CẬP NHẬT: Toạ đàm: “Tăng trưởng xanh - Xu thế toàn cầu, sự lựa chọn tất yếu”
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Tăng trưởng xanh - Xu thế toàn cầu, sự lựa chọn tất yếu" để phân tích làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh.
Là xu thế toàn cầu và là sự lựa chọn tất yếu, khách quan, tăng trưởng xanh có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Thời gian qua, tại nước ta, vấn đề về tăng trưởng xanh, phát triển xanh được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm thúc đẩy, các bộ ngành, địa phương hết sức nỗ lực và chủ động vào cuộc, triển khai, qua đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thúc đẩy tăng trưởng và phát triển xanh, khẳng định mạnh mẽ cam kết của Việt Nam trong hướng tới hiện thực hóa mục tiêu Netzero vào năm 2050.
Quá trình chuyển đổi xanh cũng đã mở ra rất nhiều triển vọng phát triển, hợp tác cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Việt Nam cũng như các cơ hội vươn ra thế giới của các doanh nghiệp Việt Nam.
Vậy, bản chất, nội hàm của chuyển đổi xanh là gì; những triển vọng, cơ hội này được mở ra đối với các doanh ra sao; cơ chế, chính sách nào cần tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, đổi mới để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi xanh; những mô hình hay, kinh nghiệm tốt của địa phương, tập đoàn trong triển khai chuyển đổi xanh; giải pháp nào để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững… Những vấn đề này sẽ được luận bàn, phân tích, làm rõ tại Tọa đàm "Tăng trưởng xanh - Xu thế toàn cầu, sự lựa chọn tất yếu" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm nay với sự tham dự của các vị khách mời là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp:
- Ông Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên
- Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Ông Quách Quang Đông, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương
- Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam
Việt Nam thể hiện quyết tâm mạnh mẽ thúc đẩy "xanh hóa" nền kinh tế; khẳng định cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để đạt được các mục tiêu trên, đòi hỏi sự vào cuộc của các thành phần kinh tế trong đó có các DN. Tuy nhiên để cộng đồng DN chủ động tham gia, thúc đẩy quá trình này nhanh hơn, hiệu quả hơn thì điều kiện đầu tiên phải kể đến là "bệ đỡ" về cơ sở pháp lý, nhất là các chính sách khuyến khích, hỗ trợ từ Chính phủ, bộ, ngành.
Xin ông Lê Việt Anh cho biết các DN đầu tư xanh đã và đang được hưởng các chính sách ưu đãi của Chính phủ như thế nào và các DN phải làm gì, làm như thế nào để tiếp thục được thụ hưởng các chính sách ưu đãi rộng mở trong phát triển xanh?
Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Như chúng ta đều biết, tăng trưởng xanh là một định hướng hết sức quan trọng cho tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Theo đó Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cho giai đoạn 2021-20230 và tầm nhìn đến năm 2025, đồng thời Chính phủ cũng ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
Các bộ, ngành, địa phương cũng đã ban hành hoặc lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp về tăng trưởng xanh trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của mình. Điều đó cho thấy Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một định hướng rất quan trọng cho kinh tế- xã hội trong giai đoạn tiếp theo. Tất cả các bên liên quan đều có trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia vào tiến trình tăng trưởng xanh của nền kinh tế quốc gia.
Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh cũng đề ra hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp cho các bên tham gia, với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau.
Đối với khối doanh nghiệp, kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh cũng đã đề ra hàng loạt giải pháp, nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành cũng như các doanh nghiệp trong tiến trình tăng trưởng xanh. Cụ thể, đối với các biện pháp ưu đãi dành cho các doanh nghiệp tham gia vào tiến trình tăng trưởng xanh, chúng ta xác định được ngay loại ưu đãi doanh nghiệp.
Thứ nhất là ưu đãi tài chính, thứ hai là ưu đãi phi tài chính. Các ưu đãi về tài chính đã được thể hiện rất rõ trong Nghị định của Chính phủ, quy định của các bộ ngành liên quan đến thuế, liên quan đến tiếp cận tài chính, liên quan đến lãi suất và liên quan đến tất cả các nội dung có thể phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
Các cơ chế chính sách ưu đãi về tài chính đối với các doanh nghiệp rất rõ ràng, nằm trong các cơ chế, chính sách cụ thể mà các bộ, ngành đã ban hành.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng dành những chính sách phi tài chính cho doanh nghiệp. Theo đó các doanh nghiệp có cam kết về tiến trình tăng trưởng xanh sẽ được xem xét, phê duyệt để có quy trình thủ tục đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất.
Đương nhiên khi doanh nghiệp muốn hưởng các ưu đãi đối với tiến trình tăng trưởng xanh thì cũng phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện hay ngắn gọn là các tiêu chí, nguyên tắc để được hưởng ưu đãi như vậy. Doanh nghiệp phải đáp ứng được các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra cho tiến trình tăng trưởng xanh. Những quy định này trong thời gian vừa qua các bộ, ngành cũng như Chính phủ đã nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ chính sách dành cho doanh nghiệp.
Khuôn khổ chính sách dành cho tăng trưởng xanh ngày càng rõ ràng hơn, minh bạch và cụ thể hơn để doanh nghiệp hiểu và áp dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh của mình.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, trong thời gian qua, chính sách về tăng trưởng xanh cũng còn nhiều điểm cần tiếp tục hoàn thiện, dư địa dành cho nội dung hoàn thiện này còn rất lớn.
Theo kinh nghiệm quốc tế, việc đầu tiên cần triển khai thời gian tiếp theo là phải có hệ thống phân loại xanh quốc gia rất rõ ràng, cụ thể. Việc này Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh cũng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan sẽ ban hành hệ thống xanh quốc gia.
Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ban hành hệ thống ngành xanh quốc gia. Khi hệ thống này được ban hành, chúng ta sẽ xác định được rõ doanh nghiệp nào, dự án đầu tư nào được hưởng các ưu đãi về cơ chế, chính sách dành cho tăng trưởng xanh.
Sau khi hệ thống này được ban hành, chúng ta sẽ có hàng loạt cơ chế chính sách ưu đãi kèm theo rõ ràng dành cho doanh nghiệp. Tất nhiên tiến trình như vậy sẽ yêu cầu khối lượng thời gian không nhỏ. Do đó, Chính phủ cũng cho phép áp dụng cơ chế thí điểm liên quan đến tăng trưởng xanh và nội dung cụ thể này trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu để kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng những cơ chế ưu đãi đặc thù dành cho các dự án đầu tư cũng như các doanh nghiệp liên quan đến tăng trưởng xanh.
Chúng ta có thể tiếp cận theo hướng lựa chọn những dự án đầu tư thí điểm có tiêu chí nguyên tắc đáp ứng tăng trưởng xanh, cũng như có thể xác định những doanh nghiệp đã áp dụng tiến trình tăng trưởng xanh như áp dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường, công nghệ hướng tới tương lai về bảo đảm mức khí thải đáp ứng yêu cầu. Những nội dung này đang trong quá trình nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện và bổ sung chính sách trong thời gian tiếp theo. Điều này đòi hỏi có sự phối hợp rất tích cực của các bên liên quan, trong đó có bản thân các doanh nghiệp.
Khi các doanh nghiệp tham gia quá trình hoàn thiện chính sách thì cơ chế chính sách ban hành sẽ bảo đảm toàn diện, tổng thể và đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp cũng như toàn bộ xã hội. Chúng ta cần phải xác định rằng tăng trưởng xanh là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, trong đó có trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, các chủ thể liên quan và đặc biệt là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, một vấn đề trong thời gian gần đây được đề cập rất rõ nét và được nhấn mạnh trong các diễn đàn khác nhau về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Phát triển bền vững không chỉ là xu thế mà còn là một yêu cầu bắt buộc với các DN Việt Nam muốn vươn ra thị trường thế giới bởi hàng hóa xuất khẩu và các thị trường lớn, khó tính luôn đòi hỏi các chứng chỉ về môi trường, carbon… Do đó DN Việt Nam muốn vươn mình ra thế giới, khẳng định thương hiệu Việt cần phải nhận thức rõ tính tất yếu của quá trình phát triển xanh, bền vững. Nhận định của ông Quách Quang Đông về quan điểm trên như thế nào và xin ông chia sẻ rõ hơn về vai trò dẫn dắt của ngành Công Thương trong thực hiện mục tiêu phát triển xanh của nước ta thời gian qua?
Ông Quách Quang Đông, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương: Tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định và đánh giá về xu thế, bối cảnh chúng ta áp dụng các rào cản kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu về môi trường, về BĐKH cũng như phát triển bền vững. Hiện nay Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ireland… Những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này đều có cam kết về tỉ lệ xóa bỏ những thuế quan nhập khẩu đối với những nước tham gia Hiệp định có thể lên đến 100%. Điều này sẽ tạo ra thách thức đối với những nước phát triển trong việc bảo vệ nền sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh về giá thành sản xuất từ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, vốn có lợi thế về giá nhân công thấp hơn, về chi phí năng lượng thấp hơn cũng như những tiêu chuẩn về môi trường.
Do đó, điều này cũng đặt ra những khó khăn, thách thức đối với các nước phát triển. Họ dựng lên và áp dụng thêm hàng rào kỹ thuật, trong đó có liên quan đến những yếu tố như chất lượng hàng hóa, xuất xứ nguồn gốc hay những tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, từ đó hạn chế sản phẩm giá rẻ từ những nước đang phát triển. Với những mức thuế nhập khẩu tại các nước tham gia Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới có thể về đến 0 phần trăm, đây sẽ là cơ hội rất lớn đối với các DN Việt Nam muốn vươn ra thế giới.
Tuy nhiên, song hành với quá trình này, các DN Việt Nam cũng phải quyết liệt đổi mới tư duy, dổi mới chiến lược để đáp ứng những yêu cầu về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Nghĩa là phải lưu ý các yếu tố liên quan đến chất lượng hàng hóa và những tiêu chuẩn về môi trường và chúng ta phải tuân thủ luật chơi của các nước phát triển. Ở đây chúng ta phải tranh thủ những lợi thế quốc gia như chi phí nhân công vẫn đủ ở mức cạnh tranh được.
Để hỗ trợ các chương trình chuyển đổi của các DN theo hướng xanh và bền vững, Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình hỗ trợ trực tiếp như chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giai đoạn 2019-2030, Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, giai đoạn 2021-2030 cũng như Kế hoạch ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh đến năm 2030 có tính đến năm 2050. Các chương trình này nhằm hỗ trợ các DN chuyển đổi theo hướng sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, nguyên nhiên liệu, năng lượng cũng như tiến đến phát thải thấp trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Qua đây, chúng tôi cũng muốn gửi thông điệp đến cộng đồng DN Việt Nam hãy nỗ lực, tích cực và kiên trì đổi mới, chuyển đổi theo hướng xanh, bền vững; xây dựng chiến lược phát triển dài hạn đồng thời tiếp tục đồng hành và hưởng ứng, hỗ trợ những chương trình của Chính phủ và Bộ Công Thương.
Quá trình chuyển dịch từ nền kinh tế "nâu" sang "xanh" khó có thể đạt hiệu quả cao nếu thiếu sự đồng thuận, chủ động thực hiện của các địa phương.
Là một tỉnh có nhiều kết quả ấn tượng trong thu hút đầu tư, nhất là các dự án xanh, ông Nguyễn Hùng Nam có thể chia sẻ những chính sách mà tỉnh đã áp dụng trong thời gian qua để thu hút đầu tư trong và ngoài nước cũng như những bài học hay, kinh nghiệm quý được địa phương rút ra. Các nhiệm vụ trọng tâm tỉnh sẽ tập trung triển khai thực hiện cho thu hút các dự án xanh thời gian tới là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về tăng trưởng xanh, Nghị quyết Đại hội 19 của Đảng bộ tỉnh, trong những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã và đang tích cực chuyển dịch từ kinh tế nâu sang xanh với quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của tỉnh Hưng Yên luôn đạt top cao của cả nước. Năm 2024, GDP của tỉnh Hưng Yên ước tăng 8,17% và tính cả giai đoạn 2021-2025 ước tăng 9,69%. Năm 2024, thu ngân sách tỉnh Hưng Yên đạt 39.446 tỷ đồng đạt 120% kế hoạch. Năm 2023, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hưng Yên xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố; chỉ số xanh xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố. Năm 2024, thu hút đầu tư ước đạt 25.751 tỷ đồng và 801 triệu USD. Trong đó có 138 dự án đầu tư mới nâng tổng số dự án trên địa bàn tỉnh lên 2.328 dự án.
Để thu hút đầu tư, đồng thời sự chuyển dịch kinh tế từ nâu sang xanh thì thời gian qua tỉnh đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách:
Một là đồng bộ về cơ sở hạ tầng để tạo sự hấp dẫn, thu hút đầu tư, Tỉnh đã tập trung thực hiện các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: 1- Tập trung triển khai các khu, cụm công nghiệp; 2- Phát triển hệ thống hạ tầng giao thông suốt. Trên địa bàn tỉnh đang tiến hành thực hiện các dự án của quốc gia như dự án vành đai 4, dự án vành đai 3,5; các tuyến đường kết nối giữa đường Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và các tuyến đường trong tỉnh. Chúng tôi đã đồng bộ phát triển hệ thống cấp nước, cấp điện và các hệ thống hạ tầng thông tin liên lạc để phục vụ sản xuất. Thời gian vừa qua, Chính phủ cũng đã khánh thành đường dây 500 kW mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối. Các hệ thống điện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đảm bảo để phục vụ cho các nhà đầu tư phát triển công nghiệp; 4- Tỉnh luôn quan tâm đầu tư, hoàn thiện các hệ thống hạ tầng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, công trình thương mại dịch vụ văn hóa; cơ sở đào tạo nghề, y tế để phục vụ nhu cầu cơ bản, thiết thực cho người lao động. Chúng tôi cũng đã ban hành Đề án phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân và người lao động.
Thứ hai là giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh và dịch vụ; hỗ trợ đầu tư: Chúng tôi luôn luôn quan tâm thực hiện các chương trình, kế hoạch để cải cách thủ tục hành chính và rút gọn, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Thứ ba là nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Hưng Yên là 1 tỉnh có diện tích không lớn nên chúng tôi rất quan tâm đến lựa chọn các nhà đầu tư. Về xúc tiến đầu tư, hàng năm tỉnh tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư tại nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ. Ngoài ra, chúng tôi cũng mời các hiệp hội đầu tư nước ngoài như của Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu âu đến làm việc với Tỉnh và thường xuyên, định kỳ đối thoại với các doanh nghiệp trong nước như các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại tỉnh để lắng nghe, chia sẻ và hoàn thiện các chính sách của mình.
Về chính sách ưu đãi đầu tư: Để thu hút các dự án trên địa bàn, tỉnh Hưng Yên đã thực hiện các chính sách đầu tư chủ yếu về tài chính, thuế và tín dụng, đất đai. Trong đó hỗ trợ: cho thuê đất và công tác giải phóng mặt bằng và hỗ trợ kinh phí đào nghề cho người lao động.
Về bảo vệ môi trường và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tỉnh đã triển khai đồng bộ hàng loạt các đề án, chương trình, giải pháp toàn diện trong các lĩnh vực có tác động đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Về Thương mại, tỉnh đã ban hành Đề án nói không với rác thải nhựa và túi nilong tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, chợ dân sinh.
Về lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh chủ động hướng dẫn người dân đổi mới phương thức canh tác để hoàn thiện; giảm cường độ phác thải khí nhà kính. Đến nay, chúng tôi đã chứng nhận cho 305 mô hình trồng trọt và 113 mô hình chăn nuôi, 23.000 mô hình thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Về lĩnh vực giao thông vận tải, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vận hành các phương tiện giao thông công cộng.
Về lĩnh vực đô thị, tỉnh từng bước thúc đẩy đô thị hóa theo hướng thông minh, bền vững và có năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu. Trong chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2021 – 2025 của chúng tôi có đề xuất các dự án phục vụ phát triển đô thị tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Về lĩnh vực bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, Hưng Yên đã ban hành Chương trình bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2025 và tỉnh đang triển khai đề án thu gom nước thải sinh hoạt trong khu dân cư và các đề án về thu gom xử lý các chất thải rắn. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục, tích cực chỉ đạo chuyển dịch nền kinh tế nâu sang xanh với quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững đồng thời bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên môi trường, thiên nhiên theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Là một Tập đoàn đã quốc gia đã có mặt tại gần 200 quốc gia trên thế giới với lịch sử hoạt động gần 160 năm, Tập đoàn Nestlé luôn coi trọng những nguyên tắc phát triển bền vững trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh gắn liền với thực hiện trách nhiệm xã hội. Có mặt tại Việt Nam từ năm 1995, Nestlé Việt Nam luôn cam kết đầu tư lâu dài và vì sự phát triển bền vững của Việt Nam với tầm nhìn trở thành "Công ty toàn cầu gắn kết địa phương tiên phong trong phát triển bền vững".
Xin ông Binu Jacob chia sẻ một số sáng kiến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh mà Nestlé đã và đang triển khai ở các nước nói chung và ở Việt Nam nói riêng?
Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam: Nestlé chúng tôi là công ty sản xuất thực phẩm rất lớn, chúng tôi luôn quan tâm đến việc thực phẩm chúng tôi sản xuất ra mang tính bền vững, chính vì thế chúng tôi đặt vấn đề phát triển bền vững ở tầm quan trọng, ưu tiên cao.
Trong những năm qua, chúng tôi đã mở một số dự án mới ở Hưng Yên, Đồng Nai và một số địa phương khác tại Việt Nam. Những dự án của chúng tôi luôn tính đến tính bền vững trong chuỗi giá trị của tất cả sản phẩm.
Tôi xin chia sẻ về những hoạt động đầu tư cho phát triển bền vững của Nestlé ở Việt Nam. Đầu tiên là bảo đảm nguồn nguyên liệu bền vững. Ngành hàng mà chúng tôi hoạt động mạnh nhất ở Việt Nam là cà phê. Chúng tôi luôn bảo đảm cà phê Nestlé thu mua từ người sản xuất ở Việt Nam đều là những loại cà phê có chất lượng cao, được sản xuất một cách bền vững. Nestlé đã hỗ trợ hàng trăm nghìn hộ gia đình trồng cà phê để bảo đảm rằng việc canh tác cà phê sẽ sử dụng lượng phân bón hóa học, lượng thuốc trừ sâu tối thiểu cũng như chúng tôi có chiến lược cố gắng giảm 20% thuốc trừ sâu, giảm 20% lượng nước sử dụng cho cây cà phê. Và Nestlé cũng tiết kiệm lượng nước sử dụng ở tất cả nhà máy của mình. Trong 3 năm vừa qua, Nestlé là một trong những công ty hiếm hoi ở Việt Nam nhận được chứng chỉ của tổ chức Water Stewardship cho những giải pháp tiết kiệm nước. Hiện nay chúng tôi thực hiện 100% trung hòa về nước, có nghĩa là hoàn toàn có thể tái chế nước đã qua sử dụng. Ngoài ra, có một sáng kiến nữa để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đó là Nestlé cam kết thu mua lại tất cả bao bì của chúng tôi để tái chế. Hiện nay 95% bao bì của Nestlé lưu hành trên thị trường đều được chúng tôi thu mua lại để có thể tái chế, tái sử dụng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa hài lòng với kết quả đó, chúng tôi luôn muốn trở thành doanh nghiệp hàng đầu và mong muốn tìm kiếm được những cách thức để có thể tái chế, tái sử dụng bao bì, phụ phẩm.
Một sáng kiến nữa là Nestlé tìm cách cắt giảm năng lượng bằng cách sử dụng các nồi hơi sinh khối… Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ cũng như UBND các địa phương để có thể hỗ trợ cho Việt Nam trong quá trình đạt cam kết về Net Zero.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là Nestlé rất quan tâm tới việc có lối sống lành mạnh. Một vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà ở trên toàn thế giới hiện nay là trẻ em ngày càng ít quan tâm tới các hoạt động thể chất, chúng bị hấp dẫn bởi điện thoại di động, các thiết bị cầm tay. Bây giờ Nestlé xây dựng những chương trình để khuyến khích trẻ em năng động hơn, tham gia hoạt động thể chất nhiều hơn. Mỗi năm, Nestlé tổ chức các hoạt động thu hút hơn 500.000 trẻ em tham gia vào các hoạt động thể chất. Chúng tôi cũng hỗ trợ rất nhiều việc đào tạo, tập huấn cho phụ nữ nông thôn. Chúng tôi đã hỗ trợ chương trình đào tạo cho 1,7 triệu phụ nữ nông thôn để giúp họ cải thiện kiến thức, kỹ năng làm việc.
Để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng xanh thì số lượng các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư thực sự quan tâm về "chất" chưa nhiều. Vậy đâu là nguyên nhân và những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải trong quá trình thúc đẩy đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực này, thưa ông Lê Việt Anh?
Ông Lê Việt Anh: Đây là một câu hỏi hết sức thú vị và động chạm đến nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến việc triển khai trên thực tế. Chúng ta phải xác định có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan liên quan đến tiến trình tăng trưởng bền vững và tăng trưởng xanh. Chúng ta có thể chỉ ra rằng doanh nghiệp còn gặp tương đối nhiều khó khăn trong việc xác định mình được hưởng cơ chế ưu đãi nào từ phía Chính phủ. Điều này tôi đã đề cập đến ở phần đầu của chương trình, đó là Chính phủ cần có hệ thống phân loại các hoạt động kinh tế, các doanh nghiệp, các dự án đầu tư được xác định là xanh. Trên cơ sở đó thiết kế các cơ chế, chính sách mang tính đồng lợi ích và hướng định để làm sao doanh nghiệp được hưởng lợi từ các chính sách như vậy sẽ có đóng góp tích cực cho kinh tế, xã hội. Chúng ta biết rằng trong môi trường kinh doanh có những lợi ích xung đột và Nhà nước phải làm sao thiết kế các cơ chế chính sách để các lợi ích này, xung đột này sẽ phục vụ cho mục đích cuối cùng là đảm bảo môi trường kinh doanh đáp ứng tăng trưởng bền vững và tăng trưởng xanh.
Chúng ta cần phải thừa nhận trong thời gian vừa qua, tiến trình phát triển bền vững và tăng trưởng xanh còn gặp rất nhiều rào cản và thách thức. Thách thức đó đến từ môi trường chung cũng như từ các doanh nghiệp. Nhận thức của doanh nghiệp liên quan đến tăng trưởng xanh cũng cần phải củng cố trong thời gian tới. Các doanh nghiệp cũng phải tìm hiểu kỹ càng hơn về các chính sách mà Nhà nước đang dành ưu đãi về phát triển và tăng trưởng xanh. Tất nhiên, nội dung này cũng liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc phổ biến, tuyên truyền cũng như hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí, nguyên tắc sẽ được áp dụng, sẽ được ưu đãi về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Quý vị có thể nghe các thảo luận, trao đổi liên quan đến nội dung 'rửa xanh'. Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay thực hiệp quá trình chưa được chuẩn xác liên quan đến các chứng nhận, chứng chỉ về môi trường và về tăng trưởng xanh. Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải xác định hệ thống, cơ chế chính sách để có thưởng phạt phân minh, tức là ưu đãi cho những doanh nghiệp làm ăn đứng đắn và có chế tài áp dụng cho những doanh nghiệp làm ăn chưa đúng. Điều này đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều ngành và lĩnh vực để không bỏ sót những doanh nghiệp xứng đáng được hưởng ưu đãi cũng như không bỏ sót doanh nghiệp phải chịu chế tài khắt khe của hệ thống chính sách pháp luật của chúng ta cũng như công luận.
Một khó khăn nữa chúng ta cũng không thể bỏ qua liên quan đến tiến trình tăng trưởng bền vững và phát triển xanh là chuyển đổi xanh đòi hỏi chi phí đầu tư tương đối lớn, điều này đã được rất nhiều nghiên cứu khẳng định. Có nhiều doanh nghiệp còn ngần ngại đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ cũng như đầu tư đổi mới trong dài hạn, đảm bảo tiêu chuẩn về phát thải khí nhà kính hoặc các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Đây là một thực tế chúng ta cần phải thừa nhận. Nhà nước cần phải có cơ chế chính sách hết sức rõ ràng để hỗ trợ các doanh nghiệp này trong quá trình chuyển đổi. Tất nhiên, từ phía doanh nghiệp cũng phải xác định rõ về mặt dài hạn, chuyển đổi theo hướng xanh mang lợi lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần phải nhận thức rằng lợi nhuận trong ngắn hạn sẽ nhanh chóng bị ảnh hưởng bởi những cơ chế chính sách tiến bộ toàn thế giới hiện nay đang áp dụng.
Người dẫn chương trình đã đề cập đến tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh. Đây là cuộc chơi toàn cầu, chúng ta cần phải đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn toàn cầu thì mới tồn tại được trong thế giới biến động liên tục ngày nay. Chúng tôi có thể lấy ví dụ như vừa qua Liên minh châu Âu đã ban hành cơ chế kiểm soát carbon xuyên biên giới (CBAM). Cơ chế này tưởng chừng chưa ảnh hưởng ngay đến các khối doanh nghiệp, nhưng trên thực tế, chỉ trong một vài năm tới, các doanh nghiệp không tìm hiểu rõ quy trình, quy chế, quy định này, đảm bảo hàng hóa, sản phẩm của mình đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện này thì lập tức sẽ chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề.
Chúng tôi hoàn toàn hiểu rằng trong tiến trình tăng trưởng xanh, ngoài vai trò hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của Nhà nước thông qua cơ chế chính sách thì tính chủ động nắm bắt và vươn lên của doanh nghiệp hết sức quan trọng. Đối với nội dung này, phía cơ quan nhà nước xác định rõ những nội dung sẽ tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Thứ nhất, về cơ chế chính sách, Chính phủ và các cơ quan ban ngành phải nhanh chóng, kịp thời ban hành đầy đủ để hỗ trợ cho phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.
Thứ hai, phải huy động đủ nguồn lực tài chính để các tiến trình phát triển bền vững và tăng trưởng xanh đủ nguồn lực để triển khai và hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Thứ ba là tăng cường nâng cao nhận thức cho cả khối doanh nghiệp và người dân, bởi hàng hóa sản xuất cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng có xu hướng tiêu thụ sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường thì sẽ tạo ra động lực rất mạnh để doanh nghiệp tiếp tục quá trình sản xuất kinh doanh của mình.
Chúng ta hiểu rằng sản phẩm xanh hiện nay cơ bản có giá thành cao hơn so với các sản phẩm thông thường. Khi chúng ta đã huy động và đảm bảo sự tham gia của người dân trong việc tiêu dùng các sản phẩm xanh thì tôi tin sẽ là động lực quan trọng hàng đầu để doanh nghiệp đổi mới công nghệ và tiếp tục triển khai tiến trình phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.
>>Chính sách cho tăng trưởng xanh: Việt Nam mới được 1/4 chặng đường
BIDV hoạt động ổn định, an toàn và đóng góp tích cực vào tăng trưởng xanh
Tăng trưởng xanh giúp Tập đoàn Masan (MSN) thu hút hàng trăm triệu USD vốn ngoại