Để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương cần sớm đưa các chính sách, giải pháp hỗ trợ vào thực tiễn…
Thống kê cho thấy, GDP 6 tháng đầu năm tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020. Đây là mức tăng trưởng thấp thứ hai trong lịch sử 13 năm, chỉ cao hơn so với mức tăng trưởng của quý I/2020 là 3,2%. CPI tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,74%, cao hơn mức CPI bình quân chung. Một số địa phương có mức tăng trưởng thấp, đặc biệt, tăng trưởng của đầu tàu kinh tế TP. Hồ Chí Minh chỉ đạt 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương và xếp hạng 56/63 địa phương.
Trước tình hình khó khăn của nền kinh tế, theo Tổng Cục Thống kê, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% là một thách thức lớn - Ảnh minh họa
Theo Tổng Cục Thống kê, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% là một thách thức lớn.
Thực tế cũng cho thấy, ngay cả khi nền kinh tế trải qua những cú sốc lớn về khủng hoảng hay dịch bệnh thì cũng gần như chưa bao giờ ngành công nghiệp tăng trưởng sụt giảm như hiện nay. Trong khi đó, vốn là điểm sáng của nền kinh tế trong nhiều năm qua, tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu hàng hóa đang gặp nhiều khó khăn do lạm phát gia tăng trên toàn thế giới và nhu cầu giảm sút ở nhiều thị trường. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước…
Không chỉ có vậy, với xu hướng biến động ngày càng phức tạp, khó lường về địa chính trị và địa kinh tế trên thế giới, theo các chuyên gia, Việt Nam với độ mở lớn, khó khăn có thể kéo dài đến hết năm 2023, thậm chí đến năm 2024.
Từ thực tế đã nêu, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương cần sớm đưa các chính sách, giải pháp hỗ trợ vào thực tiễn.
Theo TS.Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tinh thần chủ động nhận diện khó khăn, rào cản, kịp thời ban hành chính sách, giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp, Chính phủ đã khẩn trương ban hành đầy đủ các chính sách, giải pháp. Tuy nhiên, nhiệm vụ bây giờ là khẩn trương triển khai thực hiện sao cho hiệu quả, đưa chính sách, giải pháp vào thực tế cuộc sống.
Bên cạnh việc khẩn trương triển khai đồng thời, đầy đủ các giải pháp đã ban hành, thiết nghĩ, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo một số nội dung cụ thể như: cần khơi thông nguồn vốn tạo thanh khoản cho doanh nghiệp; thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ; trong đó chính sách tài khóa là trọng tâm vì hiệu quả tức thời của loại chính sách này. Chính sách tiền tệ có độ trễ và hoạt động của ngân hàng là loại hình kinh doanh đặc biệt… Đồng thời, cần xác định các ngành, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế, các doanh nghiệp đã khẳng định thương hiệu để có gói tín dụng ưu đãi.
“Chẳng hạn, đối với ngành thủy sản cần có gói tín dụng cho nuôi trồng thủy sản và mua dự trữ nguyên liệu để chế biến xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm và quý I năm 2024. Những gói tín dụng này rất cần thiết nhằm ứng phó với tình trạng hiện nay không có đơn hàng xuất khẩu, nhưng để có và thực hiện được đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới cần có vốn ưu đãi khiến người nuôi trồng thủy sản yên tâm tiếp tục thả nuôi, cung cấp đủ nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
Tương tự đối với ngành dệt, may cần ưu đãi tín dụng để mua nguyên vật liệu, trả lương người lao động giống như gói vay ưu đãi 0% trả lương do Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện trong giai đoạn đại dịch”, ông Lâm bày tỏ.
Cũng theo ông Lâm, cùng với các giải pháp đã nêu, cần giảm chi phí nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Cụ thể, Bộ Tài chính nghiên cứu duy trì chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất; miễn, giảm các loại phí, lệ phí… Đồng thời, hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đặc biệt, không ban hành thêm văn bản mới gây gánh nặng về thuế, phí, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Chính phủ cần chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn… Bộ Công Thương cũng cần tăng cường và khẩn trương đàm phán thương mại, đa dạng hóa thị trường đầu vào và đầu ra để giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống. Minh bạch, đơn giản hóa quy trình thương mại; khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin về thương mại và giá cả; giữ vững năng lực cạnh tranh và thị phần của hàng hóa Việt trên thị trường thế giới. Các cơ quan chức năng cần nâng cao năng lực dự báo về xu hướng kinh tế, cập nhật các ưu đãi phát triển và cảnh báo rủi ro…
Còn theo TS.Phan Đức Hiếu - Uỷ viên thường trực, Ủy viên Kinh tế của Quốc hội, trong năm 2023 và những năm tới, ngoài việc xử lý các vấn đề để tạo động lực trước mắt cho tăng trưởng, còn cần phải xử lý các vấn đề để tạo nền tảng cho sự phát triển trong trung và dài hạn.
“Chúng ta cũng đã có những giải pháp dài hạn và căn cơ được làm trong suốt nhiều năm qua. Đó là chương trình cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, chương trình cơ cấu lại nền kinh tế, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội… Đó là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giảm thiểu thủ tục hành chính nhằm kiến tạo thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước, tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, kinh doanh”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Đồng thời đề nghị, các bộ ngành cần quyết liệt mạnh mẽ hơn, không nên ban hành thêm quy định nào làm gia tăng thêm chi phí hoặc rào cản cho sản xuất kinh doanh, nếu cần thiết ban hành quy định mới cần tính đến cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp.