Vĩ mô

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp, tinh gọn bộ máy khó mấy cũng phải làm

Thu Hằng 04/12/2024 - 14:17

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sắp xếp tinh gọn bộ máy là việc khó, thậm chí rất khó nhưng không làm không được và khó mấy cũng phải làm, vì hiện bộ máy còn cồng kềnh, nhiều cấp trung gian, nhiều cấp hành chính, dẫn tới nhiều công việc ách tắc.

Sáng 4/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Chính phủ quán triệt, triển khai về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Phải làm tốt công tác tư tưởng

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta vừa phải hoàn thành các nhiệm vụ năm 2024, vừa rà soát để hoàn thành nhiệm vụ cả nhiệm kỳ, vừa thực hiện tổ chức sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Nhấn mạnh Trung ương đã làm rất bài bản, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 và tiến hành phiên họp đầu tiên.

thutuong 1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc

Theo Thủ tướng, sắp xếp tinh gọn bộ máy là việc khó, thậm chí rất khó nhưng không làm không được và khó mấy cũng phải làm, vì hiện bộ máy còn cồng kềnh, nhiều cấp trung gian, nhiều cấp hành chính, dẫn tới nhiều công việc ách tắc.

Trước nhiệm vụ khó, nặng nề, thời gian ngắn, yêu cầu cao, công việc phức tạp, nhạy cảm, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành phát huy tinh thần trách nhiệm, cùng cấp ủy và các cơ quan thuộc bộ, ngành quán triệt, tổ chức thực hiện thật tốt, bảo đảm khoa học với lộ trình, bước đi phù hợp, hiệu quả.

Theo Thủ tướng, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy lần này cần gắn với phát huy trách nhiệm cá nhân của từng thành viên Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành, cá nhân lãnh đạo các cơ quan.

Nhiệm vụ này phải gắn với việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, với việc lựa chọn cán bộ đúng, trúng, phát huy trách nhiệm cá nhân của mỗi người với nhiệm vụ được giao, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết.

"Phải làm tốt công tác tư tưởng, thống nhất ý chí để cùng hành động, cùng làm. Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi", Thủ tướng nhấn mạnh.

Về thời gian, cách làm, phương pháp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan quán triệt tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ, khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo với tổ giúp việc của bộ, ngành mình để tổ chức thực hiện tổng kết Nghị quyết 18 và phát huy tinh thần chủ động trong sắp xếp theo lộ trình của Trung ương và hướng dẫn chung.

Yêu cầu các Bộ trưởng dành thời gian, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thật tốt công tác này, Thủ tướng lưu ý, cần vừa sắp xếp tổ chức Đảng, vừa sắp xếp hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, làm đồng thời theo định hướng của Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ.

Quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy vừa phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị, vừa tổng kết năm 2024, do đó, phải phân công nhiệm vụ cụ thể của lãnh đạo các bộ, ngành trên tinh thần phát huy tối đa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm cá nhân.

Tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực, cơ bản kết thúc mô hình tổng cục

Thủ tướng yêu cầu căn cứ chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ lên kế hoạch cụ thể với ngày giờ rõ ràng để các bộ, ngành thực hiện.

Các bộ, ngành phối hợp với Bộ Nội vụ giải quyết các vấn đề phát sinh, báo cáo ngay các vấn đề vượt thẩm quyền. Các Phó Thủ tướng theo lĩnh vực phân công chủ động làm việc với các bộ, ngành để triển khai và kiểm tra công việc thường xuyên. Ban Chỉ đạo của Chính phủ họp hằng tuần để triển khai công việc, nắm bắt tình hình và xử lý các vướng mắc.

phamthithanhtra 01.jpg
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Nhật Bắc

Về phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Thủ tướng yêu cầu bám sát Nghị quyết 18, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và lưu ý mục tiêu chung là hoàn thành sớm việc xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của từng cơ quan phù hợp, hiệu quả, tinh gọn, sử dụng đội ngũ cán bộ tinh nhuệ hơn.

Đồng thời tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực, giảm bớt khâu trung gian, cơ bản kết thúc mô hình tổng cục trực thuộc các bộ; lựa chọn tên gọi các bộ, cơ quan ngắn gọn, bao quát chức năng, nhiệm vụ, vừa có tính lịch sử, kế thừa, nhất là các bộ hợp nhất.

Với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, cần tổng kết, phát huy các mô hình thành công đã có, nghiên cứu, lựa chọn mô hình phù hợp để làm tốt việc quản lý vốn, phát triển vốn nhà nước và tập trung cho đầu tư, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp nhà nước dựa trên hiệu quả tổng thể.

Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng, bảo đảm chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật không để khoảng trống pháp lý và xây dựng phương án để khi sắp xếp xong thì bắt tay ngay vào công việc.

Thủ tướng đề nghị các cơ quan truyền thông dành nhiều thời lượng, đẩy mạnh thông tin về những đơn vị làm tốt, các mô hình hay; đẩy mạnh tuyên truyền về các thành tựu, kết quả phát triển đất nước.

Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa đề nghị phát huy tinh thần trách nhiệm của các Ủy viên Trung ương, Bộ trưởng, trưởng ngành. Bởi nếu người đứng đầu gương mẫu làm tốt thì cấp dưới sẽ tin tưởng và lan tỏa tinh thần xuống toàn bộ các cơ quan, điều quan trọng nhất là vì lợi ích chung, lợi ích quốc gia, dân tộc.

>> Thủ tướng chủ trì Hội nghị của Chính phủ quán triệt, triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Thủ tướng chủ trì Hội nghị của Chính phủ quán triệt, triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Tổng Bí thư: Tinh gọn bộ máy rất khó, nhưng 'phải nhẹ đi mới bay được cao'

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-sap-xep-tinh-gon-bo-may-kho-may-cung-phai-lam-2348483.html
Bài liên quan
  • Tinh gọn bộ máy: Vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu
    “Sắp xếp tinh gọn bộ máy là tình huống cụ thể để người đứng đầu các cấp thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu của mình. Người đứng đầu mà nêu gương, vì lợi ích chung sẽ có được niềm tin, sự lan tỏa, đồng thuận, từ đó sẽ mang lại hiệu quả cao”, TS Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, nhận định.
  • Cách mạng tinh gọn bộ máy: Việc phải làm và người quyết làm
    Phải dùng 2 chữ thần tốc để diễn tả hết những gì đang diễn ra trong việc triển khai cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy.
  • Khẳng định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy
    Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu phải khẩn trương, tích cực thực hiện tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và tiến hành cuộc cách mạng về sắp xếp, tổ chức, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị.
  • Tập trung tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy
    Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu hướng dẫn công tác tuyên truyền các nội dung của Hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp, tinh gọn bộ máy khó mấy cũng phải làm
    POWERED BY ONECMS & INTECH