Thủ tướng: Thể chế là 'đột phá của đột phá' để khơi thông mọi nguồn lực
Ngày 4/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11/2024, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ.
Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến về 6 đề nghị xây dựng luật, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; và dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau khi cho ý kiến về từng nội dung cụ thể, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, sau một ngày làm việc khẩn trương, sôi nổi với tinh thần trách nhiệm cao, Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với 7 nội dung quan trọng (6 đề nghị xây dựng luật, 1 dự án pháp lệnh).
Thủ tướng đánh giá cao các Bộ: Quốc phòng, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Công an, Nội vụ đã nỗ lực, tích cực chuẩn bị, trình các nội dung; nghiêm túc tiếp thu, giải trình ý kiến của Thường trực Chính phủ, ý kiến của thành viên Chính phủ để chỉnh lý, hoàn thiện các đề nghị, dự án luật, pháp lệnh; các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn, sâu sắc, có chất lượng của các đồng chí thành viên Chính phủ và các đồng chí đại biểu tham dự phiên họp.
Thủ tướng đề nghị các đồng chí Bộ trưởng chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các thành viên Chính phủ và các đại biểu, hoàn thiện các đề nghị, dự án pháp lệnh theo quy định; Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, phát hiện những vấn đề vướng mắc, bất cập trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, lắng nghe các ý kiến góp ý, trong đó có các ý kiến góp ý qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Thủ tướng đề nghị các đồng chí Phó Thủ tướng theo lĩnh vực phụ trách quan tâm, trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện 7 nội dung quan trọng nêu trên; giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết phiên họp để thống nhất triển khai.
Về các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới trong công tác xây dựng pháp luật, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tổng kết thực tiễn để xây dựng chính sách, đánh giá tác động chính sách; triển khai cụ thể hoá, thể chế hoá các đường lối, chính sách của Đảng; tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc liên quan đến các lĩnh vực thuộc 7 dự án, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh trên.
Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị cần thay đổi tư duy làm luật theo hướng: Vừa quản lý được, vừa thông thoáng, khơi thông và huy động mọi nguồn lực để phát triển đất nước, nhất là trong giai đoạn tới phải đạt tăng trưởng 2 con số, thực hiện 2 mục tiêu 100 năm của đất nước; luật quy định khung, mang tính nguyên tắc, còn các vấn đề cụ thể trong thực tiễn, nhiều khi diễn ra nhanh hơn quy định của luật thì giao Chính phủ, các bộ, ngành hướng dẫn để phù hợp với tình hình.
Cùng với đó, rà soát lại, kiên quyết bỏ các cơ chế xin-cho, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng các luật, pháp lệnh; không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Chính phủ và các bộ, ngành chỉ tập trung quản lý nhà nước, xây dựng chiến lược, quy hoạch, chính sách, luật pháp, xây dựng các công cụ kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật. Đồng thời, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, giảm tiếp xúc và giao dịch trực tiếp, giảm tiêu cực, tham nhũng vặt.
Thủ tướng cũng lưu ý việc diễn đạt các nội dung của các dự án luật, pháp lệnh ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, rõ ý, rõ nghĩa, rõ quyền hạn, rõ trách nhiệm, dễ hiểu, dễ kiểm tra, dễ giám sát; tăng cường phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của các cấp, tăng cường giám sát, kiểm tra, tăng cường hậu kiểm, giảm tiền kiểm.
Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan soạn thảo tiếp tục lấy ý kiến của các đối tượng bị tác động, các cơ quan liên quan, các nhà khoa học, chuyên gia, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đồng thời làm tốt công tác truyền thông chính sách, nhất là với những vấn đề mới, vấn đề khó.
Chỉ đạo khẩn trương triển khai thi hành các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo kịp thời soạn thảo, trình, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua. Đồng thời, khẩn trương đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên tinh thần sát thực tế, tránh thủ tục rườm rà không cần thiết.
Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục rà soát các luật đã ban hành, nhất là những vấn đề vướng mắc, lạc hậu hoặc chưa theo kịp với thực tiễn để hoàn thiện hệ thống pháp luật, vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đó, thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó giải quyết, nếu vượt thẩm quyền thì đề xuất có thẩm quyền; quán triệt yêu cầu đổi mới trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật.
Nhấn mạnh thể chế là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", cũng là "đột phá của đột phá", là "động lực, nguồn lực cho sự phát triển", Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật; tích cực tham gia ý kiến với các luật do các cơ quan khác xây dựng; tiếp tục ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư thời gian, công sức, nguồn lực con người, cơ sở vật chất trong công tác thể chế.
Theo VGP
>>Tổng thống và Thủ tướng Hàn Quốc nhóm họp giữa lúc phe đối lập kêu gọi luận tội