Dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập của Vietcombank, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước và toàn ngành ngân hàng tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm trong bối cảnh hiện nay.
Sáng 31/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu ý kiến tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (1/4/1963-1/4/2023) và đón nhận danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Cùng dự có đồng chí Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; đại diện một số cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi thư, lẵng hoa chúc mừng.
Ngân hàng đầu tiên của Việt Nam đưa tỉ lệ nợ xấu xuống dưới 1%
Tiền thân là Sở Quản lý ngoại hối Trung ương trực thuộc Ngân hàng quốc gia Việt Nam (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam được thành lập theo Nghị định số 115/CP ngày 30/10/1962 của Hội đồng Chính phủ.
Ngay từ khi chính thức đi vào hoạt động (ngày 1/4/1963), cùng với việc tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đã tham gia gánh vác một sứ mệnh đặc biệt quan trọng - đó là duy trì dòng huyết mạch ngoại tệ chi viện cho chiến trường miền Nam thông qua "Quỹ ngoại tệ đặc biệt", làm nên một trong 5 con đường huyền thoại - "Con đường tiền tệ" gắn với chiến công xuất sắc và sự hy sinh anh dũng, thầm lặng của nhiều cán bộ, chiến sĩ; được Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân; góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau khi đất nước được thống nhất, Vietcombank đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là chống lại bao vây, cấm vận, mở rộng các quan hệ hợp tác quốc tế, kế thừa quyền hội viên của Việt Nam tại Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), mở rộng mạng lưới ngân hàng đại lý với hơn 500 đơn vị ngân hàng đại lý trên toàn thế giới, mở văn phòng đại diện tại nước ngoài; trở thành ngân hàng đối ngoại duy nhất của Việt Nam thực hiện các hoạt động về ngoại tệ, thanh toán giao dịch quốc tế và cung ứng tín dụng xuất nhập khẩu, cho vay và hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần tháo gỡ khó khăn chung của đất nước.
Bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập, thực hiện chủ trương chuyển đổi toàn diện hệ thống ngân hàng, Vietcombank đã phát triển trở thành một ngân hàng thương mại quốc doanh trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, tham gia sâu rộng hơn vào thị trường tiền tệ thế giới; trong đó tham gia đàm phán xử lý nợ thành công tại Câu lạc bộ Paris và nợ thương mại tại Câu lạc bộ London; tiên phong trong nâng cao năng lực quản trị và ứng dụng công nghệ mới; tham gia đầu tư nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực quan trọng của đất nước; xây dựng và thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2000-2005; được lựa chọn là ngân hàng tiên phong thực hiện cổ phần hóa trong ngành ngân hàng và đã thực hiện thành công phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng với nguồn thặng dư lên tới gần 10.000 tỷ đồng vào năm 2007; là ngân hàng tiên phong trong việc bán vốn thành công cho cổ đông chiến lược nước ngoài vào năm 2011.
Giai đoạn một thập kỷ gần đây đã đánh dấu sự chuyển mình, bứt phá ngoạn mục của Vietcombank với sự tăng trưởng hết sức ấn tượng về quy mô, chất lượng và hiệu quả kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành ngân hàng và sự phát triển của đất nước. Là một trong 4 ngân hàng thương mại Nhà nước có quy mô lớn nhất trong hệ thống ngân hàng, Vietcombank luôn gương mẫu đi đầu, nghiêm túc chấp hành và thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, vừa đáp ứng kịp thời, hiệu quả các nhu cầu vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng có chất lượng phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, vừa góp phần kiềm chế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Là một trong những ngân hàng tiên phong xây dựng và thực hiện thành công phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, Vietcombank đã đạt được những chuyển dịch tích cực mang tính đột phá, toàn diện và hiệu quả. Từ năm 2012 đến nay, quy mô tổng tài sản tăng 3,5 lần, huy động vốn và tín dụng tăng 4 lần. Cơ cấu kinh doanh chuyển dịch mạnh mẽ theo chiều sâu, hiệu quả, bền vững; đi đầu trong đột phá công nghệ và chuyển đổi số nhằm cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, chất lượng cao. Các chỉ tiêu an toàn, chỉ tiêu hiệu quả luôn đi đầu trong đáp ứng theo tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế. Vietcombank là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam đưa tỉ lệ nợ xấu xuống dưới 1%, phân loại nợ theo chuẩn mực quốc tế.
Vietcombank hiện là doanh nghiệp niêm yết lớn nhất Việt Nam, đứng đầu về quy mô lợi nhuận, quy mô đóng góp cho ngân sách Nhà nước; đứng trong số 100 ngân hàng niêm yết có quy mô vốn hóa lớn nhất toàn cầu (18,5 tỷ USD); là ngân hàng Việt Nam duy nhất có hiện diện thương mại ở cả 3 trung tâm tài chính thế giới là Hồng Kông (Trung Quốc), Mỹ và Singapore. Vietcombank đạt nhiều giải thưởng lớn của các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế, như ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất, ngân hàng nộp thuế doanh nghiệp lớn nhất, ngân hàng mạnh nhất, ngân hàng tốt nhất, ngân hàng uy tín nhất Việt Nam, top 200 tổ chức tài chính ngân hàng có lợi nhuận cao nhất toàn cầu, top 1000 doanh nghiệp đại chúng lớn nhất toàn cầu năm 2021.
Vietcombank đã chủ động, tích cực tham gia hỗ trợ, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, góp phần ổn định tình hình, giữ vững an ninh tiền tệ, tín dụng, ngân hàng, củng cố niềm tin của nhân dân. Vietcombank cũng là ngân hàng tiên phong trong thực hiện chủ trương cơ cấu lại các khoản vay, miễn, giảm lãi, phí hỗ trợ khách hàng bị tác động của đại dịch COVID-19; chú trọng thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong đó từ năm 2012 đến nay đã dành hơn 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời thúc đẩy tín dụng xanh, hướng tới một ngân hàng xanh, phát triển bền vững vì cộng đồng.
Phát huy vai trò chủ lực, chủ đạo, tiên phong trong hệ thống ngân hàng Việt Nam
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm cao và những thành tích xuất sắc mà các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, người lao động Vietcombank đã đạt được, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của ngành ngân hàng và cả nước.
Thủ tướng nhắc lại, đánh giá khái quát kết quả đạt được của Vietcombank trong trong suốt hành trình 60 năm qua, trong Thư chúc mừng ngày 25/3/2023, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: "Trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, Vietcombank cũng luôn luôn phát huy vai trò chủ lực, chủ đạo, tiên phong trong hệ thống Ngân hàng Việt Nam, thể hiện bản lĩnh vững vàng, tinh thần năng động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, có những bước tiến vượt bậc, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, gương mẫu chấp hành và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của ngành Ngân hàng. Đến nay, đã có sự lớn mạnh, khẳng định vị thế, uy tín và có những đóng góp ngày càng lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Với những thành tích xuất sắc, toàn diện đã đạt được, Vietcombank đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Nhân dịp này, Vietcombank tiếp tục vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Theo Thủ tướng, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 còn kéo dài, cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, xung đột ở Ukraine vẫn còn căng thẳng; tình trạng lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất, suy giảm tăng trưởng ở nhiều nước, nhất là các đối tác lớn của ta; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế có xu hướng gia tăng.
Nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động rất lớn từ bên ngoài, nhất là về thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ và những vấn đề tồn tại, hạn chế, bất cập nội tại kéo dài từ lâu đã bộc lộ rõ hơn trong khó khăn; trong khi đó dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng bất thường, gây hậu quả nặng nề. Bối cảnh đó đặt ra nhiệm vụ rất nặng nề đối với các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là hệ thống ngân hàng với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ cũng ghi nhận và biểu dương tinh thần chủ động, tích cực, sự nỗ lực rất lớn và những kết quả quan trọng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và toàn ngành ngân hàng trong thời gian qua, nhất là những năm gần đây. Ngành ngân hàng đã cùng các cấp, các ngành, các địa phương luôn đồng hành, chia sẻ, kề vai, sát cánh, nỗ lực cùng Nhân dân cả nước và cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, những ảnh hưởng tiêu cực "kép" bởi các yếu tố từ bên ngoài cũng như những hạn chế, bất cập bên trong của nền kinh tế kéo dài từ nhiều năm và bộc lộ sâu, rộng hơn sau đại dịch; ngành ngân hàng đã góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả hơn nữa
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và toàn ngành ngân hàng tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao hơn nữa để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức trong thời gian tới, nhất là trước bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức như đã nêu trên; tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và nhiều chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó chú trọng một số nội dung trọng tâm.
Thứ nhất, thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả hơn nữa; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khoá mở rộng phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thứ hai, tăng cường phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; trong thiết kế, xây dựng và thực hiện các chính sách liên quan, cần lưu ý tìm giải pháp, cách làm, lộ trình phù hợp, hiệu quả để bảo đảm sự cân bằng hài hòa, hợp lý về 4 vấn đề quan trọng: Giữa lãi suất và tỷ giá; giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu; giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; giữa tình hình bên trong và tình hình bên ngoài.
Thứ ba, rà soát, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất, chi phí cho vay, gắn với kịp thời thực hiện các giải pháp phù hợp góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thiết thực cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân; đồng thời rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng khả năng tiếp cận tín dụng kịp thời, hiệu quả cho doanh nghiệp, người dân.
Thứ tư, bảo đảm tăng trưởng tín dụng kịp thời, hợp lý, hiệu quả gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu), góp phần tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội (nhất là lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở công nhân).
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, gia hạn nợ…; nâng cao năng lực tài chính, quản trị và chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng; đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát, bảo đảm tuyệt đối an toàn hệ thống và an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
Thứ sáu, tiếp tục đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố, tăng cường niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Đối với hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được; tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập; nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; kịp thời có giải pháp hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đồng thời thực hiện đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát triển theo định hướng đã được đề ra trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến 2030: Các tổ chức tín dụng trong nước đóng vai trò chủ lực; hoạt động minh bạch, cạnh tranh, an toàn, hiệu quả bền vững; cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình; dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, phù hợp với chuẩn mực hoạt động theo thông lệ quốc tế, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025; năng động, sáng tạo để thích ứng với quá trình tự do hóa và toàn cầu hóa; đáp ứng nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng ngày càng gia tăng của nền kinh tế, tiến tới tài chính toàn diện vào năm 2030, bảo đảm mọi người dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đầy đủ, thuận tiện các dịch vụ tài chính, ngân hàng có chất lượng, đóng góp tích cực cho phát triển bền vững. Đồng thời, tăng cường hơn nữa sự hợp tác với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế, các ngân hàng nước ngoài, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả.
Chinh phục hành trình 'Vươn ra biến lớn', giữ vững vị trí ngân hàng số 1 Việt Nam
Đối với Vietcombank, để chinh phục hành trình "Vươn ra biến lớn", hiện thực hóa mục tiêu chiến lược: tiếp tục giữ vững vị trí ngân hàng số 1 Việt Nam, đứng trong số 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á, 300 tập đoàn ngân hàng tài chính lớn nhất thế giới, 1.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu, đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam, Thủ tướng đề nghị tập trung quán triệt, thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Theo đó, phát huy hơn nữa vai trò là ngân hàng chủ lực, chủ đạo, dẫn dắt thị trường của hệ thống các tổ chức tín dụng, Vietcombank tiếp tục tiên phong thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vừa thực hiện tốt chức năng tín dụng ngân hàng, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, vừa góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.
Trong đó, đặc biệt lưu ý tiếp tục tiên phong trong việc hiện đại hóa quản trị, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp, quản trị nguồn vốn và sử dụng vốn hiệu quả để điều hòa và đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ thiết thực cho phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Chủ động, tích cực tham gia các chương trình tín dụng chính sách, nhất là Chương trình tín dụng nhà ở xã hội, thúc đẩy phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội theo tinh thần Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ.
Với tiềm lực tài chính vững mạnh, hệ thống quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu quả và mạng lưới khách hàng sâu rộng, Vietcombank cần tích cực tham gia, phát huy vai trò thúc đẩy phát triển các công trình kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là theo hình thức đối tác công-tư (PPP), góp phần tạo nền tảng cho phát triển nhanh, bền vững.
Tích cực hưởng ứng, tiên phong trong thực hiện các chủ trương, chính sách và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, chủ động thực hiện các giải pháp phù hợp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển các thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản lành mạnh, an toàn, hiệu quả, bền vững.
Cùng với việc thực hiện các mục tiêu trước mắt, Vietcombank cần xác định rõ mục tiêu, định hướng và các nhiệm vụ, giải pháp phát triển trung, dài hạn phù hợp với chiến lược phát triển ngành ngân hàng và xu thế phát triển chung của hệ thống ngân hàng trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là nâng cao năng lực quản trị, tài chính và hiệu quả kinh doanh gắn với hiện đại hoá công nghệ ngân hàng. Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ các tổ chức tín dụng khác; tích cực tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém; trên cơ sở đó cùng toàn ngành ngân hàng nỗ lực phấn đấu đạt được mục tiêu chiến lược đề ra đối với hệ thống các tổ chức tín dụng (đến năm 2025 hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN; đến năm 2030 mọi người dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đầy đủ, thuận tiện các dịch vụ tài chính, ngân hàng có chất lượng, thực hiện tài chính toàn diện, đóng góp tích cực cho phát triển bền vững).
Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đã xác định mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất từ 2 đến 3 ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á và từ 3 đến 5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài. Vietcombank cần là ngân hàng tiên phong nhận nhiệm vụ này; tập trung nguồn lực đầu tư, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đi đầu trong đột phá công nghệ và chuyển đổi số, phấn đấu đạt mức độ trưởng thành về chuyển đổi số thuộc nhóm các ngân hàng dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.
Chú trọng hơn nữa đến phát triển bền vững gắn với các tiêu chuẩn quản trị, môi trường và xã hội, Vietcombank cần tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đồng hành cùng các chương trình tín dụng xanh, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.
Thủ tướng đề nghị Vietcombank tiếp tục tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống, đề cao đạo đức kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp và tính tuân thủ, thượng tôn pháp luật, góp phần phòng chống và ngăn ngừa vi phạm pháp luật, lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vượt qua khó khăn, thách thức.
Nhiệm vụ đặt ra đối với Vietcombank nói riêng, toàn ngành ngân hàng nói chung là rất nặng nền nhưng cũng rất vẻ vang. Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, Vietcombank sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những thành tựu đã đạt được, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; tiếp tục đổi mới toàn diện, nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh; duy trì, củng cố vị thế là ngân hàng số 1 tại Việt Nam và từng bước vững chắc vươn tầm khu vực và thế giới. Chính phủ và các cấp, các ngành, các địa phương luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để Vietcombank nói riêng và ngành ngân hàng nói chung hoàn thành tốt sứ mệnh, nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng đề nghị tập thể Ban Lãnh đạo và toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động Vietcombank tiếp tục giữ gìn sự đoàn kết, chung sức đồng lòng, đồng tâm hiệp lực; phát huy mạnh mẽ bản lĩnh, trí tuệ, văn hóa Vietcombank ("Tín - Chuẩn - Mới - Bền - Nhân") và truyền thống tiên phong, mở đường; không ngừng đổi mới, sáng tạo, tiếp tục đóng góp, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự phát triển nhanh, mạnh, bền vững, an toàn và hiệu quả của Vietcombank, góp phần sớm hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược đã đề ra, xứng đáng với các thế hệ đi trước và sự tin yêu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
4 tác động tới ngành ngân hàng Việt Nam sau chiến thắng của ông Donald Trump
Nhóm ngân hàng tăng trưởng 17,65% trong quý III, báo lãi trên 70.100 tỷ đồng