũng cho rằng đất nước đang ở thời điểm rất quan trọng khi thế giới chứng kiến nhiều thay đổi lớn, sự ra đời của các ngành công nghiệp mới, thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn kéo theo sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư sự điều chỉnh trong cấu trúc đầu tư thương mại. Điều này vừa đặt ra các nguy cơ, thách thức nhưng đồng thời cũng mang đến cho các quốc gia thời cơ, vận hội mới.

Bối cảnh mới đang đặt ra các yêu cầu mới cho định hướng phát triển của đất nước. Chúng ta không chỉ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng mà phải là tăng trưởng xanh, bền vững. Không chỉ là phát triển các ngành kinh doanh truyền thống, mà còn phải dồn lực để thu hút đầu tư và tạo sự bứt phá cho các ngành công nghiệp tiên phong.

Chúng ta không chỉ tăng trưởng dựa vào vốn, vào khai thác tài nguyên như trước, mà phải dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Không phải chỉ là phát huy, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống mà còn phải phát huy được các động lực tăng trưởng mới đến từ kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và bằng cả các mô hình kinh tế mới.

“Trước các nhiệm vụ lớn của đất nước như vậy các doanh nghiệp lớn có mạnh dạn đăng ký tham gia thực hiện các nhiệm vụ nào không? Có thể là một mình hoặc liên kết với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI để thực hiện một nhiệm vụ nào đó? Chính phủ có thể giao nhiệm vụ gì cho doanh nghiệp lớn, đi kèm nguồn lực gì, cơ chế gì?”, Bộ trưởng đặt thẳng vấn đề với các lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

Các nhiệm vụ lớn mà Bộ trưởng Dũng nhắc đến rất cụ thể, đó là đầu tư vào các lĩnh vực mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch theo xu hướng phát triển xanh, tuần hoàn, bền vững như: xe điện, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo AI, nông nghiệp chất lượng cao và phát thải thấp… , tham gia vào các dự án lớn của đất nước như: đường sắt cao tốc Bắc-Nam, đường sắt đô thị, Đường cao tốc Viên Chăn - Hà Nội, Đường sắt Viên Chăn - Vũng Áng, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi, …

>>Giải ngân đầu tư công chậm: Khúc mắc cần tháo gỡ để thúc đẩy kinh tế Việt Nam ‘bứt phá’

Doanh nghiệp lớn phải phát huy vai trò tiên phong

Ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định thời điểm hiện tại các doanh nghiệp lớn cần phát huy vai trò tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng và làm chủ khoa học công nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tiên phong trong hội nhập quốc tế, đầu tư ra nước ngoài hiệu quả; tiên phong khai thác hiệu quả các nguồn lực của đất nước; tiên phong trong nghiên cứu, thực hiện chính sách đột phá phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với làm tốt an sinh xã hội; tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh trong phát triển doanh nghiệp.

Thủ tướng làm việc với 12 tập đoàn tư nhân: Các doanh nghiệp lớn cần tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN.

"Các doanh nghiệp lớn cần chủ động đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở những lĩnh vực khác", Bộ trưởng đề nghị.

Ông Dũng cũng khẳng định với tiềm lực tài chính, năng lực nghiên cứu và phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao, bề dày kinh nghiệm và thương hiệu lâu đời, đã đến lúc đặt lên vai các doanh nghiệp lớn những sứ mệnh lớn lao hơn.

>>Bước ngoặt thắt chặt tài khóa vào năm 2025: Cần thiết hay thách thức?

Giải pháp để doanh nghiệp lớn thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, đội ngũ doanh nghiệp vừa và lớn hiện vẫn chưa thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế như kỳ vọng.

Ví dụ, tỷ trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là trong các lĩnh vực mới như: sản xuất năng lượng sạch, chip, vi mạch, bán dẫn, hydrogen...còn thấp. Chúng ta chưa có các dự án quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

"Hoạt động của các doanh nghiệp lớn còn tương đối độc lập, tính liên kết, lan tỏa, dẫn dắt chưa thể hiện rõ khi tỷ lệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn thấp. Các doanh nghiệp lớn chưa thực hiện hết vai trò tiên phong, dẫn dắt quá trình phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và nền kinh tế", Bộ trưởng nhìn nhận.

Bên cạnh đó, đội ngũ doanh nhân nước ta còn non trẻ, chưa tích lũy được nhiều về vốn, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm, truyền thống kinh doanh. Với phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, các doanh nghiệp nước ta chưa có công nghệ gốc, chưa đủ tiềm lực để số hóa và xanh hóa hoạt động kinh doanh. Tỷ trọng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực sản xuất chế biến còn hạn chế.

Bộ trưởng đưa ra một số giải pháp như tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung ngay các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn; tập trung vào các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các yếu tố đầu vào của sản xuất như: vốn, đất đai, nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển (R&D) và các yếu tố đầu ra như thị trường, thương hiệu.

Đồng thời, các Bộ ngành cần nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

>> ILO: Khu vực hộ kinh doanh cá thể đóng góp 30% GDP nhưng chỉ đóng góp 1,6% ngân sách Nhà nước

Thủ tướng chủ trì cuộc họp với 12 doanh nghiệp tư nhân VIC, HPG, MSN…

Nghị quyết 41: Kim chỉ nam để doanh nghiệp tư nhân bùng nổ trong thời kỳ mới

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thu-tuong-lam-viec-voi-12-tap-doan-tu-nhan-cac-doanh-nghiep-lon-can-tien-phong-trong-nhung-viec-lon-viec-kho-viec-moi-249816.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thủ tướng làm việc với 12 tập đoàn tư nhân: Các doanh nghiệp lớn cần tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới
    POWERED BY ONECMS & INTECH