Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Viettel, VNPT, MobiFone và GTEL cần đóng vai trò dẫn dắt, đi đầu trong việc nghiên cứu công nghệ mới nổi như chip bán dẫn...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg, ngày 22/2/2024, về đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), VNPT, MobiFone, Tổng công ty Công nghệ - viễn thông toàn cầu (GTEL)… đóng vai trò dẫn dắt, đi đầu trong việc nghiên cứu công nghệ mới nổi, trong đó có chip bán dẫn. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy các dự án đầu tư phát triển và phổ cập hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số; phát triển hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số và nền tảng số, ứng dụng số tạo động lực phát triển kinh tế số.
Công nghiệp bán dẫn được xem là ngành công nghiệp nền tảng và còn là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong vòng 30-50 năm tới. Việt Nam đã xây dựng Chiến lược quốc gia về Công nghiệp bán dẫn và sẽ bắt đầu thực hiện trong năm 2024. Đây cũng là ngành được Thủ tướng Chính phủ mong muốn phát triển đột phá trong thời gian tới.
Trong chuyến công tác tại Nhật Bản vào giữa tháng 12/2023, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản cùng Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; đồng thời đề nghị Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bởi theo người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam muốn đi nhanh phải 'đi tắt đón đầu', đó phải là khoa học công nghệ, là ngành bán dẫn. Ông mong các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam đầu tư, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng các xưởng thiết kế, sản xuất, đóng gói và xuất khẩu.
Lãnh đạo Chính phủ cũng cam kết, Việt Nam phải đào tạo nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
>> Công nghệ tàng hình plasma giúp máy bay chiến đấu ‘vô hình’ trước radar
Hiện nay, Việt Nam đã có 1 triệu kỹ sư công nghệ thông tin và Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ GD-ĐT đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn, đáp ứng yêu cầu đến năm 2030.
Ngày 16/1, trong khuôn khổ Hội nghị WEF Davos 2024 (Davos, Thụy Sỹ), chủ trì phiên toạ đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, về công nghiệp bán dẫn, Việt Nam xác định đây là một động lực phát triển mới và sẽ đầu tư để tham gia vào cả 3 công đoạn trong chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn gồm thiết kế, chế tạo và đóng gói; hiện đang tiếp tục tập trung phát triển nền tảng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực và sẽ có chính sách ưu đãi phù hợp.
Trong thời gian qua, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn nhất thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Những tên tuổi lớn nhất trong hệ sinh thái bán dẫn của thế giới đã và đang lựa chọn Việt Nam để đầu tư cho các hoạt động từ nghiên cứu phát triển (R&D) đến sản xuất, chế tạo như: Nvidia, Intel, Samsung, Apple, Foxconn, Amkor, Synopsys….
Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực rất lớn trong việc xây dựng những chính sách, chuẩn bị nguồn lực định hướng Việt Nam trở thành một trong những trung tâm công nghiệp bán dẫn hàng đầu của thế giới.
>> Cảnh giác lừa đảo khi mua vé phim "Đào, Phở và Piano" trên mạng