Lộ diện nhóm 9 quốc gia sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tỷ trọng GDP của G7 còn xếp sau
Dự báo trong những thập kỷ tới, hơn 40% tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ đến từ BRICS.
Nhóm BRICS, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và các thành viên mới như Ai Cập, Ethiopia, Iran và UAE, đang nổi lên như một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS mới đây tại Moskva, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định rằng khối BRICS sẽ đóng góp phần lớn vào tăng trưởng GDP toàn cầu trong tương lai, vượt qua các nền kinh tế phát triển phương Tây.
Theo Tổng thống Putin, hiện nay BRICS chiếm 37,4% GDP toàn cầu, cao hơn mức của Nhóm G7 là 29,3%, và tỷ trọng này đang tiếp tục tăng.
Dự báo trong những thập kỷ tới, hơn 40% tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ đến từ BRICS. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của BRICS năm 2023 dự kiến đạt 4%, trong khi các nước G7 chỉ đạt 1,7%, cho thấy sự khác biệt rõ rệt trong động lực tăng trưởng. Với mức tăng này, BRICS đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thế giới.
Tổng thống Putin nhấn mạnh, BRICS đang hướng tới "chủ quyền kinh tế", với mục tiêu giảm dần sự phụ thuộc vào các tác động từ bên ngoài. Nga mong muốn xây dựng BRICS thành một đối trọng mạnh mẽ với phương Tây, không chỉ về kinh tế mà còn về thương mại toàn cầu. Ông Putin kỳ vọng BRICS sẽ cải tổ hệ thống tài chính và giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong các giao dịch quốc tế.
Để hỗ trợ mục tiêu này, nhiều nền tảng phát triển trong BRICS đang được xây dựng, bao gồm các kênh truyền thông, tiêu chuẩn công nghệ, hệ thống tài chính, và các cơ chế đầu tư bền vững dài hạn.
Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 16, diễn ra tại thành phố Kazan từ ngày 22-24/10, được kỳ vọng sẽ là một bước ngoặt quan trọng trong quá trình khẳng định vị thế của BRICS trên trường quốc tế.